Thủ tướng Chính phủ mới ban hành Quyết định số 150/QĐ-TTg – Phê duyệt đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn khuyết thông tin. TVTKU có cuộc phỏng vấn với ông Hoàng Công Thái – Cục trưởng Cục Người có công - Bộ LĐ-TB&XH, là đơn vị được giao chủ trì hoạt động cấp nhà nước này.
TVTKU: Bằng Quyết định số 150/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ thực hiện việc xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin cho các đơn vị cụ thể, chủ trì là Cục Người có công – Bộ LĐ-TB&XH. Hoạt động cấp nhà nước này sẽ mang lại những gì cho thân nhân liệt sĩ hiện còn chưa tìm được người thân. Thưa ông?
Ông Hoàng Công Thái – Cục trưởng Cục Người có công - Bộ LĐ-TB&XH: Trước khi đề án được phê duyệt, ta đã có 2 năm làm thí điểm. Từ khi đề án chính thức đi vào hoạt động, phạm vi hoạt động của đề án rộng hơn, sẽ giải quyết được nhiều trường hợp hơn, nhà nước sẽ tập trung nguồn lực lớn hơn. Qua đó, sẽ giúp các gia đình tìm kiếm thông tin về liệt sĩ còn khuyết thông tin hiện đang nằm trong các nghĩa trang liệt sĩ.
TVTKU: Nhưng cụ thể là chúng ta đang dùng những biện pháp như thế nào để xác định danh tính của các ngôi mộ còn thiếu thông tin?
Ông Hoàng Công Thái: Hiện nay việc xác định danh tính cho các liệt sĩ có nhiều phương pháp. Thứ nhất là phương pháp thực chứng. Thứ hai là việc kết nối thông tin giữa những người đã từng chôn cất liệt sĩ và những đội quy tập trực tiếp cất bốc hài cốt liệt sĩ về nghĩa trang những kỷ vật, kể cả giám định ADN.
Đối với những trường hợp, bằng các biện pháp khác mà đã xác định chính xác danh tính liệt sĩ thì sẽ không giám định ADN. Không chỉ ở Việt Nam mà ở các nước khác, khi chúng tôi tiếp xúc với các chuyên gia nước ngoài, người ta cũng nói việc giám định ADN là khâu cuối cùng, bắt buộc nếu các phương pháp khác không giải quyết được thì mới giám định ADN.
Ngay trong đề án của chúng ta cũng quy định như thế. Nếu mà phương pháp thực chứng và những phương pháp khác đã xác định chính xác danh tính các liệt sĩ rồi thì chúng ta không làm giám định AND nữa.
Hiện nay Bộ LĐ-TB&XH đang trình Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo cấp Nhà nước, để chị đạo thực hiện dự án này. Dự án do một Phó Thủ tướng làm trưởng ban, và một số các Bộ, Ban, Ngành có liên quan cùng tham gia vào dự án này. Tôi tin rằng với sự chỉ đạo tập trung của Nhà nước, của Chính phủ thì đề án có những bước phát triển nhanh chóng.
TVTKU: Vậy thì còn có điều gì khi bắt đầu triển khai thực hiện dự án trên diện rộng mà ông cảm thấy hơi lo lắng một chút?
Ông Hoàng Công Thái: Với dự án lớn này (và là một vấn đề hết sức nhạy cảm) cho nên còn rất nhiều điều lo lắng, nhiều điều phải suy nghĩ. Nhưng tôi tin rằng, trong quá trình thực hiện triển khai dự án sẽ từng bước giải quyết được vấn đề này.
TVTKU: Đây là một dự án rất bao quát và là một dự án gọi là công nghệ cao. Để hiểu được và thực hiện được tất cả các quy trình hoạt động mà nó đòi hỏi cần có sự chuẩn bị kỹ về nhân lực để thực hiện?
Ông Hoàng Công Thái: Có 2 vấn đề mà chúng tôi rất quan tâm. Cái quan tâm đầu tiên là hệ thống quản lý những thông tin, dữ liệu về liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ. Quản lý tốt điều này thì công việc sẽ dễ dàng hơn. Thứ 2, năng lực của những trung tâm giám định phải giải quyết trong quá trình thực hiện dự án này.
Chúng ta cũng không kỳ vọng là tất cả 500 ngàn liệt sĩ còn chưa có thông tin là chúng ta có thể giải quyết được hết một cách trọn vẹn. Nhưng tinh thần chung là nhà nước sẽ tập trung nguồn lực làm thế nào để xác định càng nhiều càng tốt. Mục tiêu đến năm 2015, tiến hành xác định bằng khớp nối thông tin cho 3000 liệt sĩ, xác định bằng xét nghiệm ADN cho 10.000 liệt sĩ
TVTKU: Cám ơn ông.
Theo trovetukyuc.vn