Cán bộ, chiến sĩ Ðội 192 cất bốc mộ liệt sĩ trên đất bạn Lào.
Mở đầu câu chuyện với chúng tôi, Thượng tá Trần Trung Thành, nguyên Ðội trưởng Ðội 192, cũng là người có kinh nghiệm 17 năm đi tìm mộ liệt sĩ ở nước bạn Lào vẫn còn xúc động. Với anh, những chuyến đi dài ngày trên đất nước Triệu Voi để cất bốc hài cốt liệt sĩ Việt Nam hy sinh ở Lào là những ngày tháng gian khó nhưng hạnh phúc nhất của người lính. Công việc tìm kiếm của các anh phải bắt đầu từ các nguồn tin của đồng đội, thân nhân gia đình và người dân địa phương tại các tỉnh nước bạn Lào. Anh Thành kể, khó khăn nhất trong công tác quy tập mộ liệt sĩ là việc thông tin, địa điểm các phần mộ không chính xác, hồ sơ lưu trữ thất lạc, nhiều ngôi mộ đã bị bom đạn, thời gian vùi lấp. Nơi các anh đến là các bản làng xa xôi, những cánh rừng hẻo lánh, núi non hiểm trở, phải đi bộ mất hai đến ba ngày đường. Ðó là những nơi ngày xưa cha anh từng hành quân chiến đấu, bây giờ các anh lại có mặt. Ðã qua hơn 30 năm chiến tranh, hàng nghìn ngôi mộ liệt sĩ nằm sâu dưới lòng đất hay dưới những tán cây cổ thụ, nên sau mỗi năm, cán bộ, chiến sĩ của đơn vị lại càng phải đi xa hơn. Có hôm, cả đội phải chia làm nhiều ca, tìm kiếm kỹ lưỡng trong từng kẽ đá, mò mẫm từng vũng nước đọng trong lòng hang tanh mùi rêu mốc. Hễ nghe được manh mối nơi nào có mộ liệt sĩ, các anh lại tìm đến, một lần tìm không có thì quay lại ba, bốn lần, lắm khi cày nát cả quả đồi, mất cả tuần liền nhưng lại về tay trắng.
Hàng chục năm qua, dấu chân các anh đã in khắp những cánh rừng Xa-la-van, Xê-công, Xiêng Khoảng, Khăm Muộn... Theo Ðội phó Ðội 192, Trung tá Nguyễn Tiến Chương thì sự khốc liệt của thời tiết, địa hình hiểm trở khiến những người lính, ở độ tuổi sung sức nhất khi mới mười tám, đôi mươi vẫn không thể chống chọi nơi rừng thiêng, nước độc. Có thời điểm, đội quân tìm kiếm mộ liệt sĩ lên đến gần 100 người thì có đến gần 80% trong số đó bị sốt rét sau những chuyến đi dài ngày trên đất bạn. Có anh tưởng chừng chết đi sống lại, sốt cao bầm dập cả tháng trời. Bởi lẽ, ăn uống thiếu thốn đã đành, mỗi ngày các anh phải hành quân mấy chục cây số trong rừng. Hành trang đem theo nặng chừng 30 đến 40 kg, với đủ lương thực, thực phẩm cho một cuộc hành quân dài ngày ở trong rừng. Mang nặng, đường núi hiểm trở, thế nên khi họ băng rừng, lội suối, trèo đèo, vượt lên các đỉnh núi cao thì có cảm giác như mình chìm trong mây, dốc dựng đứng với vực sâu thăm thẳm kề bên, chỉ cần sơ sẩy một tý là đổi cả tính mạng. Các anh dùng dây rừng làm thang bám nối nhau leo lên, cứ nhích dần, nhích dần từng bước một. Gót chân của người trước chạm mặt người sau, đá nhọn lởm chởm đâm vào da, vào thịt. Dẫu đã có kinh nghiệm nhưng họ vẫn thường xuyên bị đói trong rừng. Có lần cả đội suýt chết đói trong rừng sâu. Giọng chậm rãi, anh Thành kể: Có bận khi các anh đang tìm kiếm hài cốt liệt sĩ ở huyện Tù Muồi (tỉnh Xa-la-van) thì nhận được tin báo của dân bản, ở bản Bạc (tỉnh Xê-công) có mộ liệt sĩ. Từ Tù Muồi đến bản Bạc phải hành quân gần 10 ngày đêm qua nhiều thác cao, đèo dốc. Lương thực đem theo đã hết, chỉ còn một gói mì tôm bốn, năm người chia nhau để cầm hơi. Vừa đói, vừa mệt, nhiều người lả đi song nhờ ý chí và nghị lực của toàn đội mọi người dìu nhau về an toàn. Nhưng nguy hiểm hơn là ở những cánh rừng có chất độc đi-ô-xin, khu vực bom, mìn sót lại. Trung úy Cao Thọ Huy, đã hơn 10 năm đi tìm đồng đội, tâm sự: "Còn nhớ vào mùa khô năm 2008, khi đến dốc Phò Giang, bản Thuông Cà Hăng (Xa-la-van), nơi trước kia là kho vũ khí của quân đội ta, rất nhiều các loại vật nổ còn sót lại. Vì vậy, khi đến đây cả đội phải dừng lại dò mìn, người đi trước dẫm lên bước chân của người đi sau. Chỉ chừng khoảng một km đường, nhưng cả đội phải mất hơn một ngày mới qua được an toàn".
Những ngày tháng Ðội quy tập mộ liệt sĩ 192 sống trên đất bạn đi đến đâu anh em đều được bà con dân bản đón tiếp ân tình, tìm đường chỉ dẫn để tìm ra từng ngôi mộ. Các anh kể, có những bộ tộc rất quý bộ đội Việt Nam, nhưng phong tục của họ là mỗi lần cất bốc mộ liệt sĩ phải cúng bản một con heo con, một con dê... Vậy là, có năm các anh nuôi heo nái trên xe ô-tô tổ chức lễ theo phong tục địa phương. Trong chuyến hành trình "hướng về cội nguồn" đi tìm đồng đội, Ðội quy tập 192 có rất nhiều chuyện để kể. Có năm ở bản Thà Mảng Cầu trên vùng núi này có bảy mộ liệt sĩ của bộ đội Việt Nam hy sinh được người dân trong bản chôn cất, nhưng không ai nhớ các anh nằm ở đâu. Thông tin vô cùng quý giá, nhưng khảo sát, tìm kiếm, thậm chí xới tung cả quả đồi vẫn không tìm thấy. Một buổi tối, mẹ Phu Văn, làm rẫy tại bản Thà Mảng Cầu bất ngờ đến gặp các anh và nói: "Mộ các anh đang nằm ở rẫy nhà mẹ. Bao nhiêu năm các bác phù hộ cho nên rẫy lúa của mẹ luôn luôn tốt tươi, vườn cây luôn xum xuê trái, con cái khỏe mạnh nên mẹ không muốn các bác ấy về nước". Ngay ngày hôm sau, Thượng úy Phạm Văn Thiết đã chỉ huy anh em trong đội tổ chức đào bới, tìm kiếm. Và đúng như lời mẹ nói, dưới độ sâu 1,5m trong rẫy của mẹ các anh đã tìm thấy hài cốt của bảy liệt sĩ trong niềm vui sướng của anh em trong Ðội 192 và bà con dân bản.
Trung bình mỗi năm, các anh đã gắn bó với nước bạn Lào ròng rã gần sáu tháng trời, người ít nhất cũng vài ba năm, người lâu nhất 16, 17 năm. Có những người lính lần đầu tiên đi tìm đồng đội, vào giữa rừng sâu, đêm nằm nghe tiếng hú của thú rừng, nhất là khi thấy mấy anh cất bốc hài cốt còn chưa phân hủy là tối đến không tài nào chợp mắt. Quanh năm rong ruổi đi tìm hài cốt liệt sĩ, nên con các anh lớn lên đều nhờ bàn tay tảo tần của vợ chăm sóc. Thậm chí chẳng mấy khi các anh được cùng gia đình quây quần đón Tết cổ truyền của dân tộc. Thương nhất khi đang ở trong rừng sâu, một anh trong đội biết tin bố mất nhưng không thể nào về được. Anh em đơn vị dựng bàn thờ nhỏ giữa rừng để anh làm lễ cúng bố, cho vơi đi nỗi đau mất mát người thân. Ðội phó Ðội 192 Nguyễn Tiến Chương tâm sự: "Nhờ làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho nên 100% số cán bộ, chiến sĩ yên tâm, hăng hái lên đường làm nhiệm vụ. Chúng tôi xác định, nhiệm vụ mình đang thực hiện dù gian nan, vất vả nhưng ý nghĩa của việc quy tập mộ liệt sĩ là đón các anh về đất mẹ; thể hiện nghĩa vụ, trách nhiệm và tình cảm thiêng liêng đối với hàng triệu người cha, người mẹ, người vợ và người con ở quê nhà có thân nhân đã hy sinh vì nghĩa lớn, là sự tri ân, báo đáp đối với những người đã khuất. Cứ nghĩ đến bao người mẹ đằng đẵng hơn 30 năm mòn mỏi ngóng đợi tin con, cho nên chúng tôi lại thấy ấm lòng nơi đất bạn... ".
So với các tỉnh bạn khác tại khu vực miền trung, Ðội 192 của Tỉnh đội Thừa Thiên - Huế chưa phải là đội cất bốc được nhiều hài cốt liệt sĩ ở nước bạn Lào đưa về nước, nhưng đây là đội thường xuyên gặp những hài cốt chưa phân hủy. Những lúc như vậy, các anh đã xử lý cẩn thận đưa vào túi tử sĩ gói chặt đem về lán dùng cồn rửa sạch, sau đó sắp vào tiểu sành, đưa về mai táng tại các nghĩa trang trong tỉnh. Thượng tá Trần Trung Thành, một trong những người đã trực tiếp cất bốc 13 ngôi mộ chưa phân hủy kể: "Mặc dù mình đã làm mọi cách để tay không có mùi, nhưng lúc ăn cơm phải ngồi xa anh em chừng 10 m, ngồi ngược với hướng gió, kẻo thấy mùi hôi anh em không thể ăn được". Tối đến, các anh phải ôm hài cốt ngủ kẻo sợ thú rừng tiến công hay thác lũ cuốn trôi. Anh Thành nói chắc nịch: "Chúng tôi bảo quản hài cốt liệt sĩ hơn cả tính mạng của mình".
Ðằng sau những hiểm nguy rình rập, bệnh tật bủa vây và cả những thiệt thòi trong tổ ấm của mình, những cán bộ, chiến sĩ Ðội 192 đã đem lại niềm hạnh phúc to lớn cho các gia đình khác. Bình dị và thầm lặng, những người lính trẻ của Ðội 192 đang viết tiếp trang sử truyền thống hào hùng và oanh liệt của một đơn vị anh hùng.
NGUYỄN CÔNG HẬU
Theo nhandan.com.vn