Việt Nam  | 
English
   Trang chủ    Tin tức    Tin nội bộ
Tin nội bộ
Cuộc hội ngộ kỳ lạ của hai chị em sau 70 năm thất lạc
Ký ức về bát bánh đúc, người em tên Gái, và buổi chia ly gần 70 năm trước, được một cụ ông 82 tuổi đăng lên VnExpress.net mong tìm được em. Hy vọng của ông chưa thành hiện thực, song nhờ đó hai bà cụ khác lại nhận ra nhau là ruột thịt.

Hành trình tìm em gái của ông cụ 82 tuổi

 Cuối tháng 4, VnExpress.net đăng câu chuyện cảm động về hành trình tìm em gái của ông Nguyễn Văn Thủ, ở Hải Dương. Ký ức chỉ vỏn vẹn là vì quá đói nên em gái bị cho người khác khi mới chỉ 3-4 tuổi. Em gái ông không chịu, cứ gào khóc "con không ở lại với bà đâu, cho con đi với chú và anh Thủ cơ". Người phụ nữ nhận nuôi đã mua một bát bánh đúc đậu đỏ để dỗ dành cô bé. Từ đó, hai anh em bị thất lạc nhau.

Người con dâu của bà Hà Thị Hồng, 74 tuổi, phố Hoa Lâm, Hà Nội, vô tình đọc được câu chuyện này và thấy có những chi tiết tương tự như chuyện mẹ chồng chị hay kể.

 Bà Hồng cho biết, khi đó bà còn rất nhỏ, chỉ khoảng 5-6 tuổi nên không nhớ được nhiều, chỉ là những chi tiết vụn vặt về ngày chia ly định mệnh tại một chợ quê khoảng những năm 1944-1945. Bà không biết tên chợ, ở đâu nhưng nhớ tên mình là Gái, nhớ bát bánh đúc được một người lạ cho ăn và nhớ mình có người thân.
 Sau này lớn lên, hay bị bạn bè trêu "ai chả biết mày là gái, sao còn đặt tên Gái" bà mới cải tên là Hà Thị Hồng, lấy họ của người đã nhận nuôi mình.
 

Ảnh: NVQ.

Khi nhìn bức ảnh này, nhiều người trong gia đình bà Hồng nghĩ bà có nhiều nét tương đồng với mẹ ông Thủ (đội khăn màu trắng, thứ 2 từ phải qua). Ảnh: NVQ.

Từ ngày chia ly đó, tuổi thơ của bà trải qua bao thăng trầm. Bà bị cho đi làm con nuôi, làm người ở, chuyển hết nhà này đến nhà kia, chịu đủ đói rét, cực khổ, phải băm bèo cho lợn, xay thóc, 6-7 tuổi đầu bị cắt trọc, chỉ có một mảnh khăn che… Những ký ức đó bà không bao giờ quên được. Chốn dừng chân cuối cùng của bà là nhà cụ Bịu, cũng là người đầu tiên nhận nuôi bà.
 "Nhà cụ Bịu có một người con gái, khi ấy hơn tôi một tuổi, hay kiếm cớ bắt nạt tôi. Có lần tôi đang ngồi hái rau rừng, nó cứ đá vào người tôi mà bảo 'Mày ở đâu thì về đấy', lúc đó tôi chỉ biết khóc. Không cha, không mẹ, phận mồ côi khổ lắm", bà Hồng xúc động khi nhớ lại những năm tháng cũ.
Năm 18 tuổi, bà xin vào làm cho nhà máy diêm, một năm sau thì lấy chồng, rồi lần lượt sinh được 6 người con. Dù lúc nào cũng khắc khoải mong tìm lại người thân nhưng cuộc sống khó khăn, nhà đông con, bà không có điều kiện để làm việc đó.
 Gần 10 năm nay, cuộc sống nhàn rỗi hơn, bà bắt đầu nghĩ đến chuyện tìm lại anh em ruột thịt. Thế nhưng hy vọng quá mong manh vì đầu mối duy nhất là người đã nhận nuôi bà lại không chịu nói. "Có lần tôi đã hỏi 'bà có nhớ xin con ở đâu không?' thì bà bảo 'Mày hỏi làm gì?'. Lúc đó, tôi chỉ biết im lặng mà khóc và cũng không hỏi han thêm gì nữa", bà Hồng bùi ngùi kể lại.
 

Ảnh:

Cuộc gặp mặt cảm động giữa hai gia đình, bà Bóc vì lý do sức khỏe yếu không đến được. Bà Hồng tóc bạc ngồi đầu bàn. Ảnh: Bionet

 Chỉ đến khi câu chuyện về ông Thủ, ở Hải Dương được đăng lên báo, hy vọng tìm người thân của bà lại được nhen nhóm.
 Anh Âu Tuấn Hoàng, con thứ 4 của cụ Hồng kể: "Chúng tôi thấy bác Thủ rất tha thiết muốn tìm em gái nên đã liên hệ với gia đình bác và nhờ xét nghiệm ADN để tìm người thân. Lúc đó chúng tôi hy vọng nhiều lắm vì thấy chuyện của bác có nhiều điều giống chuyện mẹ vẫn hay kể".
 Nhưng sau đó, gia đình anh nhận được thông báo là ADN không trùng khớp. Bao hy vọng bỗng chốc tiêu tan. Cả 5 người trong Nam ngoài Bắc đến nhận là em gái ông Thủ đều không đúng một ai. 10 ngày sau, nhà anh Hoàng cũng nhận được kết quả này nhưng lại có tín hiệu mừng mới: một trong những người gửi mẫu xét nghiệm ADN xác định quan hệ ruột thịt với ông Thủ lại trùng gene với bà Hồng.
 Người chị mới nhận được của bà Hồng là bà Nguyễn Thị Bóc (đường Kỳ Đồng, quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng).
 Cũng giống như gia đình bà Hồng, cách đây vài tháng, các con bà vô tình đọc được bài báo trên mạng về câu chuyện tìm em của ông Thủ. “Chúng nói ‘bác Thủ giống mẹ lắm, biết đâu người bác ấy đang tìm chính là mẹ”, rồi lấy mẫu màng miệng của tôi đem đi xét nghiệm. Tôi thì thực sự không nhớ rõ chuyện cũ nhưng cũng mong tìm được anh em mình”, bà Bóc kể lại.
 Bà cho biết, những ký ức về thời thơ ấu rất mờ nhạt. Bà chỉ nhớ bị lạc khi còn rất nhỏ, sau đó cũng phải trải qua cảnh ở đợ, làm thuê cực nhọc rồi được một người Hải Phòng nhận làm con nuôi. Hiện bà đã có 7 người con.
 Bà cụ 75 tuổi ấy dù khá ốm yếu, bị lãng tai nhưng vẫn không nguôi mong mỏi được gặp lại người thân sau bao năm thất lạc.
 Rồi cũng đến ngày hai người phụ nữ ấy gặp lại nhau sau gần 70 năm xa cách. Gia đình anh Hoàng đã đưa mẹ xuống Hải Phòng để bà Hồng nhận chị.Cả hai bà đều vui mừng dù lúc mới gặp nhau vẫn ngượng ngùng, được một lúc mới bóp tay, sờ mặt nhau rồi đến lúc sắp phải chia tay thì ai cũng khóc như mưa. “Nhìn cảnh ấy tôi không thể cầm được nước mắt”, anh Hoàng xúc động kể.
 "Hai chị em tôi giống nhau ở nước da trắng và cái miệng, nhưng đặc biệt nhất là có một thằng cháu tôi rất giống với một người con trai của chị gái. Sang tháng tôi sẽ bảo cháu đưa xuống ở đấy với chị mấy ngày cho thỏa", bà Hồng hồ hởi nói.
 

alt

Điều bà Hồng thấy nuối tiếc nhất là không được gặp lại mẹ ruột của mình. Ảnh: Nam Phương.

 Bà Bóc cũng không giấu được niềm vui khôn xiết sau mấy chục năm lại tìm được “khúc ruột dưới” của mình. “Tôi cũng muốn lên trên ấy (nhà bà Hồng) một chuyến, nhưng giờ yếu quá, lại say xe nên phải đợi anh con giai về đã”, bà nói.
 Tiến sĩ Luyện Quốc Hải, giám đốc Công ty công nghệ sinh học Bionet (Hoàng Cầu, Hà Nội) - nơi làm cầu nối để hai chị em bà Bóc - bà Hồng gặp nhau, cho biết, sau khi đọc bài báo xúc động về câu chuyện của ông Thủ, ông đã viết lời bình luận và bộc lộ mong muốn giúp ông Thủ tìm người thân qua việc xét nghiệm ADN.
 Một thời gian sau, một số người ở các địa phương khác nhau tìm đến nhận ông Thủ làm anh nhưng kết quả xét nghiệm ADN cho thấy không ai trong số họ có quan hệ huyết thống. Tuy nhiên, khi các mẫu ADN này được đưa vào ngân hàng gene dự trữ thì phần mềm tìm người thân của công ty lại phát hiện có hai mẫu trùng gene nhau. Bất ngờ vì kết quả này, Bionet lấy hai mẫu trên gửi sang Mỹ xác định lại thì cũng nhận được kết quả tương tự. Lúc này, công ty mới gửi thông báo về hai bên gia đình, sau đó tổ chức một buổi gặp mặt giữa họ.
 “Nghe người con của bác Bóc nói ‘Tết năm nào nhà tôi cũng đông đủ người bên nội, còn bên ngoại chẳng có ai, giờ mẹ mới tìm được dì”, tôi cũng vô cùng xúc động. Đây là một trường hợp rất đặc biệt, khi vô tình hai người hoàn toàn xa lạ lại nhận được nhau là chị em. Sự việc này cũng giúp tôi kiểm chứng được tính ứng dụng của ngân hàng gene đúng như dự tính”, ông Hải nói.
 Ông giải thích thêm, Ngân hàng ADN tìm người thân trên cơ sở phần mềm tự động tìm kiếm và so sánh dữ liệu ADN của các cá nhân với nhau. Nhờ đó, hệ thống sẽ tìm ra người thân trực tiếp hoặc gián tiếp bằng cách đối chiếu dữ liệu ADN của người đó với toàn bộ dữ liệu ADN khác trong ngân hàng, vì thế càng nhiều mẫu gửi vào, cơ hội tìm kiếm càng cao.
 Ngân hàng gene của Bionet hiện vẫn đang cập nhật dữ liệu AND từ những người làm xét nghiệm huyết thống. Đây là nguồn thông tin bổ sung, hỗ trợ gián tiếp cho các trường hợp vô tình tìm ra được người thân. Mới đây, cũng có một khách hàng làm xét nghiệm AND bình thường (phục vụ cho công việc) nhưng đã vô tình tìm được hai đứa con song sinh của mình bị bỏ tại trại trẻ mồ côi, hiện đã được cho làm con nuôi người nước ngoài.
 Theo ông Hải, Việt Nam trải qua hai cuộc chiến tranh, những trường hợp bị thất lạc người thân rất nhiều. Vì thế, ông hy vọng ngân hàng ADN tìm người thân của mình có thể giúp cộng đồng có nhiều cuộc đoàn tụ như của bà Hồng, bà Bóc.
Các tin khác