Bionet Việt Nam - Trên hành trình thực hiện dự án về Hệ thống tìm người thất lạc, cùng với một ước mơ cháy bỏng về những niềm vui “Vì sự đoàn tụ của gia đình Việt”, điều hạnh phúc nhất và cũng là động lực lớn lao nhất đối với chúng tôi chính là những lá thư viết tay, những email hay những cuộc điện thoại xúc động của những người thất lạc. Đó có thể là những lá thư hồ hởi báo tin vui vì đã tìm được người thân; là lá thư với những lời động viên góp ý chân thành hay đôi khi là những lá thư mang nỗi buồn trĩu nặng, cắn rứt của sự chia lìa. Nhưng chung hết, những lá thư ấy cho chúng tôi biết rằng con đường mình đang đi là đúng đắn; công việc mình đang làm đã có thể góp ích cho cộng đồng và cuộc sống của chúng tôi thêm ý nghĩa khi giúp đỡ được nhiều người hơn nữa…. Hôm nay, chúng tôi xin chia sẻ với các bạn một câu chuyện với kết thúc có hậu. Xin chân thành gửi lời cảm ơn sâu sắc tới các bạn tình nguyện viên; các thành viên và các cô, các bác, các anh chị, các đồng nghiệp… đã luôn sát cánh cùng với chúng tôi trong suốt thời gian qua!
TP. Hồ Chí Minh, ngày 23 tháng 7 năm 2013
Kính gởi: TS. LUYỆN QUỐC HẢI
TGĐ Công ty Cổ phần Công nghệ Sinh học Bionet Việt Nam.
Tôi tên Phan Minh Triết, sinh năm 1949, ngụ tại Phường 10, Q.4, Tp. HCM. Tôi là một người cha vô cùng may mắn khi đã tìm lại được đứa con gái ruột của mình sau 38 năm lưu lạc. Tôi xin gởi đến Ông câu chuyện tự sự về hành trình tìm con của mình để ông nghiên cứu và thúc đẩy cho việc tôi sẽ đề nghị ở cuối lá thư này.
Để kể câu chuyện của mình, tôi sẽ gửi ông một phần trong lá thư đầu tiên mà tôi đã viết cho con gái mình, sau 38 năm …
“Năm 1973, Ba 23, còn mẹ con 19 tuổi. Ba là thư sinh thành thị (Saigon), mẹ là một cô gái nông thôn. Gặp nhau, bỗng nhiên Ba cảm mến thật nhiều đến yêu mẹ con, rồi mẹ cũng đáp lại và cả hai yêu thương nhau nồng nàn… con chính là kết quả của tình yêu ấy (còn có tình tiết khá gay go mà cha và mẹ phải vượt qua để được yêu nhau… ba sẽ kể con nghe ở các thư sau).
Thời đó chiến tranh tàn khốc, chịu áp lực tổng động viên, rời bỏ nhà trường, Ba lánh đi làm ăn chốn xa (nói toạc móng heo là trốn đi lính của chế độ Sài Gòn, để không phải tham chiến). Đến 30/4/1975, cuộc chiến chấm dứt, ba trở về nhà, với bao hy vọng là sẽ được gặp vợ với đứa con đã sanh ra. Ba nôn nóng, rạo rực muốn được ẵm bế đứa con đầu lòng của mình, chắc dễ thương lắm và sẽ hôn nó thật nhiều. Nhưng lúc đó ba chẳng thấy mẹ và con đâu cả. Hỏi ra mới biết mẹ sinh ra con, sống cảnh khốn cùng, thiếu thốn tiền bạc, hình như không đủ khả năng để nuôi con nữa… Mẹ mới ẵm con cùng với mấy tờ giấy khai sanh đến Hội Dục Anh mà ký tên cho hẳn con vào đó. Rồi mẹ đi đâu mất biệt từ đó.
Nghe xong chuyện, tim ba nghe rưng rức như đã khóc trong lòng và tay chân như rụng rời ra. Ba lặng thinh, không nói được lời nào và nước mắt cứ trào ra mà không cầm lại được… (soạn thơ đến đây, cũng không cầm lòng được, ba khóc…). Sau đó, ba biết được nhiều chi tiết về con và đợi qua lễ May, ba tới ngay Hội Dục Anh là để xin bồng bế con mình về nhà, bằng mọi cách để nuôi nó khôn lớn và ba hình dung cảnh “gà trống nuôi con”, rồi mới tính chuyện đi kiếm vợ sau. Nhưng lại thất vọng nữa, họ chuyển con về nuôi ở Cô Nhi Viện trong Nhà thờ Hàng Xanh - Gia Định (con gọi World Vision). Tới nơi, một cảnh hoang tàn của Viện, những giấy tờ vung vãi đầy nền nhà, vắng ngắt bóng người… Ba rảo bước tìm được một người nữ mà chẳng biết đó là ai, có chức vụ ra sao? Ba lịch sự hỏi thăm. Họ trả lời như chuyện quá thường tình và như không muốn nói nhiều với ba để làm gì. “Đúng, có tên cháu Nguyễn Ngọc Như ở đây, nhưng thời gian qua cháu bị bệnh đường ruột quá nặng nên đã chết rồi!”. Trời ơi, sự thật ác nghiệt vậy à? Con tôi vắn số quá vậy sao! Nó tội tình gì mà lìa đời sớm vậy! Đầu óc ba chơi vơi như trái tim của người bệnh nặng trong cơn hấp hối… Bầu trời như sụp xuống, cảnh vật xung quanh như tối đi và không ý nghĩa gì cả. Ba lặng người mà đôi chân như không còn đứng vững được nữa, sắp sửa ngã quỵ xuống nền gạch… Một lúc kềm đôi chân lại, đứng tần ngần, ba mới nói được tiếng “cảm ơn!” trong uất ức đầy nỗi khổ đau và thất thểu bước ra về. Đôi chân vừa nặng nề, vừa nghe chao đảo… Trời ơi, cuộc chiến tàn bạo này tôi không chết mà sao con tôi lại chết! Tội tình gì con ơi! Đứa con gái đầu lòng của ba!...
Sau đó ba mới biết có chiến dịch di tản trẻ con (Operation Babylift)… nên họ trả lời với mình như vậy để mình khỏi phải đòi lại con, vì ở đó có còn đứa nào đâu mà trả, nhưng rồi mình vẫn lo là nó có chết do bệnh là thiệt không? Dẫu có đi hỏi lại họ cho kỹ càng thì họ cũng trả lời như vậy thôi. Chưa hết, nếu con còn sống mà đã được đi, thì liệu con được sống không? Bởi có một chuyến bay rớt, chết gần 300 đứa, con mình nằm trong số đó không? Nghe nói, tổng số cả 3.000 đứa (kể như mất đi 10%)…. Suốt 39 năm qua, dù ba đã có gia đình và có mấy đứa con sau, nhưng ba vẫn luôn nghĩ tới đứa con gái đầu lòng Ngọc Như của ba! Nhưng phải làm sao để tìm ra nó bây giờ? Gặp ai ba cũng than thở chuyện này. Ước gì nó còn sống và tìm được nó, ba sung sướng và hạnh phúc biết mấy? Tuy nhiên ba vẫn biết không một ai thông cảm và san sẻ nỗi niềm này… Có khi họ còn nói: “Thằng cha tào lao, chuyện “mò kim đáy biển” mà cũng nói làm gì mất công nghe quá trời!”... (Duy chỉ có hai cha con mình mới thấy được giá trị và ý nghĩa của hành trình tìm kiếm nhau phải không con?).
Từ lúc đầu như vậy, mãi đến ngày 02/04/2005, một chuyến bay đầu tiên của Air Way (Mỹ) đưa về VN chưa đầy 20 đứa trẻ. Nghe tin, ba liền lên sân bay Tân Sơn Nhứt – Sài Gòn nắm thông tin, thì được biết tụi nhỏ đang đi thăm Viện mồ côi ở Thị Nghè. Lập tức ba bám theo bén gót… Nhưng chẳng thấy con mình đâu cả! Ba lại thất vọng!
Sau đó ba cứ bám theo Hiệp hội đã tổ chức chuyến bay này của bà Cheryl Livington Markson là Giám đốc Frends of children of various Nations, với biết bao hy vọng tìm được con mình. Nhưng sau cùng bà Cheryl yêu cầu ba phải có hình ảnh con hay bất cứ chi tiết nào nữa để dẫn chứng, thì ba đành chịu thua vì trong tay mình chẳng có gì cả! Đến tờ khai sanh của con cũng không có! Ba thất vọng nữa! Ba chẳng biết phải dựa vào ai để tiếp tục tìm con. Ba tự nhủ: đã sinh con ra trên cõi đời này, thì đó là máu mủ thịt xương của ba. Vì sự thiêng liêng đó mà ba phải có trách nhiệm tìm con. Dù nó có xa khơi mù mịt ngàn trùng, con ơi. Hình như có một linh tính là ba luôn luôn nghĩ rằng con gái của ba vẫn còn sống! Và có biết đâu, con của ba vẫn ráo riết tìm cha mẹ nó, mà ba lại hững hờ thì ba tội lỗi vô cùng. Hay dù cho nó có oán hận vì bị cha mẹ bỏ bê ruồng rẫy, ba cũng chẳng màng và vẫn cứ tìm con đến khi nào không còn sức nữa thì mới chịu thôi. Ba hững hờ sao được vì sự giằng xé, cắn rứt trong tâm cả một kiếp người, con ơi!
Mãi đến chiều 02/5/2011, có một số người đến Tòa báo Tuổi trẻ lấy mẫu thử ADN tìm thân nhân thất lạc trong chương trình Babylift. Việc làm nhân đạo này do bà Trisita Goldberg – Giám đốc Operation Reunite với công ty Bionet Việt Nam tổ chức. Biết tin này ba mừng quá. Ngay hôm sau ba liền đến đó xin được lấy mẫu thì họ về Mỹ rồi! Ba thất vọng (từ thất vọng này sang thất vọng khác!), nhưng vẫn tin tưởng Hội này áp dụng cách tìm hiện đại bằng thử ADN, ba lại có hy vọng tuyệt đối vào đây. Ba xin với nhà báo gởi đi giùm văn bản nội dung tìm con của ba tới cơ quan này ở Mỹ để xin được lấy mẫu thử ADN. Sau đó ba cứ chờ, cứ mong được lấy mẫu thử… Đến cả năm rưỡi sau là tháng 12/2012 (có thể ba là người muộn màng xin được lấy mẫu ADN đem về Mỹ xét nghiệm). Ba gặp cháu Ann (Leigh Ann Chow) lấy mẫu thử riêng lẻ chỉ một mình ba. Rồi gần 7 tháng sau đó ba gặp Ann thêm một lần nữa thì ba được toại nguyện… Nghĩa là đến ngày 04-07-2013, cô này trực tiếp gặp ba, cho biết kết quả tìm được con tên Nguyễn Ngọc Như, hiện tên Tricia Houston. Cô trao mấy tấm ảnh và một thư của con đã dịch ra chữ Việt (bản photo). Nhìn các ảnh thì con có nét đúng là con của ba, rất chính xác, không nghi ngờ gì cả. Nó còn sống! Trong hình nó ràng ràng kia kìa…(dù không biết mặt con, chỉ nghe nói, mà nhận dạng sẽ không thể nào sai, như có “thần giao cách cảm”!). Khi ba đọc thư, ba khóc mà cháu Ann cũng khóc theo, tội cho nó là chưa tìm được cha mẹ ruột! Ba xin gởi lời thăn Ann nhé con!.....
…………………………..
Trên đây là đoạn thư tôi đã gửi cho con gái của mình sau khi tôi nhận được lá thư đầu tiên của cháu. Con tôi cũng là Hội viên của Operation Reunite. Hiện là giáo viên dạy lớp 2 ở Bang California, Mỹ. Nó rất vui mừng và đầy kinh ngạc (Mỹ vẫn thấy lạ lùng!) khi biết tôi là cha và tôi thì mừng không tả xiết.
Câu chuyện tìm con gái của tôi, chỉ với một tờ tường trình báo nội dung con bị thất lạc, không hề kèm theo một chứng minh gì khác, thế mà bằng phương pháp thử ADN, đã đưa đến thành công như ý. Thật là một câu chuyện nghe thấy lạ mà tuyệt vời đến kỳ bí và gần như hoang đường. Đó không là phép mầu của ông tiên, ông bụt ban cho mà chính là thành tựu của khoa học hiện đại đã phục vụ con người hiệu quả như mong muốn.
Qua trường hợp của mình, tôi có khát khao, ước muốn rằng những kiều bào hải ngoại, nhất là số người thất lạc người thân ở Việt Nam trong mọi thời điểm. Hãy tranh thủ đoàn kết nhau dưới mọi hình thức nhằm thành lập Ngân hàng dữ liệu ADN cho mục đích tìm người thất lạc. Tại Việt Nam hiện nay, tôi biết được có công ty Bionet Việt Nam của ông đã có được ngân hàng dữ liệu ADN như vậy. Bionet VN hãy đảm đương trong nước và quan hệ mật thiết với mọi nước có yêu cầu... Thế thì Việt Nam ta sẽ được đoàn tụ hầu hết những ai thất lạc nhau trong mọi thời gian. Dân tộc Việt Nam ở mọi nơi trên thế giới sẽ sum họp, đề huề một nhà. Tình cảm chan chứa, tràn đầy, với những tiềm lực trợ giúp, thúc đẩy hợp tác, đầu tư kinh tế và đất nước thêm phát triển phồn vinh.
Trân trọng gửi đến Ông lời chúc sức khỏe và thành đạt!
Phan Minh Triết
Email: trietminhphan@gmail.com
Nguồn: Bionet Việt Nam