Dù rất buồn, nhưng nhờ kết quả giám định này, anh Hiển không nhận nhầm hài cốt người khác - Ảnh: Q.V.
“Anh tôi sinh ở miền Bắc, nhưng đến giờ vẫn nằm dưới đất lạnh phương Nam. Nhiều lượt cha tôi đã tìm anh, rồi đến anh chị em tôi đi mà đến giờ vẫn chưa thể đưa anh về mảnh đất quê nhà. Có những lần tưởng gần chắc chắn rồi, cả nhà tôi đã vào đón anh về, thế mà...” - cựu quân nhân Đinh Văn Hiển nghèn nghẹn kể về người anh liệt sĩ Đinh Văn Dự của mình.
31 năm tiếp bước người anh mặc áo lính đã làm anh Hiển đanh sắt lại. Nhưng anh vẫn không thể kìm được cảm xúc khi kể về người anh chiến binh một đi không trở lại từ 48 năm trước...
Cuộc tìm kiếm mịt mờ
Anh Hiển bùi ngùi hồi tưởng ký ức về anh trai mình mờ nhạt lắm. Ngày anh vào Nam hình như có bế Hiển khi ấy mới hơn 3 tuổi lên tay. Rồi màu áo lính khuất dần sau rặng tre trên cánh đồng Hà Tây. Sau này Hiển nghe cha nhắc lại anh mình có biên thư kể hành quân vào tận miệt bưng biền U Minh và giao tranh nhiều trận ác liệt. Anh còn hứa ngày về sẽ cưới vợ cho ông bà có cháu bế bồng. Nhưng rồi một ngày mùa đông xám lạnh năm 1971, cả nhà chết lặng khi nhận giấy báo tử của anh. Cha nước mắt ầng ậng chỉ nghẹn ngào, không khóc được thành tiếng. Mẹ sụt sùi, tức tưởi suốt mấy ngày đêm. Còn anh em Hiển cứ ôm chặt lấy nhau mà nhớ người anh đi lính hứa ngày trở về sẽ mua thật nhiều quà cho các em. Vậy mà anh đã không thể giữ lời!
Sau ngày đất nước liền lạc một mối, cha liệt sĩ Dự đã nhiều lần định vào tìm hài cốt con. Nhưng đó là thời kỳ quá khó khăn, người nông dân nghèo Hà Tây không thể đủ khả năng thực hiện một chuyến xuyên Việt đến tận cực Nam của Tổ quốc. Mãi đầu đông năm 1989, ông mới thu xếp lên đường được để lần theo dấu chân con. Ông mất gần một tuần lễ tàu xe vào đến TP.HCM, rồi mất thêm hai ngày hai đêm vượt qua hai con sông Tiền, sông Hậu đến nơi chiến trường cuối cùng từng in dấu chân con ở U Minh Thượng, Kiên Giang.
Giấy báo tử ghi rõ ràng nơi liệt sĩ Đinh Văn Dự hi sinh ở đìa Chín Miệu, Kiên Giang, nhưng ngày ông tìm đến nơi thì không còn mộ nữa. Người già địa phương bảo rằng cách đây vài năm đã quy tập về hết nghĩa trang liệt sĩ. Ba nấm mộ đất chôn vội trong chiến tranh ở vùng đìa Chín Miệu, trong đó có một gò mộ của cô nữ du kích địa phương và hai mộ của bộ đội chủ lực miền Bắc. Hình như ban đầu còn có vài cựu chiến binh lớn tuổi phân biệt được. Nhưng khi chuyển về nghĩa trang, các liệt sĩ chưa được xác định tên tuổi rõ ràng này đã lẫn trong hàng hàng lớp lớp bia mộ cũng chưa có tên. Người cha ngậm ngùi thơ thẩn tìm kiếm suốt mấy ngày rồi đành trở về không thể mang theo hài cốt con như ước nguyện!
Về sau ông già yếu không đi được nữa. Anh Hiển tiếp tục thay cha đi tìm anh trai nhiều lần cũng về không. Cuối năm 2012 vừa rồi, anh và gia đình lại cố gắng vào Nam một lần nữa. Trước đó, anh nghe người làng bên nhờ một bà ở Đồng Nai được cho là có năng lực đặc biệt giúp tìm kiếm liệt sĩ thành công. Trong hoàn cảnh suốt nhiều năm mò mẫm gần như tuyệt vọng, anh Hiển bàn với gia đình cứ thử xem. Cuối cùng, họ sẽ giám định ADN để kết luận chính xác có phải là người anh ruột thịt hay không.
Để tiết kiệm chi phí, chuyến đi này được gia đình bên vợ anh Hiển phối hợp tìm kiếm luôn người chú Nguyễn Quý Để hi sinh ở chiến trường Tây Ninh vẫn chưa tìm kiếm được hài cốt. Chuyến đi của họ có lẫn cả niềm hi vọng và nỗi lo lắng. Bao nhiêu lần tìm trước đã chịu thất bại, chưa biết chuyến này sẽ ra sao. Tuy nhiên, trong lòng họ cũng le lói chút hi vọng. Bà ở Đồng Nai đã chỉ rõ nghĩa trang, dãy mộ, số mộ để tìm. Dù sao họ cũng như người đi lạc có một phương hướng lờ mờ để bám vào...
Sự thật ngậm ngùi
Vào đến hai nghĩa trang liệt sĩ ở huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh và Kiên Giang, anh Hiển còn tiếp tục được bà chỉ dẫn qua điện thoại. Tuy nhiên, khi họ đứng trước mộ thì chỉ thấy tấm bia đề liệt sĩ chưa xác định được tên. Quản trang không thể cho bốc trong trường hợp lờ mờ này. Họ phải lên phòng lao động - thương binh huyện, rồi lên sở, tỉnh đội để trình bày và được chấp thuận chỉ cho lấy mẫu nhỏ hài cốt về giám định ADN. Nếu chính xác huyết thống thì được cải táng hài cốt về quê hương, còn nếu không họ phải xây sửa đảm bảo trả lại nguyên hiện trạng.
Khi nắp mộ mở ra, hai bộ hài cốt vẫn còn gần đầy đủ. Quản trang với kinh nghiệm của mình khẳng định đó là người hi sinh trẻ. Anh Hiển và gia đình gạt nước mắt, phập phồng mừng lo. Họ vái tạ xin được đem mấy chiếc răng liệt sĩ về trước để giám định. Nếu kết quả đúng là anh và chú ruột thịt, sẽ rước hết hài cốt về. Nếu không phải sẽ hoàn trả và tạ lễ với liệt sĩ đang nằm bên dưới.
Đến đây, anh Hiển ngậm ngùi kể: “Suốt mấy tuần gia đình chúng tôi chẳng yên tâm làm được việc gì, cứ nóng ruột ra vào đợi kết luận giám định ADN”. Anh kể trước khi đem đi giám định đã tìm hiểu rất kỹ phương pháp này. Gia đình biết rằng đó là phương pháp chính xác nhất để xác định huyết thống. Nếu cho kết quả sai thì tất cả chỉ dẫn, bảo đảm đúng sai bằng miệng người không còn ý nghĩa. Đặc biệt, gia đình liệt sĩ vẫn còn đầy đủ cha mẹ, anh em, con cháu nội, ngoại rất thuận lợi để lấy mẫu giám định đối chứng.
Mấy tuần sau, bản kết luận giám định được gửi trả đến tận tay anh Hiển. Cả nhà hồi hộp xem, rồi lạnh ngắt khi đọc kết luận cả hai mẫu hài cốt được giám định ADN đều cho kết quả không cùng quan hệ huyết thống với mẫu đối chứng. Điều đó có nghĩa hai hài cốt mà họ bỏ công lặn lội vào tận miền Nam tìm kiếm, đem mẫu ra Hà Nội thử ADN đều không phải là người anh, chú liệt sĩ của họ!
Thất vọng, buồn đến mất ngủ, nhưng sau người nhà anh Hiển vẫn đem hai mẫu răng đã nghiền thành bột để thử ADN hoàn trả vào phần mộ hai liệt sĩ nào đó đang yên nghỉ.
Tâm sự chuyện này, phó giám đốc trung tâm giám định Gentis Ngô Đức Phương kể mình đã đối diện với rất nhiều nỗi thất vọng, buồn đau như thế. Sự thật cũng có một số trường hợp tìm kiếm hài cốt liệt sĩ nhờ người này nọ chỉ dẫn cho kết quả giám định ADN chính xác huyết thống, nhưng phần nhiều lại sai. Có người đã bỏ hàng chục năm, mất việc làm, thậm chí tiêu tốn hết tài sản để băng rừng vượt suối tìm hài cốt thân nhân, thế mà... Đặc biệt, một vài trường hợp còn nói nhỏ riêng với anh: “Bà cụ tôi gần đất xa trời, chỉ đau đáu mỗi ước nguyện trước khi nhắm mắt được thấy hài cốt con về. Hay là đúng, sai gì anh cứ nói đại là đúng đi, để cụ tôi an lòng ra đi”. Anh Phương ngậm ngùi trả lời rất thông cảm nỗi niềm này, nhưng yêu cầu đó không thể đáp ứng được. Kết luận khoa học không cho phép biến sai thành đúng. Hơn nữa, bộ hài cốt nào đó cũng đều có người máu mủ ruột thịt, mình cứ nhận bừa thì tội lỗi quá.
Chuyên viên kỹ thuật Nguyễn Văn Huấn, người trực tiếp giám định hàng trăm mẫu ADN liệt sĩ, chia sẻ thêm chỉ có hai trường hợp hoặc là mẫu hài cốt bị hư (hay bị nhầm không đúng xương người) không thể giám định, còn nếu giám định được kết quả sẽ bảo đảm chính xác. “Tôi làm việc trong phòng giám định chỉ có mẫu hài cốt và ký hiệu chứ không được biết tên tuổi cần tìm. Lòng tôi chỉ biết rằng mỗi mẫu xương trước mặt mình là một liệt sĩ đã nằm xuống. Cả khoa học và lương tâm tôi đều không cho phép được sai với người đã hi sinh” - anh tâm sự.
QUỐC VIỆT
Theo tuoitre.vn
________________
Quy trình giám định ADN liệt sĩ thế nào? Cần phải làm gì để đảm bảo chính xác liệt sĩ được “đoàn tụ” đúng với gia đình của mình?
Kỳ cuối: Khi ADN lên tiếng
Bài liên quan:
Kỳ 1: 60 năm bên bãi sông Đuống
Kỳ 2: Anh nằm dưới cát sông
Kỳ 3: Tìm cha dài theo đất nước