Đến lúc nghe phóng viên kể về thân thế của ông Được, vợ chồng anh Mạnh vẫn còn bất ngờ
Trong một lần anh Ngô Đức Tài đưa ông Được sang Campuchia làm thuê, ông Được đã tình cờ gặp một người quen với thân nhân gia đình ông ở Hải Phòng. Từ đó, manh mối về thân thế của người lính này mới được mở ra…
Cả làng, cả xã chẳng ai tin
Ngày 30/6, phóng viên Dân trí đã về nông trường cao su Xa Mát (huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh) nằm sát biên giới Campuchia để tìm gặp anh Ngô Đức Tài, người đã giúp ông Phan Hữu Được tìm ra thân thế, gia đình của mình ở tận Hải Phòng xa xôi.
Anh Tài là con trai thứ 2 của ông Ngô Văn Đào, người anh nuôi ở Tây Ninh mà ông Được thường gọi là anh Hai. Từ năm 2007, ông Đào lên Đăk Lăk mưu sinh, ông Được chuyển sang ở cùng anh Tài hoặc thi thoảng sang nhà anh Ngô Đức Mạnh là anh trai Tài. Hai anh em Mạnh, Tài thường kiếm việc cho ông Được làm. Khi phóng viên đến nhà, anh Tài đang đi làm thuê ở Campuchia nên chúng tôi chỉ gặp được anh Mạnh.
Anh Ngô Đức Mạnh cho biết: “Nhà tôi trước đây cũng không khá giả gì. Tiếng là nuôi ông Được nhưng thực tế là nhà tôi chỉ cho ông tá túc, lúc nào ông đau ốm không làm việc được thì mình có gì cho ông ăn nấy. Còn khi ông khỏe mạnh thì tôi tìm những công việc lặt vặt như quét lá cao su, nhổ mì… để vợ chồng tôi và ông cùng làm. Khi lĩnh công thì tính tiền chia đều nhau. Nói chung là chủ yếu ông làm ông ăn chứ chẳng cầu cạnh ai. Tính ông tự trọng lắm, mình tỏ ra thương hại là ông mắng ngay”.
Về thân thế ông Được, anh Mạnh cho hay: “Ông ở với nhà tôi cả chục năm mà có ai biết quê quán ông ở đâu đâu. Lâu lâu ông nói mình ở Hải Phòng mà không rõ là nơi nào, lúc lại nói mình là lính cũng chẳng ai tin. Vì nhìn ông thân tàn ma dại, đi đứng không vững vì cái chân đau, lúc nào cũng ngơ ngơ ngẩn ngẩn. Thậm chí mới tuần rồi tôi nghe đứa em rể nói là ông Năm Hùng (tên gọi của ông Được lúc ở nhà ông Đào) lên báo, là liệt sĩ trở về gì đó, cũng chẳng ai tin”.
Anh Lê Mạnh Đạt, hàng xóm đồng thời là em cột chèo của anh Mạnh, đồng tình: “Hôm rồi tình cờ tôi lên mạng đọc thấy bài báo “Liệt sĩ 40 năm trở về: Ngày về tay trắng” bất ngờ thấy hình ông Năm. Đọc kỹ tui mới hét to lên vì mừng cho ông rồi gọi vợ con vào xem. Sau đó tui phóng xe qua nhà anh Mạnh kể mà ổng cũng không tin, tôi phải chở cả nhà ông ấy qua nhà tui xem mới tin”.
Vừa cười anh vừa bảo: “Đúng là mừng cho ông thật! Có ai ngờ ông là bộ đội, lại là thuyền trưởng nữa chứ. Đến giờ tui vẫn cứ tưởng là chuyện đùa. Tui nói cho anh em trong cơ quan, bà con hàng xóm trong làng mà chẳng ai tin. Vì cả làng, cả xã ai chẳng biết ông ấy ngẩn ngơ, người lớn tuổi đều gọi là ông Năm Cô Đơn, ông Năm Khùng; còn lớp nhỏ như tụi tui thì gọi trại thành ông Năm Hùng hay ông Năm”.
Cuộc kỳ ngộ ở xứ người
Ngày 1/7, anh Tài làm xong việc ở Campuchia, trở về nhà gặp mặt chúng tôi. Anh Tài nói: “Đến em cũng không ngờ là ông tìm lại được người thân của mình, mọi việc xảy ra quá bất ngờ”.
Người giúp tìm ra thân thế cho ông Được cũng bất ngờ vì cái duyên số quá lạ lùng
Theo lời kể của anh Tài, suốt 10 năm sống với gia đình anh, lúc trái gió trở trời là ông được đau nhức khắp mình mẩy, nằm rên hừ hừ; thỉnh thoảng trong cơn mê sảng ông lại lảm nhảm về bom đạn, chiến trường. Trong các cuộc nhậu, lâu lâu ông im lặng ngồi nghĩ ngợi lung lung, lúc bực mình với ai thì đứng bật dậy, tay chỉ vào ngực mình rồi thét lên: “Tao là lính, tao ở Hải Phòng nè!”.
Anh Tài nói: “Ông Năm nói mơ hồ vậy nên có ai biết gì đâu. Cứ ngờ ngợ ông ấy từng tham gia chiến tranh thôi chứ muốn tìm ra tung tích của ông khó lắm. Mà nhà em khổ, cái ăn còn khó kiếm lấy đâu tiền đi tra người thân của ông”.
Đến đầu năm 2013, trong 1 chuyến anh Tài đưa ông Được sang Campuchia làm mướn, nhìn cảnh rừng núi hoang vu bỗng nhiên ông thốt: “Tao nhớ nhà quá! Tao muốn về quê!”.
Kể đến đây anh Tài cười bảo: “Ông Năm nói vậy chứ ai biết quê ổng ở đâu mà đưa về. Nhóm làm thuê tụi em cũng lén bàn tính sau đợt làm thuê này thì dồn tiền công lại rồi đưa thông tin của ông Năm lên đài, báo để tìm người thân. Vì nói gở theo quan niệm của người quê mình thì tụi em nghĩ ông đến tuổi rồi, chắc muốn về với ông bà nên đột nhiên dở chứng như vậy. Đứa nào cũng muốn đưa ông về nhà mà nhắm mắt!”.
Nhưng có ai ngờ ngay trong chuyến làm thuê ở xứ người ấy ông Được lại có phen kỳ ngộ. Anh Tài kể: “Hôm đó nhóm của em ngồi lai rai với một nhóm làm thuê người Việt khác ở Campuchia. Tình cờ ông Năm lại bực mình với 1 đứa bạn em trong nhóm kia, đứng dậy la “Tao là lính, tao là dân Hải Phòng nè!”. Anh kia mới lạ hỏi kỹ, em cũng thật tình kể về ông. Anh này người Ninh Bình, nhưng bất ngờ ảnh lại có một bạn quen ở TPHCM là người Hải Phòng quan hệ rộng rãi. Nghe thế em cũng xin số điện thoại rồi liên lạc với ông này”.
Sau nhiều bận liên lạc bắc cầu cả tháng trời, anh Tài cũng liên lạc được với gia đình ông Phan Hữu Lợi, cháu ông Được. Phía người thân ông Được ở Hải Phòng gọi điện vào nói chuyện nhiều lần với ông thì ông mới từ từ nhớ ra những thân nhân của mình, ký ức bắt đầu trở về với ông sau nhiều đêm suy nghĩ.
Ông Phan Hữu Được và nước mắt ngày trở về
Anh Tài kể: “Em còn nhớ có lúc bên kia hỏi ông Năm trước khi đi bộ đội ông có bạn gái xinh đẹp lắm, cô ấy tên gì? Lúc ấy ông không nhớ ra, về ông nằm thơ thẩn cả hai ngày. Tối đó cũng cỡ 9, 10 giờ đêm rồi ông chợt bật dậy chạy tới bảo em: “Tao nhớ ra rồi, đưa máy đây tao điện thoại!”. Vậy là ông gọi điện nói chuyện thao thao với mấy người ở Hải Phòng. Từ hôm đó thì hai bên mới chính thức nhận nhau. Họ mới cử người ở Hải Phòng vào TPHCM đón ông Năm về quê”.
Kể đến đây, anh Tài cười rạng rỡ bảo: “Cũng mừng cho ông cuối đời tìm lại được thân nhân của mình!”.
Tùng Nguyên
Theo dantri.com.vn
Bài liên quan:
“Liệt sỹ trở về” lưu lạc trên đất Tây Ninh qua lời kể của người cưu mang
Liệt sĩ trở về và hành trình lưu lạc ly kỳ suốt 40 năm