Việt Nam  | 
English
   Trang chủ    Tin tức    Tin trong nước
Tin trong nước
Cuộc hội ngộ sau 30 năm của Anh hùng Viktor Gorbatko và Anh hùng Phạm Tuân
Timnguoithatlac.vn là dự án xã hội của Bionet Việt Nam, hỗ trợ tìm người thất lạc miễn phí ở các mảng: tìm người thân thất lạc (bao gồm: người đi lạc, người bỏ nhà đi lạc, người mất tích, trẻ mồ côi, trẻ lang thang, người thất lạc cha mẹ từ lúc mới sinh, tìm người thất lạc ở Việt Nam, tìm người thân ở nước ngoài, người già đi lạc, người tâm thần đi lạc…), tìm thông tin liệt sỹ (tìm mộ liệt sỹ, tìm thân nhân liệt sỹ) và tìm bạn (tìm bạn đời, người yêu cũ, bạn học cũ, ân nhân, người quên đồ…).

 

 

 

 

 

Anh hùng Viktor Gorbatko và Anh hùng Phạm Tuân trong chuyến bay lịch sử vào vũ trụ ngày 23/7/1980.

30 năm qua, mỗi lần sang Việt Nam, dù bận bịu thế nào, Viktor Gorbatko và Phạm Tuân cũng đều sắp xếp để được gặp lại nhau, dù có thể thời gian hai người đồng chí, anh em ngồi với nhau chỉ là ngắn ngủi. "Mà không chỉ giữa hai người, mối quan hệ gắn bó, son sắt thủy chung ấy đã được nuôi dưỡng, đã được nâng lên thành sự gắn bó giữa hai gia đình và tình hữu nghị thủy chung giữa hai dân tộc".

Vào ngày 23/7/1980, chuyến bay lịch sử của hai nhà du hành Liên Xô và Việt Nam đã ghi một dấu mốc quan trọng trong hành trình chinh phục vũ trụ của hai nước nói riêng và thế giới nói chung. Hai nhà du hành Viktor Gorbatko và Phạm Tuân đã thực hiện thành công nhiệm vụ mà hai dân tộc giao phó. Và cũng từ đó, họ trở thành những người đồng chí, anh em thân thiết. Tình bạn của hai người đã trở thành biểu tượng cao đẹp của tình hữu nghị Việt-Nga, vẫn vẹn nguyên như thuở nào. Thật xúc động là, đúng 3 thập kỷ sau chuyến bay lịch sử đó, nhà du hành vũ trụ Viktor Gorbatko lại có dịp thăm Việt Nam và gặp người bạn đồng hành năm xưa để cùng sống lại những ký ức không bao giờ quên.

1. Gần một phần ba thế kỷ đã trôi qua nhưng trong ký ức của Anh hùng Phạm Tuân vẫn vẹn nguyên những cảm xúc không thể diễn đạt hết bằng lời về thời khắc đã đi vào lịch sử dân tộc và nhân loại. Đó là vào đúng 1h33' ngày 23/7/1980 (giờ Hà Nội) tại sân bay vũ trụ Bai-cô-nua (Liên Xô), tàu vũ trụ Liên hợp 37 do Viktor Gorbatko và Phạm Tuân  điều khiển đã phóng lên vũ trụ. Sự kiện Viktor Gorbatko và Phạm Tuân đặt chân lên trạm "Salút-6" cũng đồng nghĩa với việc một kỷ lục mới đã được xác lập. Anh trở thành người Việt Nam đầu tiên, đồng thời cũng là người châu Á đầu tiên đặt chân lên vũ trụ.

Đáng nói hơn khi Anh hùng Phạm Tuân lên vũ trụ đã không quên mang theo cuốn Tuyên ngôn độc lập và Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng lá cờ đỏ sao vàng. Và cũng chính anh đã vinh dự trở thành người đầu tiên biến câu nói của Bác Hồ "Tôi tin rằng trong tương lai, sẽ có đại diện của thanh niên Việt Nam bay vào vũ trụ" thành hiện thực. Trong thời gian 7 ngày 20h42' trên quỹ đạo, Phạm Tuân đã thực hiện 142 vòng quanh trái đất, tiến hành các thí nghiệm về hòa tan các mẫu khoáng chất trong tình trạng không trọng lực và các thí nghiệm cây trồng trên bèo hoa dâu; chụp ảnh Việt Nam từ quỹ đạo trái đất. Với những thành tích đó, anh vinh dự được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, Huân chương Hồ Chí Minh và trở thành một trong những người nước ngoài đầu tiên được trao tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô, Huân chương Lênin.

Phạm Tuân kể với chúng tôi rằng, cho đến tận bây giờ anh vẫn không thể lý giải vì sao số phận lại mang đến cho mình nhiều cơ hội may mắn đến như vậy. Chuyện là năm 1979, Liên Xô và Việt Nam ký thỏa thuận "Intercosmos" quy định những điều kiện tuyển chọn bốn ứng cử viên du hành vũ trụ trong hàng ngũ quân nhân Việt Nam. Nhưng trong suốt hai tháng làm việc tại Việt Nam, các bác sỹ Liên Xô chỉ có thể tuyển lựa được ba ứng cử viên. Vì thế, Bộ Quốc phòng quyết định tuyển lựa ứng cử viên thứ tư trong số các phi công đang theo học tại Matxcơva.

Phạm Tuân đã lọt vào danh sách ứng cử viên, nhưng một chút vấn đề về tim đã khiến anh không vượt qua được rào cản y học nghiêm ngặt. Tuy vậy trong thời điểm đó, tại Việt Nam vẫn chưa tuyển được ứng cử viên thứ tư. Thế là Phạm Tuân may mắn lọt vào danh sách dù chỉ là đỗ "vớt". Ứng cử viên số một hồi đó là phi công Nguyễn Văn Cốc, người có nhiều kinh nghiệm nhất của Việt Nam từng bắn rơi 9 máy bay Mỹ. Thế nhưng, trong lần kiểm tra cuối cùng của Ủy ban Giám định y khoa, anh Cốc đã bị loại vì lý do sức khỏe không bảo đảm. Từ vị trí dự bị, anh bất ngờ trở thành ứng cử viên số một cho chuyến bay vào vũ trụ.

Anh hùng Phạm Tuân bồi hồi nhớ lại: "Tôi cảm thấy mình như đang ở trong mơ khi biết rằng mình sẽ được tập luyện trong đội bay chính, cùng với nhân vật từng thực hiện hai chuyến bay xuất sắc vào vũ trụ, đó là phó chỉ huy thứ nhất Phòng quản lý đào tạo các phi công vũ trụ, hai lần Anh hùng Liên Xô, Đại tá Viktor Gorbatko".

Để chuẩn bị cho chuyến bay lịch sử này, các phi hành gia đều phải trải qua một quá trình tập luyện gian khổ với các bài tập khắc nghiệt đến mức hiếm người bình thường nào có thể chịu đựng nổi. Anh và các đồng nghiệp đã phải chui vào một chiếc buồng kín được thả xuống nước, rồi phải cởi bỏ y phục chuyên dụng khi bị lắc lư dữ dội.

Vất vả nhất là tập trên máy kiểm tra tiền đình vì cứ ba giây cúi đầu lại ba giây ngẩng lên, liên tục trong 10 phút, tưởng như không chịu nổi. Đặc biệt, trước khi bay khoảng một tháng, các phi hành gia phải nằm giường nghiêng 15-30 độ để làm quen với việc ngủ khi máu dồn lên mặt. Những cuộc thử nhiệm đã diễn ra nhiều ngày như thế với các công việc dày đặc từ sáng tinh mơ đến lúc mặt trời lặn.

2. Không phải ngẫu nhiên mà ngay từ lần gặp đầu tiên cũng như trong suốt quá trình tập luyện để thực hiện chuyến bay và đặc biệt là quãng thời gian 30 năm từ đó đến nay, giữa Viktor Gorbatko và Phạm Tuân luôn có một sự gắn bó, hòa hợp, đồng điệu của những tri kỷ thực sự.

Anh hùng Phạm Tuân chia sẻ: Trong điều kiện để thực hiện chuyến bay ngày đó, có một quy định "bất thành văn" là hai nhà du hành cùng điều khiển tàu vũ trụ phải hợp nhau về tính cách. Kể cả khi mọi cái đều đã hoàn hảo, nhưng nếu tính cách không hợp thì phải chọn người khác. Và như thể có duyên với nhau từ kiếp trước, mặc dù có sự khác biệt về tuổi tác và ngôn ngữ nhưng Viktor Gorbatko và Phạm Tuân lại hợp nhau đến lạ lùng, thậm chí còn hơn cả "anh em sinh đôi".

Bằng chứng là tại những địa điểm khác nhau và trong những tình huống khác nhau, cả hai đều có những cảm nhận và thái độ rất giống nhau. Có lẽ, sự đồng điệu về mặt tâm hồn và khát vọng chiến thắng là những yếu tố chính khiến "hai mà như một" bởi đối với cả Phạm Tuân và Viktor Gorbatko thì những trận ném bom của máy bay địch luôn là những ký ức đầu tiên được nhớ kỹ nhất và ám ảnh nhất.


Cuộc hội ngộ cảm động giữa Anh hùng Viktor Gorbatko và Anh hùng Phạm Tuân tại Việt Nam sau 30 năm kể từ chuyến bay lịch sử.

Viktor Gorbatko còn nhớ rất rõ máy bay của phát xít Đức đã bắn giết một cách dã man những người dân quê hồn hậu trong làng, còn Phạm Tuân đã chứng kiến cảnh những ngôi làng bị huỷ diệt tang thương chỉ sau một trận oanh tạc của máy bay Mỹ. Và cũng từ những điều trông thấy ấy, cả hai đều ấp ủ khao khát được trở thành phi công chiến đấu, được bay vào vũ trụ và hiến dâng cả cuộc đời cho ước mơ cháy bỏng đó của mình.

Anh hùng Phạm Tuân kể: Trong suốt quá trình tập luyện 2 năm, anh luôn nhận được những tình cảm gần gũi chỉ có thể có giữa người anh đối với em trai mình từ Đại tá Viktor Gorbatko. Đặc biệt, cảm động hơn cả là trong chuyến bay kéo dài hơn 7 ngày bay trong không gian, thấu hiểu được nguyện vọng thầm kín của Phạm Tuân là khao khát, mong mỏi được nhìn thấy Việt Nam từ trên quỹ đạo nên mỗi khi có điều kiện bay qua dải đất hình chữ S, Viktor Gorbatko và các đồng nghiệp luôn ưu tiên những cửa số tốt nhất để Phạm Tuân có thể quan sát và nhìn ngắm mảnh đất thân thương.

Anh hùng Phạm Tuân nói rằng, tình cảm mà Liên Xô nói chung, đất nước Nga, nhân dân Nga nói riêng dành cho Việt Nam như thế nào thì Anh hùng Liên Xô Viktor Gorbatko, người đồng hành trong chuyến bay lịch sử của 30 năm trước cũng dành cho anh như vậy. Đối với học viên Việt Nam sang Nga học tập ngày đó, dường như đi học cũng là một con đường, một cơ hội để trở về phục vụ công cuộc giải phóng đất nước. Vì thế, người dân Nga luôn dành cho Việt Nam một tình cảm yêu thương đặc biệt. Sự đặc biệt mà chỉ có những người cùng cảnh, từng phải chịu những đau thương, mất mát khi đi qua các cuộc chiến tranh mới có thể thấu hiểu, sẻ chia và đồng điệu được. Tình cảm đặc biệt ấy cũng có thể ví như tình yêu thương của người anh đối với đứa em nghèo, mang đầy thương tích khi phải đi qua quá nhiều cuộc chiến tranh.

Mặc dù trong kế hoạch bay ngày đó có sự tham gia của nhiều thành viên khác nhau đến từ các nước XHCN, thế nhưng, nước Nga bao giờ cũng dành cho người Việt một sự ưu ái đặc biệt. Các bạn Nga không ngần ngại ưu tiên những điều kiện có thể cho Việt Nam với lý do Việt Nam vừa thắng Mỹ, vừa ra khỏi chiến tranh. Toàn bộ chi phí đi lại, ăn ở của các phi hành gia Việt Nam cũng được các bạn đài thọ từ A-Z mà không hề có một chút so đo, tính toán. Tình yêu thương rộng lớn, bao la ấy, những người có may mắn được sống nhiều năm ở nước Nga như Phạm Tuân luôn khắc ghi vào tận đáy lòng.

Với Anh hùng Liên Xô Viktor Gorbatko cũng vậy. Ông kể với chúng tôi rằng, lần đầu tiên ông đặt chân đến Việt Nam là vào năm 1980. Ấn tượng của ông về Việt Nam là một đất nước xinh đẹp, yên bình, mến khách và đặc biệt là luôn trân trọng tình anh em, bằng hữu. Sau này, ông cũng đã nhiều lần quay trở lại Việt Nam. Đặc biệt là từ năm 1999 đến nay, hầu như mỗi năm ông lại sang thăm Việt Nam một lần với tư cách là thành viên của Hội Hữu nghị Nga-Việt. Và ấn tượng của ông đối với con người Việt Nam vẫn vẹn nguyên như vậy.

Lần trở lại Việt Nam vào đúng dịp kỷ niệm 30 năm chuyến bay lịch sử, ông đã mang theo gia đình gồm vợ và cháu gái như một cách để những người ruột thịt có dịp được tận mắt chứng kiến và chiêm nghiệm chính những tình cảm tốt đẹp mà ông luôn dành cho đất nước, con người Việt Nam.

Suốt 30 năm qua, mỗi lần sang Việt Nam, dù bận bịu thế nào, Viktor Gorbatko và Phạm Tuân cũng đều sắp xếp để được gặp lại nhau, dù có thể thời gian hai người đồng chí, anh em ngồi với nhau chỉ là ngắn ngủi. "Mà không chỉ giữa hai người, mối quan hệ gắn bó, son sắt thủy chung ấy đã được nuôi dưỡng, đã được nâng lên thành sự gắn bó giữa hai gia đình và tình hữu nghị thủy chung giữa hai dân tộc" - Anh hùng Viktor Gorbatko chia sẻ.

Nguyễn Huyền Thanh

Theo cand.com.vn

Bài liên quan:

Cuộc hội ngộ hiếm có giữa hai nhà du hành vũ trụ Việt Nam và Bỉ

Các tin khác