Thắp hương viếng liệt sỹ Nguyễn Thị Sặng tại miếu Y tá.
Trên con đường 20 huyền thoại, không chỉ với tôi, những ai đã đặt chân đến đây đều ám ảnh bởi con số 8 và những câu chuyện ray rứt lòng người: hang Tám TNXP, tám liệt sỹ TNXP hy sinh tại km16+ 200, buồng chuối trước cửa hang nở ra tám nải, tổ thằn lằn trong Đền tưởng niệm có tám quả trứng... Rồi cả chuyện tám tập thể, tám cá nhân của Binh trạm 14 được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Những ngày tôi ở lại với các anh, các chị nơi đường 20, giữa khói hương bảng lảng, thêm một lần nữa tôi lại nghe núi rừng Trường Sơn trở mình.
Buổi chiều của 40 năm sau sự kiện tám liệt sỹ TNXP hy sinh tại km16+ 200, tôi kính cẩn thắp những nén hương ở Đền tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ (AHLS) đường 20 và hang Tám TNXP. Tâm lòng là ý lòng, tôi xin các anh chị linh thiêng phù hộ cho mình có chuyến đi giữa Trường Sơn được hanh thông, thuận lợi. Thắp hương tại Đền xong, tiếp tục ngược lên phía cửa khẩu Cà Roòng, điểm đến là ngôi miếu thờ liệt sỹ Nguyễn Thị Sặng mà mọi người thường gọi là miếu Y tá tại dốc Y tá, hang Y tá.
Đường 20 Quyết Thắng năm xưa nay đang trong quá trình thi công, mặt đường chông chênh đầy bùn đất, đá sỏi xuyên giữa rừng già. Một số đoạn cơ bản hoàn thành. Nguyễn Thị Sặng viết đơn tình nguyện vào tuyến lửa Quảng Bình đầu năm 1972. Tại tấm bia đặt trong miếu Y tá ghi những dòng chữ trang trọng: “Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hang Y tá- Km 18 là một trong những tọa độ lửa trên đường 20 Quyết Thắng. Nơi đây, từ năm 1966 đến năm 1973, không quân Mỹ đã tập trung đánh phá cực kỳ khốc liệt. Đại đội 211 TNXP đã kiên cường bám trụ, chiến đấu hy sinh quên mình, bảo đảm thông suốt mạch máu giao thông, chi viện kịp thời sức người, sức của cho các chiến trường đánh thắng kẻ thù xâm lược thống nhất đất nước. Tại hang này, ngày 20- 6- 1972 đã chứng kiến sự hy sinh anh dũng của nữ liệt sỹ Nguyễn Thị Sặng”.
Mãi theo dòng suy nghĩ, tôi đi qua miếu Y tá lúc nào không hay. Đang chạy ngon trớn, chiếc xe chợt khựng lại, chết máy. Tiếp tục khởi động, đi thêm chừng trăm mét... lại chết máy, năm lần diễn ra như thế khiến tôi đâm hoảng. Quan sát địa thế một lúc, chợt giật mình... đã quá xa nơi chị Nguyễn Thị Sặng an nghỉ. Quay xe trở lại, thắp hương cho chị Sặng, sau đó xuôi ra, chiếc xe máy không vấn đề gì, ngoan ngoãn trườn trên mặt đường lô nhô đá sỏi. Tôi đem chuyện này kể với anh Lê Thanh Lương, Trưởng ban quản lý di tích Đền tưởng niệm các AHLS đường 20, anh nửa đùa nửa thật: “Chị Sặng giận em đó, lên với chị nhiều rồi sao lần này lại quên. Giận, nhưng chị nhắc em quay lại. Nếu cái xe không chết máy, chắc chắn em sẽ vào sâu thêm. Đúng không?”. Tôi im lặng... quả đúng như vậy.
Lê Thanh Lương, quê quán xã An Thủy, Lệ Thủy gắn bó với Vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng từ năm 1997. Hai năm nay anh được đơn vị cử vào phụ trách tại Đền tưởng niệm. Ban quản lý khu di tích chỉ có 7 người nhưng đảm nhận một khối lượng công việc khá nhiều, từ hướng dẫn khách tham quan, thuyết minh, đến bảo vệ, giữ gìn khuôn viên xanh- sạch- đẹp... nhưng quan trọng nhất vẫn là chăm lo hương khói cho các AHLS. Nhờ các anh mà Đền tưởng niệm quanh năm hương khói không bao giờ nguội lạnh.
Anh kể rằng: “Ngày đầu tiên vào với các AHLS đường 20, đêm đó một mình xuống hang Tám TNXP lấy một chiếc đèn dầu lên thắp cho đỡ hiu quạnh. Đèn đầy dầu, nhưng thắp được một chút thì tắt phụt, lần mò dậy khơi tim, châm lại, mới vừa ngả lưng xuống, đèn tiếp tục tắt. Nhiều lần như thế, đâm hoảng, tự hỏi mình đã xin phép các anh chị dưới ấy hay chưa? Rứa là dậy, cầm đèn trở xuống hang, thắp hương vọng bái. Từ đó chiếc đèn không còn tắt đột ngột nữa”.
Những câu chuyện kể nơi hang Tám TNXP và Đền tưởng niệm các AHLS đường 20 Quyết Thắng mang nặng yếu tố tâm linh và đều gắn liền với con số tám: Binh trạm 14 phụ trách đường 20 trong kháng chiến chống Mỹ có tám tập thể và tám cá nhân được tặng danh hiệu AHLLVT nhân dân; tiểu đội nữ tám TNXP phụ trách đoạn đường qua trọng điểm km16 trước đây nay để lại địa danh hang Tám TNXP; tám liệt sỹ cùng chung quê quán Hoằng Hóa (Thanh Hóa), nhập ngũ cùng đợt, tuy khác ngày sinh, tháng đẻ nhưng mất cùng nơi, cùng một lần; tổ thằn lằn trong Đền tưởng niệm có 8 quả trứng; cây chuối trước hang Tám TNXP nở ra tám nải...
Nhiều du khách trong nước cũng như quốc tế đến thăm đường 20 Quyết Thắng đều có chung một sự băn khoăn: “Vì sao gọi là hang Tám Cô khi tám liệt sỹ TNXP hy sinh ngày 14- 11- 1972 lại có bốn nam và bốn nữ?”. Câu trả lời hầu như chưa cởi được nút thắt này. Trở lại thời kỳ đầu mở đường 20, năm 1966 đến năm 1972, những CCB TNXP một thời nơi tuyến lửa Quảng Bình mà tôi từng tiếp xúc đều cho biết: lúc đó, bám trụ trên đường 20, lực lượng TNXP tổng động viên chủ yếu đến từ tỉnh Hà Nam Ninh (các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình bây giờ). Tám nữ TNXP chốt tại hang đá thuộc km16 trên đường 20 thời điểm này quê ở Hà Nam Ninh. Bộ đội, TNXP hành quân qua đây, ai đó gọi tên hang tám cô... Theo thời gian, theo khốc liệt của cả chiến tranh, tên gọi trở thành địa danh. Khi tám TNXP quê Hoằng Hóa, Thanh Hóa hy sinh tại hang đá này, đồng đội các anh, các chị không muốn đổi tên.
Thời điểm diễn ra đại lễ kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Trường Sơn (19-5- 1959 - 19-5-2009), tập thể liệt sỹ tám TNXP hy sinh tại hang Tám Cô được truy tặng danh hiệu AHLLVT nhân dân, cây chuối rừng mọc trước cửa hang bỗng nhiên trổ hoa, hoa chuối đậu được tám nải rồi thôi. Mọi người bảo: mỗi nải chuối ứng với mỗi anh, mỗi chị... Lần thứ hai là vào mùa hè năm 2011, nhân dịp sắp xếp lại “nhà mới” cho các anh chị, cây chuối lại ra hoa, lần này đến 11 nải rồi thôi. Lê Thanh Lương nói: “Mười một nải chuối trùng khớp với số lượng mười một bát hương đặt tại hang Tám TNXP”. Và lần này là lần thứ ba, chuối rừng trước cửa hang tiếp tục ra hoa, vào dịp 40 năm ngày giỗ của các anh chị, nhân dịp UBND tỉnh Quảng Bình tiến hành đại lễ truy niệm các AHLS đường 20 Quyết Thắng.
Tôi đứng trước cửa hang Tám TNXP, nhìn hoa chuối rừng bung nở, màu đỏ như màu máu, màu cờ quyện lấy sắc vàng của đầu nhụy lấp lánh. “Cây chuối rừng như nhịp cầu nối liền người sống, người chết vậy đó anh”- Lê Thanh Lương bâng khuâng- “Mỗi lần có sự kiện chi trọng đại là y như rằng đơm hoa, kết quả... Đợt ni không biết được bao nhiêu nải đây?”. Ra đi từ làng quê nghèo, các liệt sỹ hy sinh tại hang Tám TNXP để lại cho cuộc đời chỉ là dòng lý lịch trích ngang ít ỏi: “Quê quán: Hoằng Hóa, Thanh Hóa; ngày hy sinh: 14- 11- 1972”. May mắn cho tôi là người được thấy di ảnh của hai liệt sỹ Nguyễn Văn Huệ và Lê Thị Mai. Thêm nữa... biết được một thông tin rất quý: trong số họ trước khi vào chiến trường một người đã kịp có nơi hậu phương một con gái vừa tròn 5 tháng tuổi.
Ngô Thanh Long
Nguồn: baoquangbinh.vn
Bài liên quan:
Kỳ 3: Người con gái của liệt sỹ đường 20- 40 năm mới biết