Chân dung nhà ngoại cảm rởm
8 giờ ngày 4/7/2013, Văn phòng Liên hiệp UIA tiếp một vị khách trẻ măng. Đó là một thanh niên chừng hơn 20 tuổi có thân hình gầy nhẳng, khuôn mặt nhàu nhĩ vì thiếu ngủ nhưng lại ăn mặc rất thời trang. Cậu ta đến UIA không phải để đăng ký học tin học, cũng không phải tìm mồ mả tổ tiên mà cậu ta muốn các nhà khoa học tại UIA tiến hành khảo nghiệm và chứng nhận khả năng ngoại cảm đặc biệt của mình.
Liệt sĩ giả vẫn có thông tin
Cậu thanh niên tên là Lê Minh Phán, quê ở xã Văn Hội, Ninh Giang, Hải Dương.
Được sự đồng ý của TS Vũ Thế Khanh, Tổng giám đốc Liên hiệp UIA, chúng tôi đóng giả làm một thành viên của một gia đình đi tìm người người bác liệt sĩ. “Gia đình” chúng tôi gồm 4 thành viên, đóng vai người mẹ là một cán bộ của Liên hiệp UIA. Thông tin về thân nhân, gia cảnh được chúng tôi bịa ra trên một phiếu mẫu đăng ký của UIA.
Thông tin là: “Gia chủ là Vũ Thị Hương, 63 tuổi, trú tại 15 Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội thỉnh mời Hương linh bà cô Tổ họ Lê, bố chồng Lê Văn Minh, 80 tuổi; mẹ chồng Phạm Thị Hiền, 85 tuổi; anh chồng là liệt sĩ Lê Bá Hải, hy sinh tháng 7/1973 tại chiến trường miền Nam”. Tôi đóng vai người cháu, gọi liệt sĩ Lê Bá Hải bằng bác. Hài cốt bác tôi đã thất tán, không còn dấu vết, các đồng đội khi xưa cũng không tìm được ai nữa. Gia đình tôi đã nhiều lần vào Quảng Trị để dò hỏi nhưng không có thông tin gì. Thế nên gia đình chúng tôi quyết định đến UIA nhờ các nhà ngoại cảm chỉ đường, dẫn lối.
Căn phòng tiến hành làm khảo nghiệm đã được bố trí sẵn, máy quay cùng máy ghi âm được bí mật bố trí tại tất cả các góc. Những tình huống dự kiến được chúng tôi chuẩn bị chu đáo.
Buổi chiều ngày hôm đó, như đã hẹn, Phán đến trụ sở UIA. Chúng tôi đã ngồi đợi sẵn. Trông cậu ta khá già dặn so với tuổi 23 của mình. Khuôn mặt cậu ta nhàu nhĩ vì thiếu ngủ. Trong bản sơ yếu lý lịch tự khai khi đăng ký khảo nghiệm, Phán có nói rằng mình chỉ học hết lớp 9. Tuy nhiên, Phán nói năng khá lịch duyệt và bài bản. Tôi có cảm giác cậu ta đã hành nghề cúng bái, đồng cốt từ rất lâu rồi.
Đầu tiên, Phán hỏi về giấy báo tử của liệt sĩ Lê Bá Hải. Tôi nói rằng, giấy báo tử để trên bàn thờ thắp hương đã làm cháy mất rồi, chỉ còn nhớ được ngày tháng và khu vực chiến trường lúc hy sinh. Phán hỏi về nguyên quán của liệt sĩ, tôi bịa bừa ra rằng liệt sĩ quê gốc ở Phố Nối, Hưng Yên.
Đầu tiên, Phán quyết định sẽ áp vong lên một trong bốn người chúng tôi. Phán hướng dẫn chúng tôi ngồi xếp bằng, tay bắt quyết, nhắm mắt và tập trung. Xong xuôi, cậu ta ngồi lầm rầm khấn vái, tôi lắng tai nghe thì thấy đó là những đoạn khấn nôm nhằm “dỗ dành” vong linh liệt sĩ trở về nhập vào người nhà. Cậu ta khấn rất ngọt, không hề vấp một từ. Thông thường, nếu một nhà ngoại cảm có khả năng thực sự, trong tình huống này, họ sẽ đứng dậy nói thẳng rằng chẳng có vong linh liệt sĩ nào ở đây cả. Nhưng Phán vẫn kiên trì khấn vái rồi ngồi đợi.
Theo đúng kịch bản đã định sẵn, chúng tôi cứ ngồi yên, nghĩa là vong liệt sĩ chưa về được. Được thêm 10 phút nữa, bất ngờ Phán đổ kềnh ra sàn nhà, cơ thể co quắp, rung giật như người bị động kinh. Hai bàn tay xoắn vặn vào nhau và tỏ ra rất đau đớn như người bị tra tấn. Chúng tôi hiểu rằng vong linh liệt sĩ Lê Bá Hải đã nhập vào người Phán và liên tục hỏi cậu ta. Thế nhưng, Phán không trả lời mà vẫn tiếp tục rung lắc.
Một lúc sau, có vẻ đã mệt, cậu ta bất ngờ tỉnh lại. Đôi mắt cậu ta lờ đờ như vẫn đang ở cõi khác. Phán bảo tôi: “Anh ạ, vừa rồi em đã nói chuyện được với liệt sĩ Lê Bá Hải rồi. Bác về rồi, về cùng với vong của một hài nhi nữa. Bác đang ngồi khóc ở góc nhà kia kìa”. Tôi hỏi dồn: “Thế cậu đã hỏi kỹ tên tuổi bác tôi chưa, có đúng là bác Hải nhà tôi không?”. Phú khẳng định: “Em đã hỏi bác rất kỹ rồi, bác còn bảo bác rất tủi thân khi gia đình không thường xuyên hương khói cho bác”.
Màn kịch hoàn hảo
Màn diễn kịch giả dối của nhà ngoại cảm rởm này còn táo bạo hơn rất nhiều khi Phán khẳng định về vị trí đặt hài cốt. Phán khẳng định: “Mộ liệt sĩ Lê Bá Hải hiện đã được quy tập về Nghĩa trang Nhân dân tỉnh Quảng Trị, ở ngôi thứ 6, tháng thứ 4. Đó là ngôi mộ vô danh. Hài cốt còn nguyên vẹn nhưng không có di vật đặc biệt nào cả”.
Tôi hỏi lại: “Quảng Trị có rất nhiều nghĩa trang nhưng không có nghĩa trang nào tên là Nghĩa trang Nhân dân tỉnh cả. Em thử hỏi lại bác anh xem thế nào”. Phán lưu loát trả lời ngay: “Thì nào em có biết. Bác anh sang tai với em thế nào thì em nói lại với anh như thế”.
Các cán bộ UIA và phóng viên đóng giả làm người nhà liệt sĩ để vạch mặt nhà ngoại cảm rởm
Có thể hiểu rằng, đây là một cách đưa thông tin nước đôi rất láu cá của những nhà ngoại cảm rởm. Ai cũng biết rằng, Quảng Trị là một mảnh đất đau thương nhất trong chiến tranh chống Mỹ. Hàng vạn liệt sĩ đã hy sinh tại đất này và có thể khẳng định rằng, mỗi tấc đất Quảng Trị đều còn hài cốt liệt sĩ thất lạc. Nghĩa trang ở Quảng Trị lớn nhỏ nhiều vô kể, mỗi xóm mỗi làng đều có nghĩa trang với bạt ngàn mộ liệt sĩ vô danh. Phán đưa ra thông tin rằng hài cốt liệt sĩ hiện đang ở “Nghĩa trang Nhân dân” thì tìm đâu mà chẳng đúng.
Cũng giống “bài” như các nhà ngoại cảm khác, Phán khuyên gia đình tôi nên thành tâm cúng bái, chọn được ngày đẹp thì sẽ cùng chúng tôi đi đưa hài cốt bác tôi về. Cậu ta cứ vô tư “chém gió” mà không biết rằng tên tuổi, quê quán, nhân thân liệt sĩ không có thực, đều là do chúng tôi bịa ra.
Như để củng cố lòng tin cho chúng tôi, Phán khẳng định rằng ở quê mình, Phán đã áp vong tìm được 5 ngôi mộ, tất cả các thông tin đều trùng khớp. Phán nói: “Anh yên tâm, trường hợp như của gia đình anh thì thông tin đã quá rõ ràng rồi, chắc chắn là tìm được hài cốt bác anh”. Phán còn khẳng định thêm rằng, bát hương đặt trên mộ liệt sĩ có tổng cộng 89 chân nhang. Tài đến thế là cùng!
Để cho nhà ngoại cảm hoang tưởng này tâm phục, khẩu phục, chúng tôi đã bố trí 5 gia đình với 5 hoàn cảnh khác nhau. Ba gia đình sẽ bịa hoàn toàn thông tin của liệt sĩ, 2 gia đình còn lại sẽ lấy tên của người còn sống để đóng làm… người chết. Trong cả 5 trường hợp này Phán đều không “bó tay” ở trường hợp nào. Gia đình nào cũng có đầy đủ thông tin tới mức chi tiết.
Sau khi khảo nghiệm cùng 5 gia đình, Phán sẽ được gặp TS Vũ Thế Khanh, Tổng giám đốc UIA để nghe kết luận. Phán bảo rằng, Phán tìm đến UIA là để lấy “chứng chỉ” để vào miền Nam hành nghề giúp dân, giúp nước. Một số người cho rằng, Phán bị hoang tưởng về khả năng của mình. Chúng tôi thì cho rằng, cậu ta không hề hoang tưởng. Kịch bản của Phán được vẽ ra khá chi tiết.
Trong phần đối chất với TS Vũ Thế Khanh, những kịch bản ấy đã được gã thanh niên trẻ tuổi này đem ra để lý giải cho khả năng của mình mà chúng tôi sẽ đề cập đến ở bài sau.
(Xem tiếp Kỳ 2: Vạch mặt nhà ngoại cảm “rởm”)
Minh Tiến
Theo petrotimes.vn
Bài liên quan:
Sự thật sáng tỏ cuộc tìm mộ bằng ngoại cảm ở Trường Sơn (Kỳ 1)