Đoàn cựu chiến binh K3 Tam Đảo trở lại chiến trường xưa tìm kiếm thêm thông tin phục vụ việc giải mã kỹ hiệu, phiên hiệu đơn vị trong chiến tranh. Ảnh: Nguyễn Hồng.
Thời gian qua, Báo Quân đội nhân dân nhận được nhiều điện thoại, thư điện tử hỏi về kết quả triển khai thực hiện việc giải mã ký hiệu, phiên hiệu đơn vị quân đội trong chiến tranh giải phóng và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, theo tinh thần Chỉ thị 07 của Bộ Quốc phòng ngày 22-3-2010. Đáp ứng yêu cầu của bạn đọc và thân nhân gia đình nhiều liệt sĩ, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã tìm hiểu quy trình, nội dung và tiến độ thực hiện Chỉ thị 07 của các cơ quan chức năng...
"Chạy đua" với nhiệm vụ chính trị đặc biệt
Nhiều ngày qua, trong căn phòng ở gác 5 của Viện Công nghệ thông tin, cán bộ Cục Quân lực - Cơ quan Thường trực Bộ Quốc phòng thực hiện Chỉ thị 07 miệt mài với công việc thẩm định thông tin của các cơ quan, đơn vị gửi về phục vụ nhiệm vụ giải mã ký hiệu, phiên hiệu (KHPH) đơn vị quân đội trong chiến tranh giải phóng và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Đại tá Nguyễn Hữu Hùng, cán bộ Cơ quan Thường trực cho biết:
- Theo quy trình thì công việc giải mã KHPH đơn vị được chia làm bốn bước, gồm: Công tác chuẩn bị; thu thập thông tin; tích hợp dữ liệu, chuẩn hóa thông tin và xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) điện tử; khai thác CSDL, giải mã KHPH đơn vị. Đến nay chúng tôi đang thực hiện bước ba của quy trình, quyết tâm cuối năm 2013 sẽ hoàn thành việc xây dựng CSDL điện tử đưa vào khai thác giải mã KHPH đơn vị.
Công việc tìm kiếm, thu thập, tra cứu để biết các thông tin về KHPH, hòm thư, địa điểm đóng quân, địa danh, thời gian xảy ra trận chiến đấu, chiến dịch, mặt trận… của các đơn vị từ cấp đại đội và tương đương trở lên (cả KHPH chính thức, bí mật hoặc nghi binh) gặp vô vàn khó khăn. Một phần do chiến tranh đã lùi xa, phần nữa là các thế hệ tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu tuổi đã cao, sức khỏe yếu nên không nhớ rõ các thông tin về KHPH đơn vị. Ngoài ra, do yêu cầu nhiệm vụ nên các đơn vị quân đội đã có nhiều biến động về tổ chức. Nhiều thông tin về KHPH, hòm thư của đơn vị qua các thời kỳ chiến tranh chưa được đăng ký hoặc đăng ký không đầy đủ. Một số đơn vị sau khi giải thể hoặc điều chuyển không bàn giao hồ sơ hoặc bị thất lạc, mất mát. Trước những khó khăn trên, Thượng tướng Nguyễn Thành Cung, ủy viên Trung ương Đảng, ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chỉ đạo: Giải mã KHPH đơn vị quân đội là nhiệm vụ chính trị đặc biệt nên mỗi cơ quan, đơn vị, cá nhân phải nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong tổ chức thực hiện. Làm tốt việc này, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án về tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính liệt sĩ của Chính phủ; phục vụ tốt việc giải quyết chính sách tồn đọng sau chiến tranh và tổng kết, nghiên cứu biên soạn lịch sử của các đơn vị.
Rất nhiều biện pháp đồng bộ từ Bộ Quốc phòng đến các cơ quan, đơn vị được triển khai thực hiện nhịp nhàng, hiệu quả. Bộ Quốc phòng ký kết với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Tổng tham mưu ký kết Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam về chương trình phối hợp triển khai giải mã KHPH đơn vị quân đội để thu thập thông tin. Tập đoàn Viễn thông Quân đội lắp đặt 72 máy điện thoại miễn phí cuộc gọi tại 63 tỉnh, thành phố và các quân khu đồng thời xây dựng trang web: timvedonvi.vn để phục vụ cung cấp, thu thập thông tin. Đến hết giai đoạn 1, Cơ quan Thường trực Chỉ thị 07 đã thu thập được 14.388 thông tin cần giải mã; gần 16.500 thông tin giải mã và hơn 12.000 thông tin về liệt sĩ. Con số này tăng rất nhanh trong quá trình triển khai giai đoạn 2. Đại tá Nguyễn Minh Vương, Phó trưởng phòng Kế hoạch - Tổ chức (Cục Quân lực) - Cơ quan Thường trực Chỉ thị 07 cho biết:
- Trên cơ sở dữ liệu thông tin thu thập được, chúng tôi phải chắp nối nhiều sự kiện, tình tiết và xem xét một cách lo-gic theo thời gian, sự kiện để khẳng định tính chính xác của thông tin, phục vụ việc tái dựng lại tổ chức đơn vị từ ngày thành lập, qua các thời kỳ chiến tranh với đầy đủ các thông tin về KHPH đơn vị.
Sự cần mẫn của đội ngũ cán bộ cơ quan Thường trực Chỉ thị 07 của Bộ Quốc phòng đã xác định chính xác các thông tin để Viện Công nghệ thông tin chỉnh lý, tích hợp, chuẩn hóa thông tin, xây dựng CSDL để khai thác sử dụng trong toàn quân. Việc này sẽ giúp thân nhân các gia đình liệt sĩ và cơ quan chức năng tra cứu nhanh, hiệu quả các KHPH đơn vị quân đội trong chiến tranh.
Cần cả xã hội vào cuộc
Việc tiến hành các bước theo tinh thần Chỉ thị 07 của Bộ Quốc phòng đến nay cơ bản thuận lợi. Nhiều đơn vị đã có cách làm sáng tạo, hiệu quả, thể hiện trách nhiệm xã hội cao như Quân khu 5 đã triển khai chuyên mục “Tìm đồng đội” trên website qua mạng Misten của Bộ Quốc phòng để trao đổi, cung cấp thông tin; Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội có thư ngỏ “Nghĩa tình đồng đội” gửi các cựu chiến binh trên địa bàn tham gia cung cấp thông tin giải mã; Quân khu 7, Quân khu 9 thường xuyên tổ chức gặp mặt các cựu chiến binh để cung cấp thông tin. Tuy nhiên, qua theo dõi, chúng tôi nhận thấy: Cách thức tuyên truyền ở nhiều cơ quan, đơn vị chưa thực sự sáng tạo để thu hút sự quan tâm của cả xã hội. Đơn cử như việc tuyên truyền để mỗi cán bộ, chiến sĩ trong các đơn vị biết chủ trương để mỗi dịp nghỉ phép hay tranh thủ về nhà có thể là một tuyên truyền viên, thu thập thông tin hiệu quả. Đề cập tới vấn đề này, tại hội nghị sơ kết giai đoạn 1 thực hiện Chỉ thị 07 của Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Thành Cung yêu cầu: Các cơ quan, đơn vị cần có nhiều phương pháp, biện pháp đẩy mạnh tuyên truyền tới mọi tầng lớp nhân dân. Trên cơ sở thông tin thu thập được, các cơ quan chức năng bám sát những cán bộ dân chính đảng địa phương công tác trong thời kỳ chiến tranh để tìm hiểu, khai thác, đối chứng thông tin, làm sao bảo đảm thông tin chính xác nhất.
Cả nước ta hiện có hơn một triệu liệt sĩ, trong số đó nhiều liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt. Nhiều giấy báo tử của liệt sĩ gửi về cho thân nhân chỉ ghi nơi hy sinh hoặc đơn vị trước khi hy sinh bằng ký hiệu, mật danh chiến trường; thậm chí có nhiều giấy báo tử không ghi KHPH đơn vị cấp dưới. Đồng nghĩa với việc ấy là hàng triệu thân nhân gia đình liệt sĩ đang mong mỏi kết quả giải mã KHPH đơn vị quân đội trong các cuộc chiến tranh. Từ kết quả giải mã, thân nhân các gia đình liệt sĩ biết được chính xác chiến trường, địa bàn liệt sĩ hy sinh để có phương pháp tìm kiếm hiệu quả. Qua Báo Quân đội nhân dân, Cơ quan Thường trực Chỉ thị 07 của Bộ Quốc phòng rất mong nhận được nhiều thông tin của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước qua trang web: timvedonvi.vn hoặc thông qua Bộ CHQS các tỉnh, thành phố trong cả nước.
ĐỨC DỤC
Theo qdnd.vn
Bài liên quan: