Di ảnh của liệt sĩ Lưu Mạnh Hùng và những dòng nhật ký “thép”.
Như Báo Quân đội nhân dân đã đưa tin, ngày 23-7 thầy giáo Lý Quang Nhân ở Đồng Hới, Quảng Bình đã “Trao lại cuốn nhật ký của liệt sĩ Lưu Mạnh Hùng sau hơn 45 năm lưu lạc cho thân nhân”. Ngày 24-7, chúng tôi tìm về phường Cát Bi, quận Hải An, TP Hải Phòng để gặp thân nhân liệt sĩ Lưu Mạnh Hùng, tìm hiểu thêm về hành trình cũng như những dòng nhật ký viết từ trong khói lửa của đạn bom.
Giấu bố mẹ đi bộ đội
Trưa Hải Phòng trời lất phất mưa. Trong ngôi nhà số 11/75 đường Cát Bi, phường Cát Bi, quận Hải An, TP Hải Phòng mấy hôm nay luôn rộn rã tiếng người cười nói. Người đến thăm hỏi và chia vui cùng gia đình ông Lưu Văn Sắc (86 tuổi), bố của liệt sĩ Lưu Mạnh Hùng, khi gia đình nhận lại cuốn nhật ký - kỷ vật của người con trai đã hiến dâng tuổi xuân của mình cho Tổ quốc.
Hai tay ôm chặt di ảnh con, cùng cuốn nhật ký, ông Sắc kể cho tôi nghe về người con trai của mình. Đã 86 tuổi, trải qua nhiều thăng trầm của cuộc sống, nhưng trong câu chuyện về người con thân yêu của mình ông Sắc vẫn không cầm được nước mắt. Ông kể:
- Hùng sinh năm 1945. Nhà có 6 anh em, thì nó là con cả. Học hết lớp 5, nó đi thanh niên xung phong sau về làm công nhân ở Sở Thủy lợi Hải Phòng. Tháng 4-1965, nó tình nguyện viết đơn lên đường nhập ngũ mà không nói cho bất cứ ai trong gia đình biết.
Nói tới đó giọng ông nghẹn lại. Ông đưa mắt nhìn xa xăm như đang kiếm tìm điều gì đó trong những hạt mưa ngoài sân, rồi nói tiếp:
- Nó sợ bố mẹ buồn và lo lắng nên không nói cho ai biết cả. Mãi đến lúc đơn vị chuẩn bị hành quân vào Nam chiến đấu thì nó được chỉ huy cho phép ghé về thăm nhà. Khi ấy, tôi mới biết con mình đã đi bộ đội. Mặc dù trong lòng thương con lắm nhưng cả tôi và bà nhà tôi đều dằn lòng động viên nó yên tâm lên đường.
Chiều hôm ấy, người thanh niên Lưu Mạnh Hùng lần lượt đến từng nhà bạn bè, bà con lối xóm từ biệt để lên đường. Chập tối về nhà, anh đã thấy mẹ (cụ Nguyễn Thị Sinh) chuẩn bị cơm, với món canh cua đồng mà anh rất thích. Ngồi ăn cơm, mẹ bảo anh ăn nhiều vào để còn lấy sức mà hành quân, vào chiến trường chắc không có món cua đồng.
Sáng sớm lên đường, mẹ giúi vào tay anh ít tiền nhưng anh nhất quyết không nhận và nói: Quân đội lo cho con không thiếu thứ gì. Hơn nữa, con còn có phụ cấp hằng tháng để chi tiêu. Bố mẹ để tiền lo cho các em ăn học. Con đi khi nào đánh xong giặc Mỹ sẽ trở về phụng dưỡng cha mẹ chu toàn… Và anh đi vào cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc như thế.
Chất “thép” trong nhật ký Lưu Mạnh Hùng
Lật giở từng trang nhật ký của người chiến sĩ pháo thủ số 4 Lưu Mạnh Hùng, ở Đại đội 3, Tiểu đoàn 10, Trung đoàn 282 mà thầy giáo Lý Quang Nhân sau hơn 45 năm cất giữ, trao lại cho gia đình liệt sĩ, tôi phần nào thấy được chất “thép” trong từng trang nhật ký anh viết.
Mở đầu cuốn nhật ký, Lưu Mạnh Hùng viết: "Người chiến sĩ cách mạng chẳng khác nào người vượt đại dương, trong mưa bão, đi chịu đựng không hề xuýt xoa run rẩy mới tới được chân trời nắng ấm. Nếu để đến khi áo đã cộm đầy, hoa cười chim hót, lúc đấy là lúc cách mạng thành công mới ra tay vùng vẫy, chẳng khác nào én nhạn chiều đông muốn bay mà không cất cánh...".
Chiến trường khốc liệt, bom đạn quân thù, ranh giới giữa sự sống và cái chết mỏng manh là vậy nhưng Lưu Mạnh Hùng luôn biết động viên mình. Cuốn nhật ký được anh xem như người bạn để độc thoại, để tâm giao. Anh viết: “Hùng ạ! Cần phải vững vàng hơn và rắn rỏi hơn nữa vì đời sống hằng ngày nó có theo ý muốn của chúng ta đâu. Nếu ta không biết mang ý chí của ta chiến thắng nó thì ta sẽ quỵ ngã và đưa đến cho ta những sự việc mà ta không muốn… Tuổi trẻ chúng ta còn dài, đời chúng ta rất trẻ, xã hội ta ngày một đi lên tươi thắm hơn, hạnh phúc hơn….”.
Những khi hành quân đêm, thấy lòng trống trải, Lưu Mạnh Hùng lại hoài niệm về quê nhà, nhớ về những người thân, bạn bè, để tiếp thêm động lực, thôi thúc anh tiếp tục tiến bước. Trong một lần ở trạm dừng chân, anh viết: “Đứng giữa bầu trời bao la của Tổ quốc, đưa mắt quan sát 4 phương lòng người sao khỏi nghĩ tới những kỷ niệm êm đẹp ở nơi xa, nơi mà mình đã lớn lên và trưởng thành. Nhớ những cảnh, những người mà cách đây không lâu đã cùng mình xây đắp bao nhiêu kỷ niệm êm đềm của tuổi trẻ. Những kỷ niệm ấy đã khắc sâu trong tâm trí của mình, trong đó có hình ảnh, lời nói, tiếng cười….”. Nhưng không ai sống bằng hoài niệm cả, Lưu Mạnh Hùng tiếp dòng nhật ký: “Cái quý nhất của con người là sự sống nhưng phải sống sao cho ra sống đó mới là điều đáng nghĩ. Theo mình hiểu thì tất cả những người đang hy sinh tình cảm, hạnh phúc cá nhân, xa gia đình, xa bạn bè, xa tất cả những gì lưu luyến nhất để dấn thân vào những chỗ gian nan nguy hiểm hay những người đang vật lộn với những khó khăn thử thách của cuộc sống, đem bàn tay và sức lao động sáng tạo của bản thân để mong mỏi được cống hiến sức mình cho Tổ quốc... đó mới là những con người đáng quý, đáng trân trọng”.
Ý chí, quyết tâm ấy được anh thể hiện trong bài thơ có tựa đề “Nghe lời cha” với những câu thơ đầy chất “thép”: "Nghe lời Cha: Con muốn là dòng nước/ Chảy theo kênh tưới mát ruộng vườn/ Con muốn là viên đạn thép bọc đồng/ Hay là viên đạn phá/ Nhằm thẳng quân thù con sáng rực không trung/ Gặp máy bay thù con sẽ nổ tung/ Nghe lời Cha: Trái tim con với quân thù là đá/ Với nhân dân con là cả tình thương...”. Và ngày 26-5-1968, tại thôn Kim Nại, xã An Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, Lưu Mạnh Hùng đã trở thành “viên đạn” thiêu đốt quân thù, gác lại những trang nhật ký còn dang dở cùng bao ước mơ, hoài bão của chàng thanh niên đất Cảng khi mới tròn 23 tuổi.
Tiếp bước đường anh đi, đồng đội đã thay anh ghi tiếp những trang nhật ký còn dang dở ấy cho đến khi gửi lại anh Lý Quang Nhân giữ gìn, để lao vào cuộc chiến đấu mới. Hơn 45 năm trôi qua, anh Lý Quang Nhân luôn xem cuốn nhật ký như bảo vật của mình, bởi nhiều năm rồi, cuốn nhật ký của liệt sĩ Lưu Mạnh Hùng không chỉ nuôi dưỡng tâm hồn anh mà biết bao bạn bè của anh đã trao tay đọc. Trong những giờ giảng bài trên lớp, thầy giáo Nhân lại lấy những vần thơ, những dòng cảm nghĩ đầy chất “thép” của liệt sĩ Lưu Mạnh Hùng để đọc cho học trò nghe; để các em hiểu hơn về một thời hoa lửa. Tâm sự với tôi anh Nhân nói: “Tôi vui vì đã tìm lại được người thân của anh Hùng để trao tận tay cuốn nhật ký, nhưng trong lòng cũng thấy buồn man mác vì từ nay phải xa một kỷ vật mà mình đã xem như người bạn thân thiết suốt hơn 45 năm qua”.
Đón nhận di vật của người con cả, ông Lưu Văn Sắc không kìm được nước mắt, giọng ông nghẹn ngào: “Cho đến giờ gia đình vẫn chưa tìm được phần mộ thằng Hùng, nhưng hôm nay đón nhận cuốn nhật ký của nó, phần nào cũng thấy lòng mình thanh thản hơn. Gia đình tôi cảm ơn tấm lòng của thầy giáo Lý Quang Nhân, người đã lưu giữ cẩn thận cuốn nhật ký và gửi lời cảm ơn đến các cơ quan, các tổ chức đã giúp đỡ gia đình tìm lại di vật mà con tôi gửi lại. Đây là thông tin quan trọng để tôi tìm được hài cốt của nó”.
Chia tay ông Sắc, thắp lên ban thờ liệt sĩ Lưu Mạnh Hùng nén hương thơm, tôi mong sao gia đình sẽ sớm tìm được phần mộ của anh. Tôi cũng cầu mong cho những gia đình chưa tìm được phần mộ người thân của mình hy sinh trong kháng chiến sẽ gặp được những tấm lòng thơm thảo như thầy giáo Lý Quang Nhân.
Bài và ảnh: DUY THÀNH
Theo qdnd.vn
Bài liên quan: