Cán bộ Hội Chất độc da cam/dioxin Việt Nam thăm gia đình ông Trần Văn Trâm (xã Cam Tuyền, Cam Lộ, Quảng Trị) có 4 người con bị nhiễm chất độc da cam. Ảnh: LÊ ĐĂNG
Đây là một câu hỏi thường được nhiều cựu chiến binh và nhất là người dân ở các vùng bị nhiễm chất độc da cam đặt ra. Tuy vậy, câu hỏi ấy thật khó giải đáp vì nhiều lẽ.
Thứ nhất, do biểu hiện lâm sàng của tất cả các loại bệnh, các tai nạn sinh sản, các dị dạng, dị tật do chất da cam gây ra đều giống các loại đã có từ xa xưa trong xã hội loài người. Vậy trường hợp nào là bệnh do chất da cam, trường hợp nào là bệnh do các nguyên nhân khác gây ra ? Khoa học vẫn chưa khẳng định được. Nguyên nhân là do cơ chế gây bệnh của chất da cam chưa được làm rõ. Viện Y học thuộc Viện hàn lâm khoa học Mỹ có liệt kê 13 bệnh có liên quan trực tiếp đến chất da cam. Nhiều nhà khoa học cho rằng chất da cam làm suy giảm sức đề kháng, làm suy giảm toàn bộ hệ thống miễn dịch của con người nên bệnh tật do đi-ô-xin gây ra không dừng lại ở con số 13.
Thứ hai, do số lượng nạn nhân luôn biến động. Nhiều nạn nhân đã chết. Có những người chết mà không biết hoặc biết nhưng chưa được công nhận là nạn nhân da cam (NNDC). Trong những thập kỷ 70, 80, 90 của thế kỷ 20 và trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21 vẫn có những trẻ em sinh ra là NNDC.
Thứ ba, do thiếu nhân lực, tài lực để tiến hành công việc điều tra, khảo sát, giám định, thống kê NNDC. Công việc này đòi hỏi nhiều thời gian và chi phí về tiền bạc. Giá cho một mẫu xét nghiệm đi-ô-xin trong máu, mỡ người là 1.200 - 1.500 USD. Để xét nghiệm cho hàng chục vạn (chưa nói đến hàng triệu nạn nhân) là điều mà ngân sách không thể kham nổi.
Bên cạnh 3 nguyên nhân đã nêu còn có nguyên nhân do hồ sơ, giấy tờ chứng minh (là người đã từng hoạt động trong các vùng bị rải chất da cam) bị thất lạc bởi nhiều nguyên nhân. Việc công nhận là NNDC ở Việt Nam cũng như ở Mỹ và các nước khác hiện nay đều dựa vào hai tiêu chí: Nguyên nhân làm phát sinh bệnh tật và hậu quả gây ra các bệnh tật thuộc danh mục được nhà nước công nhận.
Nguyên nhân là thời gian và không gian phơi nhiễm chất da cam. Ở Việt Nam, thời gian bị phơi nhiễm được tính bắt đầu từ 10-8-1961 trở về sau. Người nào mắc những bệnh hoặc sinh con có dị dạng, dị tật tuy phù hợp với danh mục bệnh tật đã được nhà nước công nhận, nhưng xảy ra trước ngày 10-8-1961 thì không phải là NNDC. Ở Việt Nam, địa điểm phơi nhiễm được công nhận là những vùng đất từ vĩ tuyến 17 trở vào, vùng biên giới Việt-Lào, biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia, 20 xã thuộc bờ bắc sông Bến Hải (Vĩnh Linh, Quảng Trị), khu vực đèo Mụ Giạ (Quảng Bình). Những người tuy có bệnh tật hoặc sinh con dị dạng, dị tật nhưng không có thời gian lao động, công tác, chiến đấu tại các vùng bị phun rải chất da cam thì không phải là nạn nhân da cam.
Về phơi nhiễm, có phơi nhiễm trực tiếp và phơi nhiễm gián tiếp. Phơi nhiễm trực tiếp là những người có tiếp xúc trực tiếp với chất da cam, bao gồm những người bị phun rải, những người sống, hoạt động trong những điểm nóng, tức vùng có tồn lưu chất độc dioxin cao. Phơi nhiễm gián tiếp là những con, cháu của những nạn nhân da cam. Họ là nạn nhân da cam do di truyền gien khiếm khuyết của ông, bà, bố, mẹ hoặc qua bú sữa mẹ là những NNDC. Không phải mọi người bị phơi nhiễm chất da cam đều mắc bệnh và không phải tất cả con, cháu của NNDC đều mắc bệnh, đó là điều mà khoa học chưa giải thích được. Theo số liệu của nữ khoa học gia người Mỹ Sten-man, ở Việt Nam có khoảng 4,8 triệu người bị phơi nhiễm, trong đó có 1,3 triệu người là nạn nhân.
Về hậu quả, những căn bệnh được công nhận là hậu quả của tác nhân da cam theo Quyết định số 09 ngày 20/2/2008 của Bộ Y Tế công bố gồm có 17 loại bệnh: Ung thư phần mềm ; U lympho không Hodgkin ; Ung thư Hodgkin ; Ung thư phế quản-phổi ; Ung thư khí quản ; Ung thư thanh quản ; Ung thư tiền liệt tuyến ; Ung thư gan nguyên phát ; Bệnh đau xương tủy ác tính ; Bệnh thần kinh ngoại biên cấp tính và bán cấp tính ; Tật gai sống chẻ đôi; Bệnh trứng cá do clo; Bệnh đái tháo đường týp 2 ; Bệnh Porphyrin xuất hiện chậm ; Các bất thường sinh sản ; Các dị dạng, dị tật bẩm sinh (đối với con của những người bị nhiễm chất độc hóa học/đi-ô-xin) ; Rối loạn tâm thần.
Việc xác định có đúng là bệnh thuộc danh mục của Bộ Y tế công bố hay không được thực hiện thông qua Hội đồng giám định y khoa. Người được xét công nhận là NNDC phải là người có đủ hai yếu tố: nguyên nhân và hậu quả. Thiếu một trong hai yếu tố đã nêu thì không phải là NNDC.
Với người Mỹ, theo quy định của Mỹ, những ai đã đặt chân lên đất Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh mà mắc bệnh thuộc danh mục được Viện Y học Mỹ công bố đều được hưởng trợ cấp tổn thương do chất da cam. Quân nhân Mỹ thuộc lực lượng hải quân Mỹ đang khiếu nại đòi được trợ cấp như những người hoạt động trên đất liền. Họ cho rằng mình cũng bị tổn thương bởi những đám sương da cam từ đất liền bị gió thổi bay ra biển.
Việc công nhận là NNDC hiện nay được thực hiện bởi các Hội đồng giám định mà thành phần gồm có đại diện của các ngành : Y tế, Lao động-Thương binh và xã hội, Hội nạn nhân chất độc da cam, Hội Cựu chiến binh, MTTQ. Ở Việt Nam hiện chưa tiến hành tổng điều tra số lượng NNDC trong toàn quốc. Con số 4,1 triệu người phơi nhiễm và 1,3 triệu nạn nhân là do nữ khoa học gia người Mỹ Sten-man nêu ra. Bà Sten-man cho rằng con số đó chưa đầy đủ bởi bà thống kê căn cứ vào số dân tại các khu vực bị phun rải theo bản đồ của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa. Số dân sống ngoài các khu dân cư, sống trong rừng núi hoặc sống trong các vùng do chính quyền cách mạng kiểm soát chưa được tính đến. Nhà khoa học Nga Xa-phrô-nốp lại cho rằng số người Việt Nam bị phơi nhiễm là 20 triệu người, bao gồm cả số dân ở vùng bị trực tiếp phun rải và vùng lan tỏa theo làn gió và dòng nước. Trong thời chiến, có những nơi, những thùng chứa chất da cam sau khi hút hết được đem bán cho dân hoặc cho không. Người dân đã sử dụng các thùng ấy để chứa nước, cất giữ lúa, khoai, sắn, đỗ, lạc.. và họ đã tự đầu độc mình mà không biết. Có một thực tiễn chứng minh là trong số 63 tỉnh, thành trong toàn quốc thì hầu như tỉnh, thành nào cũng có NNDC.
Theo tài liệu của Mỹ, đến đầu năm 1979 đã có 52.220 người tham gia vụ kiện tập thể của các cựu chiến binh Mỹ bị nhiễm chất da cam đòi bồi thường(1). Theo thống kê của Hội NNDC Hàn Quốc, tính đến 31-12-2005 đã có 93.830 cựu chiến binh được thừa nhận là NNDC. Theo Hội chất độc da cam Ca-na-da, tại căn cứ Ghết-tao, nơi Mỹ phun rải thí nghiệm chất da cam trước đây cũng có 1.453 nạn nhân. Riêng số NNDC của các nước tham chiến cùng Mỹ như Úc, New Zealand, Thái Lan chưa được thống kê.
Thông qua vụ kiện của các NNDC Việt Nam tại Mỹ năm 2004, nhân dân của những nước đã từng mua và sử dụng chất diệt cỏ của Mỹ, từng có các nhà máy hóa chất Mỹ hoạt động hoặc là kho lưu giữ, trung chuyển hay bị Mỹ đem chôn giấu lén lút chất da cam còn lại sau chiến tranh Việt Nam (như Hàn Quốc, Nhật Bản) mới biết rằng họ cũng là NNDC. Do đó, tổng số nạn nhân chất da cam của Mỹ sẽ không dừng lại ở một, hai triệu người mà nhiều hơn thế. Họ chính là những nguyên đơn tiềm năng của các vụ kiện đòi Chính phủ mình, Chính phủ Mỹ hoặc các công ty hóa chất Mỹ phải bồi thường.
Trong lịch sử các cuộc chiến tranh trên thế giới, hiếm có cuộc chiến tranh nào gây tổn hại nhiều sinh mạng cho một quốc gia như cuộc chiến tranh hóa học mà Mỹ đã gây ra ở Việt Nam. Thiệt hại do hai quả bom nguyên tử của Mỹ ném xuống hai thành phố Hi-rô-si-ma và Na-ga-da-ki trong chiến tranh thế giới lần hai là 210.000 người, song thiệt hại về người do chất độc da cam/dioxin gây ra lớn hơn gấp nhiều lần con số ấy.
Theo báo cáo hàng năm của Bộ CCB Mỹ, số lượng CCB da cam Mỹ nhận được trợ cấp thương tật đã tăng lên 20% trong giai đoạn 2003-2008, đạt đến con số 1.015.410 người. Số lượng nạn nhân da cam Mỹ lớn hơn con số này. Còn nhiều CCB Mỹ vẫn chưa được công nhận là nạn nhân da cam.
LÊ ĐỨC TIẾT
Theo trianlietsi.vn
Bài liên quan: