Việt Nam  | 
English
   Trang chủ    Tin tức    Tin trong nước
Tin trong nước
Tìm người thân thất lạc nhờ ngân hàng gene
Timnguoithatlac.vn là dự án xã hội của Bionet Việt Nam, hỗ trợ tìm người thất lạc miễn phí ở các mảng: tìm người thân thất lạc (bao gồm: người đi lạc, người bỏ nhà đi lạc, người mất tích, trẻ mồ côi, trẻ lang thang, người thất lạc cha mẹ từ lúc mới sinh, tìm người thất lạc ở Việt Nam, tìm người thân ở nước ngoài, người già đi lạc, người tâm thần đi lạc…), tìm thông tin liệt sỹ (tìm mộ liệt sỹ, tìm thân nhân liệt sỹ) và tìm bạn (tìm bạn đời, người yêu cũ, bạn học cũ, ân nhân, người quên đồ…).

 

 

 

 

 

Bức ảnh người mẹ chụp cùng Phương lúc cô bé mới 5 tuổi, được gửi sang nước ngoài cho người cha làm tin. Ảnh: nhân vật cung cấp.

 

Hơn 10 năm xa quê, Phương (Việt kiều Anh) trở về nước tìm mẹ. Hành trang của cô chỉ có bức ảnh kỷ niệm và vài thông tin mơ hồ về người mẹ ở Hải Phòng. Nhờ gửi mẫu ADN vào ngân hàng gene, Phương đã tìm được mẹ của mình.

Hiện nay Phương (17 tuổi) sống cùng người cha Việt tại Anh. Kể về câu chuyện chia ly cách đây gần 20 năm, ông Cường (cha của Phương) cho biết quen người con gái tên Nguyệt tại Hải Phòng năm 1994. Sau một thời gian ngắn gần gũi, ông rời Việt Nam sang Anh sinh sống. Từ đó 2 người không còn liên lạc, trong khi Nguyệt vẫn giữ số điện thoại của ông.

6 năm sau, vào năm 2000, Nguyệt gọi điện cho ông Cường nói rằng trước khi chia tay nhau đã mang trong mình giọt máu của ông. Sinh con, Nguyệt đặt tên cho bé gái ấy là Anh Phương. Người mẹ bày tỏ nguyện vọng "muốn con được sang nước Anh sống với bố để cuộc đời đỡ khổ hơn". Khi ấy, bé Phương khoảng 5 tuổi.

Vì hoàn cảnh, Nguyệt không thể ra nước ngoài nên nhờ một người quen đưa bé Phương sang Anh để giao cho cha. Khi người kia dẫn bé đến cho ông Cường thì không gặp mặt trực tiếp, chỉ gọi điện bảo bé đang đứng ở một địa điểm hẹn trước, trên tay bé có cầm tấm hình chụp hai mẹ con để làm tin. Sau đó ông Cường đã tìm được bé Phương rồi đưa về nuôi, còn người mẹ biệt tăm từ dạo ấy.

Với ký ức còn sót lại sau gần 20 năm trời xa quê, ông Cường bảo: "Tôi chỉ nhớ quê Nguyệt ở Hải Phòng nhưng có rất nhiều người quen ở Hà Nội. Cô ấy cao khoảng 1m54, nặng chừng 50-53 kg, cắt tóc ngang vai và có một vết sẹo ở môi trên. Đến nay con tôi rất mong tìm gặp lại mẹ ruột và họ hàng bên ngoại. Tôi cũng mong cho ước mơ của con sẽ thành hiện thực".

Chỉ với những thông tin ít ỏi ấy, sau một thời gian về Việt Nam dò hỏi, Phương không thể tìm được mẹ ruột của mình. Có một số bà mẹ bị thất lạc con trước đây cũng liên lạc nhưng ký ức của họ chỉ trùng khớp một phần hoặc không thể xác định chắc chắn họ có phải mẹ của Phương hay không.

Vừa thất vọng vừa hụt hẫng, Phương đã tìm đến Công ty công nghệ sinh học Bionet Việt Nam để nhờ lấy mẫu thử ADN lưu vào ngân hàng gene với hy vọng "biết đâu mẹ cũng gửi mẫu gene vào ngân hàng để đi tìm mình". Đây được xem là hy vọng duy nhất còn lại của cô. Sau đó Phương trở về Anh tiếp tục việc học hành còn dở dang.

Bẵng đi một thời gian, gần đây, cô mới nhận được thông tin phản hồi từ đại diện ngân hàng gene tại Việt Nam cho biết đã tìm được người phụ nữ tên Nguyệt có mẫu gene hoàn toàn trùng khớp với Phương. Đơn vị này đã tiến hành xét nghiệm gene nhiều lần để kiểm chứng và đều có kết quả như nhau cho thấy bà chính là mẹ ruột của cô.

Sau khi trò chuyện qua điện thoại, ông Cường cho biết, những gì bà Nguyệt kể cũng trùng khớp với câu chuyện quá khứ của hai người. Trong niềm vui vỡ òa tìm được người mẹ ruột bấy lâu trông ngóng, Anh Phương phấn khởi hồi đáp qua điện thoại: "Em hạnh phúc lắm. Em sẽ thu xếp mọi việc về Việt Nam sớm nhất có thể để gặp mẹ".

Trao đổi với VnExpress.net, tiến sĩ Luyện Quốc Hải, Tổng giám đốc Công ty công nghệ sinh học Bionet Việt Nam cho biết, suốt 3 năm qua, đơn vị này đã xét nghiệm xác minh mối quan hệ huyết thống của hàng nghìn trường hợp với nhiều hoàn cảnh khác nhau. Có người mẹ tìm con bị thất lạc trong chiến tranh; ông cụ 82 tuổi tìm người em gái đi lạc trong nạn đói năm 1945, hoặc cha mẹ tìm con trong chiến dịch di tản trẻ em (Operation Babylift)... Mới đây nhất là trường hợp ông Phan Minh Triết đã tìm được con gái sau 38 năm thất lạc. Tất cả nhờ phương pháp xét nghiệm ADN.

timnguoithatlac-1376458056_500x0.jpg
Hệ thống tìm người thân thất lạc của Bionet Việt Nam.

Từng chứng kiến nhiều cuộc hội ngộ rơi nước mắt và cả những cuộc tìm kiếm trong vô vọng, ông Hải cho biết những câu chuyện đó để lại trong ông nhiều cảm xúc sâu lắng. Chính điều đó đã thôi thúc ông thành lập nên ngân hàng gene. "Mỗi gia đình, mỗi hoàn cảnh thất lạc là một câu chuyện khác nhau, nhưng nó thường giống nhau ở nước mắt, nỗi đau, sự khát khao được sum vầy, đoàn tụ. Điều đó thôi thúc chúng tôi tìm kiếm giải pháp nhằm giải quyết triệt để hậu quả của quá khứ, còn tiếp diễn ở hiện tại và dự phòng cho tương lai. Ý tưởng thành lập hệ thống tìm người thân thất lạc ra đời từ đấy", tiến sĩ Hải chia sẻ.

Hệ thống tìm người thân thất lạc Bionet Việt Nam có thể giúp bất kỳ ai tìm được người thân của mình trong cả 3 trường hợp: Nhớ chính xác thông tin; Nhớ nhưng không đầy đủ, thiếu chính xác, mơ hồ; Hoặc hoàn toàn không nhớ thông tin gì về người thất lạc.

Theo tiến sĩ Hải, có 3 lý do phổ biến làm cho những người thân thất lạc khó tìm lại nhau. Một là do chưa có một môi trường tương tác hoàn thiện để người đi tìm và người cần tìm có thể gặp được nhau một cách chủ động. Hai là những người thất lạc vì nhiều hoàn cảnh khác nhau nên không còn nhớ được những thông tin về hoàn cảnh thất lạc của mình. Ba là thời gian thất lạc quá lâu, những người thân có người còn người mất, việc tìm kiếm người thân thông qua các thế hệ anh - chị - em, con, cháu là rất khó khăn.

Hệ thống tìm người thân thất lạc được xây dựng bao gồm 2 công cụ chính là ngân hàng cơ sở dữ liệu ADN và công cụ tìm người thân tích hợp trên website http://timnguoithatlac.vn. Hai module này hoạt động độc lập nhưng đan xen, tương hỗ nhau để giải quyết cả 3 trường hợp tìm người thân.

Ở công cụ ngân hàng cơ sở dữ liệu ADN (Bionet Vietnam DNA Database Bank), mẫu ADN huyết thống sẽ được phân tích theo hệ 16 Loci STRs PowerPlex (Promega, Mỹ) hoặc 16 Loci AmpFlSTR® Identifiler (AppliedBiosystems, Mỹ) hoặc 20, 25 loci, bằng cách kết hợp các bộ kít khác nhau. Sau đó mẫu gene này sẽ được lưu giữ vào phần mềm cơ sở dữ liệu ADN.

Phần mềm dữ liệu ADN cho phép lưu giữ cơ sở dữ liệu hệ STRs của các cá nhân đồng thời tự động tìm kiếm và so sánh dữ liệu STRs với nhau dựa trên các thuật toán thống kê trong sinh học phù hợp. Từ đó cho ra các kết quả về mối quan hệ huyết thống giữa những cá thể. Các mối quan hệ có thể được phát hiện là: cha/mẹ - con (thường dùng hệ 16 loci STR), anh/chị - em ruột (full-sibling), anh/chị - em không cùng cha hoặc không cùng mẹ (Half-sibling), ông/bà - cháu hoặc anh/chị - em họ (thường dùng hệ 25 loci).

Công cụ tìm người thân tích hợp trên website timnguoithatlac.vn cho phép đưa ra những kết quả tìm kiếm gợi ý dựa vào việc tự động so sánh sự phù hợp giữa từng trường thông tin của người đi tìm và người cần tìm trong các hồ sơ khác nhau. Các trường thông tin so sánh hoạt động độc lập và có các trọng số tính điểm khác nhau tùy thuộc vào mức độ quan trọng của từng trường thông tin. Đây chính là môi trường tương tác để những người đi tìm và người cần tìm còn nhớ đầy đủ thông tin về nhau có thể chủ động gặp được nhau thông qua việc lập hồ sơ tìm kiếm.

Cũng theo tiến sĩ Hải, điều kiện cần và đủ để có thể đưa ra kết quả tìm kiếm chính xác là người đi tìm và người cần tìm hoặc những người thân có quan hệ gần gũi đều chủ động gửi dữ liệu ADN của họ vào ngân hàng gene. "Vì thế chúng tôi mong muốn nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước và các tổ chức đoàn thể trong vấn đề cung cấp thông tin, hỗ trợ xác minh để cùng chung tay góp sức giúp đỡ những người thất lạc".

Nguyện vọng lớn nhất của đại diện Bionet Việt Nam là làm sao thu hút và tổ chức được một mạng lưới tình nguyện viên rộng khắp cả nước để hỗ trợ đưa hệ thống này đến gần hơn với cộng đồng. Từ đó có thể giúp đỡ được nhiều người hơn nữa.

Thi Ngoan

Theo vnexpress.net

Bài liên quan:

Những niềm vui viết bằng "ADN" (kỳ 1): ADN giúp hai cha con tìm dược nhau sau 38 năm thất lạc
Chàng giám đốc 30 năm đi tìm mẹ
Hành trình 28 năm tìm cha của ca sĩ 'Xe đạp ơi' Phương Thảo

Các tin khác