Phút thư giãn của các chiến sĩ trên đảo
Ra với Trường Sa, với nắng gió và sóng biển, mới thấy được những khó khăn, khắc nghiệt trong cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo của những người cán bộ chiến sĩ nơi đây…
Vững tin nơi đầu sóng ngọn gió
Sau khi rời đảo Sơn Ca chúng tôi tiếp tục đến đảo Sinh Tồn. Đoàn đi lần này ngoài các hoạt động thăm hỏi động viên cán bộ chiến sĩ và người dân trên các điểm đảo, tổ chức phật giáo còn làm lễ Cầu siêu cho 64 vong linh các chiến sĩ đã anh dũng hi sinh trong trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma. Ngày 14-3-1988 có lẽ đã hằn sâu trong tâm tưởng của cán bộ chiến sĩ đã và đang canh gác nơi biển đảo xa xôi.
Hình ảnh thiếu Úy Trần Văn Phương quấn lá cờ tổ quốc quanh mình thét lên: "Thà hi sinh tất cả chứ không để mất đảo…” sẽ mãi trở thành tượng đài tinh thần cho thế hệ cán bộ chiến sĩ bảo vệ biển đảo hôm nay và mai sau. Binh Nhất Vũ Anh Tuấn, quê tại huyện Yên Mô, Ninh Bình ra Đảo Sinh Tồn được gần 1 năm tâm sự: Trước khi ra đảo tôi đã được nghe, đọc sách báo tìm hiểu về cuộc sống ở biển đảo quê hương, ra tới đây nghe lại câu chuyện của các thế hệ cha anh đã quả cảm hi sinh bảo vệ biển đảo, như tiếp thêm dũng khí cho tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Ở đây chúng tôi sống như một gia đình, đồng chí đồng đội thương yêu giúp đỡ nhau.
Hiện ở các đảo, điều kiện về cơ sở vật chất đã đủ đầy hơn, các cán bộ chiến sĩ có thể thường xuyên liên lạc về với gia đình, cập nhật thông tin hàng ngày của đất liền. Tuy nhiên có tới đây mới cảm nhận rõ hơn những khó khăn về tinh thần của các anh. Hôm ghé đảo Tóc Tan B, khi đoàn trao quà cho các cán bộ chiến sĩ nơi đây, câu chuyện cứ ám ảnh chúng tôi khi các anh nhất nhất từ chối món quà một mạnh thường quân trao tặng và đề nghị tặng lại cho Thiếu tá Phạm Văn Hưng - Chính ủy viên Đảo Tốc Tan B vì anh Hưng có hoàn cảnh rất éo le. Em trai vừa mất, bố lại đang bệnh nặng nhưng khi hỏi anh có xin phép về thăm quê không thì anh Hưng trầm ngâm: "Chúng tôi ra với đảo đã xác định, "Chưa xong nhiệm vụ chưa về quê hương…”.
Ghé thăm Bệnh xá Đảo Song Tử Tây, được Đại úy Nguyên Văn Phúc, bác sĩ, Trạm trưởng bệnh xá, tâm sự: Điều kiện cơ sở vật chất phục vụ cho công tác khám chữa bệnh ở đây vẫn chưa được đầy đủ so với các bệnh viện trong đất liền, nhiều lúc gặp khó khăn trong quá trình xử lý, tuy nhiên anh em trong Bệnh xá đã tìm mọi cách khắc phục. Các cán bộ chiến sĩ, người dân trên đảo và những ngư dân đánh bắt trên biển khi ốm đau đều được khám chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí.
Ở các điểm đảo cả nổi lẫn chìm, hay ở nhà giàn, ngoài thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo các cán bộ chiến sĩ đã khắc phục và tận dụng khoảng trống hiện có để trồng rau, nuôi heo và làm cả nước mắm nữa. Tại Đảo Tiên Nữ, các chiến sĩ ở đây khoe, trên đảo dù ít nhưng loại rau nào cũng có. Đại úy Vũ Xuân Thuân cho biết: Từ sau Tết đến khoảng tháng 5 sóng, gió ít nên rau dễ sống và xanh tốt, đảm bảo đủ nhu cầu cho các chiến sĩ. Nhưng khoảng thời gian tháng 8 và tháng 10 gió mạnh, sóng lớn, nước biển mặn rau không thể sống nổi nên các anh phải chắt chiu từng ngọn một.
Tấm lòng của kiều bào
Trong đoàn công tác số 9 lần này có rất nhiều bà con kiều bào Ông Nguyễn Ngọc Hán, kiều bào sống tại Thái Lan, cho biết mặc dù có nhiều chuyến về Việt Nam, nhưng đây là chuyến đi Trường Sa đầu tiên và cũng là chuyến về với quê hương nhiều ý nghĩa nhất. Sự háo hức đó đã thể hiện rõ trong từng câu nói, cử chỉ của ông. Ngoài việc đến thăm Trường Sa, ông Hán còn mang một nhiệm vụ quan trọng là chuyển những tấm lòng - những món quà của kiều bào ở Thái Lan đến với bà con và chiến sĩ nơi đầu sóng ngọn gió với số tiền trên 3.000USD.
Còn ông Nguyễn Quang Tiến, kiều bào Pháp xúc động khi biết mình được đồng hành cùng chuyến đi ra với Trường Sa nhiều ý nghĩa này. Ông xúc động: Tình cảm với quê hương đất nước là tình cảm được hun đúc mỗi ngày. Trong chuyến đi này được gần gũi, chia sẻ những khó khăn của đồng bào và chiến sĩ trên đảo, tình cảm đó càng nhân lên gấp bội. Chúng tôi cảm nhận rất sâu sắc, những điểm đảo là một phần thiêng liêng của Tổ quốc. Ra với Trường Sa, với biển cả mênh mông chúng tôi lại càng nhận thức sâu sắc về điều đó, thêm tự hào về những người lính đang ngày đêm canh giữ biển trời của Tổ quốc”.
Đến với Trường Sa lần này, doanh nhân trẻ Phạm Quang Thảo, kiều bào tại Đức đã ủng hộ số tiền 200 triệu cho cán bộ chiến sĩ và bà con đang sinh sống ở quần đảo Trường Sa. Anh Thảo tâm sự, đến với Trường Sa được nhìn, nghe, được tâm sự với cán bộ chiến sĩ và người dân ở các đảo tôi mới thấy được nhiều điều mà chỉ có ra đây mới cảm nhận được. Và câu chuyện cảm động nhất là hôm neo ở gần đảo Cô Lin, thấy các anh không câu cá nữa, hỏi ra mới biết, anh em trên tàu có nói với nhau khi đến vùng biển ở Cô Lin và Gạc Ma sẽ không câu cá, vì đây là cá của các anh (64 chiến sĩ hi sinh ở đảo Gạc Ma – PV). Là người con xa xứ , bước chân đến đảo, anh Thảo hết sức ngạc nhiên khi thấy cuộc sống ở đảo giống như đất liền, trước đó anh chưa thể hình dung ra. Có cây xanh, cơ sở vật chất khang trang, người dân được tạo mọi điều kiện tốt nhất sinh sống, hệ thống chính quyền đầy đủ. Và trước lúc chia tay lời nhắn anh muốn gửi đến các chiến sĩ: "Các anh hãy yên tâm, ngoài những người thân của các anh ở đất liền, còn có chúng tôi, những người Việt xa quê. Bằng cách này hay cách khác chúng tôi luôn sát cánh cùng với các anh quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương…
Mỗi người một cảm nhận và suy nghĩ khác nhau về đời sống tâm tư tình cảm của cán bộ chiến sĩ và người dân sống trên các đảo của quần đảo Trường Sa. Nhưng tựu chung lại chuyến đi này đã mang lại nhiều ý nghĩa hết sức thiết thực, một lần nữa khẳng định, người Việt Nam ở khắp năm châu vẫn luôn gắn bó máu thịt với quê hương mình.
Quốc Trung
Theo daidoanket.vn
Bài 1: Chuyến hải trình đoàn kết