Sir Alec Jeffreys tình cờ khám phá ra vân tay DNA
Ngày 10/9/2009, đánh dấu 25 năm ngày Giáo sư Alec Jeffreys khám phá ra dấu vết DNA. Claire Marshall tới phòng thí nghiệm của ông để nói chuyện về khám phá này.
Giáo sư Alec Jeffreys, nay được Nữ hoàng Anh phong tước và được gọi là Sir Alec Jeffreys, vẫn làm việc trong cùng phòng thí nghiệm ở Đại học Leicester, nơi cách đây một phần tư thế kỷ ông đã, tình cờ, khám phá ra vân tay gien.
Giây phút ''eureka'' của ông đến vào buổi sáng ngày thứ Hai, 10/9 năm 1984 khi ông kéo một phim X quang ra khỏi thùng rửa trong phòng thí nghiệm.
Ông nhìn thấy những chất liệu gien khác nhau của ba người có liên quan, một kỹ thuật gia, một người mẹ và một người cha.
''Trong vài giây,'' Giáo sư Jeffreys nói, ''điều rõ ràng là tôi đã phát hiện ra một phương pháp dựa vào DNA không chỉ để nhận dạng sinh học mà còn biết được mối quan hệ trong gia đình. Đó thực sự là một khoảnh khắc lạ thường''.
Kỹ thuật mới này đã thu hút sự quan tâm của dư luận khi nó giúp giải quyết một vụ khó khăn liên quan tới di trú và sau đó là một vụ án giết người.
Kết quả ngạc nhiên
Vân tay DNA
Cảnh sát Leicestershire đã nhờ Giáo sư Jeffreys giúp tìm lời giải cho một vụ sát hại hai nạn nhân.
Hồi năm 1986, cô Dawn Ashworth, 15 tuổi, đã bị hãm hiếp và giết một cách tàn bạo tại làng Enderby.
Ba năm trước đó, cô Linda Mann cũng 15 tuổi, bị giết ở làng bên.
Thanh niên địa phương mang tên Richard Buckland đã thú nhận giết cô Dawn nhưng không có bằng chứng và cảnh sát cũng không chứng minh được anh là thủ phạm.
Trong lúc tuyệt vọng, họ tìm tới Sir Jeffreys.
''Tôi nhận lời với sự lo lắng đáng kể,'' Giáo sư Jeffreys nói.
Ông nói ông đã ''lạnh gáy'' khi nhận những ''mẫu riêng tư'' của các nạn nhân
Giáo sư Jeffreys lấy mẫu máu của ông Buckland để so sánh với những mẫu này.
Kết quả đã gây ngạc nhiên.
''Chúng tôi tiến hành phân tích mà không hề mong rằng sẽ đạt kết quả gì. Nhưng tôi đã sửng sốt khi nhận được những bằng chứng rõ ràng rằng nghi phạm đã thú nhận giết người không phải là người có tội.'
Phân tích cho thấy cả hai cô gái đã cùng bị một người giết hại, nhưng người đó không phải là Richard Buckland.
Ông Buckland đã trở thành người đầu tiên được minh oan nhờ vào dấu vết DNA.
Cải thiện
Cảnh sát nhận ra rằng để tìm ra kẻ giết người họ cần phải quét bằng lưới to hơn và trong đợt thử nghiệm làm thay đổi khoa học giảo nghiệm họ đã lấy mẫu máu và nước bọt của 5000 người đàn ông.
Trong vòng một năm, cho dù đã cố gắng để trốn không bị lấy mẫu DNA, chủ tiệm bánh địa phương Colin Pitchfork đã trở thành người đầu tiên bị kết tội giết người căn cứ vào DNA và bị kết án chung thân.
Tuy nhiên Giáo sư Jeffreys nói để có được mã DNA người ta cần tới một mẫu DNA đủ lớn và trong nhiều trường hợp người ta biết có DNA ở đó nhưng công nghệ chưa đủ phát triển để lấy mẫu và phân tích.
Kỹ thuật nhận dạng DNA đã được cải thiện dần và tới cuối những năm 1980 các khoa học gia đã có thể xây dựng nhận dạng từ lượng DNA rất nhỏ.
Lợi và hại
Ngày nay lấy mẫu DNA trở thành thông lệ trong hầu hết các vụ điều tra hình sự tại Anh.
Các mẫu được phân tích và lưu trữ bởi Cơ quan Khoa học Giảo nghiệm và hiện có nhận dạng DNA của hơn năm triệu người.
Hồi tháng 12 năm ngoái Tòa Châu Âu đã phán rằng việc lưu giữ DNA này là trái phép nhưng chính phủ vẫn chưa đổi luật.
Giáo sư Jeffreys nói đây là điều không chấp nhận được:
''Quan điểm của tôi rất đơn giản... người vô tội không phải xuất hiện trong cơ sở dữ liệu. Coi họ là tội phạm tương lai không phải là phản ứng thích hợp trong cuộc chiến chống tội phạm.''
Giáo sư nói điều này đặt ra câu hỏi về một loạt các vấn đề trong đó có phân biệt đối xử và xâm phạm quyền riêng tư.
Nhưng ông cũng nói dấu vết DNA đã giúp bắt được một số lượng lớn tội phạm, minh oan cho người vô tội, có những người bị tù oan tới 30 năm và giúp các gia đình người nhập cư đoàn tụ.
''Tôi cho rằng cái lợi lớn hơn cái hại rất nhiều lần.''
"Tôi cho rằng cái lợi đã hơn cái hại rất nhiều lần." - Giáo sư Sir Alec Jeffreys
Theo bbc.co.uk