Ông Halford, 63 tuổi, đã nhắn tin cho vợ là Ruth, đang ở nhà tại Anh rằng, ông sẽ gặp bà tại sân bay vào ngày kế tiếp, sau đó đi ăn tối. Khoảng 12h30 sáng, các hành khách khác vẫn nhìn thấy người đàn ông này uống cocktail ở quán bar boong trên. Sau đó, Halford biến mất.
Bà Halford, mẹ của ba đứa con gồm Lucy, 20, Sophie, 18, và Connor, 17, nhận được tin chồng mất tích khi chuẩn bị lái xe đến sân bay đón chồng. Chuông điện thoại reo vang, cuộc gọi từ hãng Thomson từ sân bay Ai Cập.
"Tôi được thông báo là máy bay đã cất cánh song chồng tôi không có trên đó. Ông ấy đã mất tích trên tàu. Các con và tôi đều sốc. Ban đầu tôi cho rằng ông ấy có lẽ đã lên bờ mà không ai biết, song điều đó là không thể xảy ra vì có rất nhiều điểm kiểm soát khi bạn xuống tàu. Ông ấy đã mất tích".
Hiện giờ, hơn 5 tháng đã trôi qua, ông Halford, một người bán sách ở Milton Keynes, Buckinghamshire (Anh) vẫn mất tích và không ai rõ về số phận của người đàn ông này.
Trường hợp của ông Halford không phải độc nhất vô nhị. Trong vài năm qua, có rất nhiều vụ mất tích bí ẩn đã xảy ra trên các con tàu du lịch biển.
Theo Hiệp hội các nạn nhân du lịch trên biển quốc tế, đóng tại Mỹ, kể từ năm 1995 đã có 165 người mất tích, còn chỉ riêng trong năm nay có 13 trường hợp, một số nạn nhân mất tích sau khi ở trên các con tàu du lịch biển rất được người Anh ưa chuộng.
Du ngoạn trên biển đang rất được ưa chuộng. Theo Hiệp hội vận chuyển hành khách bằng đường biển, có 1,7 triệu chuyến đi chơi biển sẽ được khởi hành từ Anh trong năm nay, song điều gì xảy ra với những hành khách biến mất khi đang ở trên biển? Liệu có phải họ là nạn nhân của một làn sóng tội phạm? Hay họ gặp tai nạn ở biển và lỡ chân rơi khỏi tàu hoặc tự tử?
Sự thật đáng buồn là trong nhiều trường hợp, không ai biết điều gì đã xảy ra. Với gia đình và bạn bè mà họ để lại, thứ còn lại chính là nỗi đau. Với gia đình Halford, vợ và con cái người đàn ông này vô cùng đau buồn và cảm thấy mất mát.
"John thực sự mong ngóng để được đi du lịch trên biển. Ông ấy từng làm việc ở Libya và bị Bắc Phi lôi cuốn. Ông ấy rất thích thú tìm hiểu về văn hóa Ai Cập và muốn nhìn thấy các kim tự tháp. Ông ấy đi một mình vì chúng tôi không đủ tiền để đi cả gia đình, thêm nữa, những đứa trẻ đang sắp thi. Tàu là nơi rất dễ dàng để gặp gỡ mọi người và John không ngại đi một mình. Các hành khách khác nói nhìn thấy ông ấy ở bar và John không say rượu, đang rất vui vẻ. John đã soạn sửa hành lý sẵn sàng để đi nhưng những thứ như hộ chiếu, kính, điện thoại di động, vẫn còn trong cabin. Chỉ có John là không thấy đâu".
Không có bằng chứng nào về việc chồng bà ở đâu hay mất tích như thế nào, bà Halford đang vật lộn để xây dựng lại cuộc sống. Sau khi nghỉ việc một thời gian, hiện bà Halford bắt đầu đi làm lại để có thể thanh toán các hóa đơn và giúp đỡ các con.
"Cuộc sống vẫn tiếp diễn. Tôi cần tiền để thanh toán hóa đơn do không còn lương của John. John có mua bảo hiểm du lịch và tôi đã vài lần tới công ty bảo hiểm để khiếu nại song họ chỉ trả lời: Bà khiếu nại vì cái gì. Thomson cũng vậy, không hỗ trợ gì cho tôi. John ở trên tàu đó song tôi không nhận được gì từ họ. Tôi không nhận được lương bà góa vì chúng tôi không biết liệu ông ấy đã chết chưa?".
Cha mẹ của Rebecca Coriam, 24 tuổi, mất tích hồi tháng 3 năm nay khi đang du lịch biển trên tàu Disney, cũng có chung nỗi đau như nhà Halford. Thứ hai tuần trước, ông bà Mike và Ann Coriam đã gặp trợ lý thứ trưởng Giao thông Mike Penning, người chịu trách nhiệm về các vấn đề hàng hải, để thảo luận về việc thay đổi luật, vốn cho phép nhà chức Anh điều tra các trường hợp công dân Anh mất tích khi đang đi trên tàu biển ở nước ngoài. Hiện thời, việc điều tra người mất tích do nơi mà con tàu đăng ký tiến hành.
Coriam, ở Chester, đi trên tàu du lịch biển Disney Wonder mất tích khi đang đi từ Mexico tới Los Angeles. Hiện, chỉ có một cảnh sát ở Bahamas, nơi con tàu đăng ký, đang tiến hành điều tra sự mất tích của cô gái này. Coriam làm việc trên tàu như một điều phối viên các hoạt động thanh niên. Một đồng nghiệp nhìn thấy cô lần cuối vào lúc 5h45 sáng ngày 22/3 và Coriam có vẻ mệt mỏi. Tuy nhiên, khi hỏi có sao không, cô gái trả lời vẫn ổn và đang trên đường về nghỉ.
Camera trên tàu ghi lại cảnh Rebbeca đi với hai tay đút túi quần sau như thói quen. Sau đó, không có dấu hiệu gì của cô. Thẻ tín dụng của cô gái này bị mất tích nhưng không được sử dụng.
Sự biến mất của Coriam cũng khơi lại những vụ mất tích bí ẩn khác như trường hợp của một người Đức 62 tuổi tên là Sabine L, cũng mất tích vào năm 2007 khi đang du lịch trên biển.
Sabine và chồng là Ludwig lên tàu Cunard tại Southampton vào 17/12/2006, để tham gia hành trình dài 2 tuần trên biển tới Canaries và Madeira. Một đêm, hai vợ chồng về giường lúc nửa đêm. Sáng hôm sau, khi người chồng tỉnh dậy, vợ ông không có trong cabin. Từ đó, không ai còn thấy bà này nữa.
Hàng loạt vụ việc tương tự đã xảy ra và các nạn nhân đều biến mất trong đêm tối, khi tàu đang trên biển. Chính xác là điều gì đã xảy ra với họ vẫn còn bí ẩn và dường như rất khó tìm ra câu trả lời.
Hoài Linh
(Theo DailyMail/ vietnamnet.vn)