Một cuộc biểu tình chống dịch bắt cóc trẻ em tại Đông Hoàn (Quảng Đông), nơi khoảng 1.000 trẻ đã bị mất tích chỉ từ năm 2008 đến 2009
Chính sách một con tại Trung Quốc ngày càng chứng kiến nhiều bi kịch mà một trong số đó là nạn bắt cóc trẻ em.
Ngày 24/12/2012, cảnh sát Trung Quốc đã phá vỡ 9 đường dây bắt cóc chuyên nghiệp, giải cứu 89 em và bắt 355 nghi phạm. Ghi nhận chính thức từ Bộ Công an Trung Quốc cho biết, mỗi năm có đến 10.000 trẻ em bị bắt cóc nhưng con số thật có thể lên đến 70.000! Chỉ riêng năm 2011, 5.320 vụ bắt cóc đã bị phá, giải cứu được 8.660 em…
Tại sao dịch bắt cóc bùng nổ?
Theo tờ Tuần san Thế kỷ, nghiên cứu của Viện Khoa học - Xã hội Chiết Giang năm 2011 cho biết, bọn kinh doanh trẻ em đã lợi dụng nhiều lỗ hổng trong chính sách kế hoạch hóa gia đình tại các vùng quê và cơ chế quản lý hộ khẩu nói chung. Tại những vùng quê được khảo sát, hầu hết người độ tuổi mang thai đều bỏ làng lên thành phố kiếm sống, khiến công tác thống kê dân số và quản lý hộ khẩu gặp khó khăn và thiếu chính xác. Trong khi đó, giới chức hành chính địa phương không có chức trách thống kê dân số. Công tác này thuộc về bộ phận kế hoạch hóa gia đình.
Phần mình, nhân viên kế hoạch hóa lại nói rằng cơ quan họ không có quyền hạn lẫn khả năng kiểm tra nguồn gốc những đứa trẻ có tên trong sổ bộ. Thế là bên này đùn đẩy cho bên kia. Khoảng trống ở giữa là nơi chen vào của bọn kinh doanh trẻ em. Năm 2010, giá một bé trai được nêu là 30.000 tệ (4.800USD) trong khi bé gái là 20.000 tệ (3.200USD). Tuy nhiên, từ khi chiến dịch truy quét tội phạm bắt cóc trẻ em được triển khai mạnh đầu năm 2011, giá bắt đầu tăng: 42.000 tệ (6.700USD) cho bé trai và 38.000 tệ (6.000USD) cho bé gái…
Nguồn gốc vấn đề vẫn nằm ở chính sách một con. Nhiều thập niên nay, gia đình Trung Quốc chỉ được phép có một con. Nếu đứa đầu là gái, gia đình có thể làm đơn xin được đẻ đứa thứ hai (nhưng nếu là gái nữa thì phải dừng!). Mức phạt với những trường hợp vi phạm là rất cao, khác biệt với từng địa phương. Tại Lâm Nghi (Sơn Đông), mức phạt cho trường hợp sinh đứa thứ hai “không hợp lệ” là 34.779 tệ (5.576USD); và 78.000 tệ (12.507USD) cho cặp nào liều mạng sinh con thứ ba. Tuy nhiên, luật lại không cấm nhận con nuôi.
Theo truyền thống, người Trung Quốc luôn muốn có nhiều con. Nhà nào có con trai thì muốn có thêm con gái hoặc ngược lại. Với họ, có nhiều con là một cách… đầu tư cho tương lai, khi tuổi già của họ có người trông nom chăm sóc. Do đó, nhiều gia đình có tiền bắt đầu đi mua con nuôi, hợp pháp lẫn phi pháp, dẫn đến cơn sốt bắt cóc trẻ em. Tình hình nghiêm trọng đến mức UNICEF (Quỹ Thiếu nhi Liên Hiệp Quốc) từng công bố một khảo sát chi tiết.
Theo báo cáo ngày 21/2/2011 của UNICEF, từ năm 2000 đến 2007, Bộ Công an Trung Quốc đã phát hiện 45.507 trường hợp bắt cóc phụ nữ và trẻ em. Sau chiến dịch toàn quốc do Bộ Công an thực hiện từ tháng 4/2009, người ta đã phá được 13.500 trường hợp bắt cóc phụ nữ và trẻ em, giải cứu được 16.517 nạn nhân…
14 năm đi tìm con…
Có vô số bi kịch từ nạn bắt cóc trẻ em. Trường hợp nổi tiếng của Quách Cương Đường là một điển hình. Nghèo mạt, kiếm sống bằng cách bán bí đỏ ở chợ Nghị Ô (Bắc Kinh), Quách hiếm khi kiếm được hơn 1.000 tệ (160USD)/tháng. Số phận đã không tử tế và “ông trời cũng không có mắt” với Quách. Cách đây 15 năm, đứa con trai duy nhất của ông đã bị bắt cóc. Suốt từ đó, Quách dành dụm từng đồng kiếm được để lặn lội mọi hang cùng ngỏ hẻm tìm con. Quê ở một ngôi làng thuộc Sơn Đông, trước kia Quách làm tài xế xe máy kéo, sống lay lắt tạm bợ qua ngày. Tuy nhiên, Quách luôn thấy hạnh phúc từ khi vợ sinh được mụn con trai.
Trong gần 15 năm, Quách Cương Đường đã vượt khoảng 400.000km để đi tìm con…
Thế rồi trời đất như muốn đổ sụp, vào ngày 21/9/1997, khi thằng con Quách Trung - mới hai tuổi rưỡi - bị bắt cóc, lúc nó chơi với một bé gái trong xóm. Hàng xóm kể lại họ thấy một mụ lạ mặt đến cầm cái khăn “lau mặt” cho Quách Trung rồi bỏ đi ra con lộ cách đó khoảng 100m. Thế rồi sau đó chẳng ai để ý thấy Quách Trung mất tích cách nào. Chiều đi làm về, Quách thấy hàng xóm quây quanh trước nhà. Quách vội đi báo công an, trong khi dân làng đổ xô đi kiếm thằng bé.
Suốt nhiều tuần sau đó, cùng vợ, Quách đi dán ảnh đứa con khắp nơi. Nhiều tháng sau và nhiều năm sau, Quách lang thang vất vưởng tìm con ở hầu như mọi tỉnh thành Trung Quốc! “Tôi đã đến tất cả các tỉnh, trừ Tây Tạng, Đài Loan, Thanh Hải và Nội Mông” - Quách kể. Câu chuyện tìm con của Quách đã gây chấn động xã hội. Sự kiên trì của ông đã thu hút giới truyền thông Trung Quốc và mang lại cảm xúc thương tâm với nhiều gia đình khắp nước này.
Tính đến đầu năm 2011, Quách Cương Đường đã vượt khoảng 400.000km để đi tìm con. Đến giờ, nhiều người vẫn không cầm được nước mắt khi thấy Quách, héo quắt và đen nhẻm, lang thang với chiếc xe gắn máy cà tàng cùng hai mảnh vải rách bươm in hình bé Quách Trung cột vào hai cây cọc cắm ở đuôi xe! Theo CNN, trên con đường dong ruổi, Quách đã tìm được 7 đứa bé bị mất tích, giúp đưa trở về với bố mẹ chúng. Nhưng, với đứa con ruột mình, Quách vẫn không sao thấy được nó! Năm 2007, khi tổ chức phi chính phủ “Bảo bối hồi gia” (Con trẻ về nhà) được thành lập, Quách là một trong những người đầu tiên gia nhập.
Theo Trương Bảo Diễm, người sáng lập “Bảo bối hồi gia”, có vô số trường hợp tương tự Quách Cương Đường khắp Trung Quốc. “Tôi biết, có nhiều phụ huynh hiện vẫn tìm con trong suốt 20 năm, thậm chí ròng rã 50 năm trời!” - Trương Bảo Diễm nói - “Một số người đã bỏ ra đến hàng triệu tệ để mong được nhìn lại đứa con bị bắt cóc”. Điều gây bức xúc và khiến dư luận lên án là chính quyền nhiều địa phương vẫn không thật sự mạnh tay với bọn tội phạm bắt cóc trẻ em. Nhiều tổ chức phi chính phủ như “Bảo bối hồi gia” được thành lập là bởi xuất phát từ chính thái độ vô trách nhiệm của chính quyền. Trong nhiều trường hợp, chính viên chức chính quyền lại là bọn… bắt cóc!
Khi chính quyền tham gia vào dịch bắt cóc!
Tại huyện Long Hồi thuộc tỉnh Hồ Nam, nhiều phụ huynh tại vùng núi chuyên sống bằng nghề trồng lúa và khoai tây này đã quen với việc… giấu con mỗi khi viên chức kế hoạch hóa gia đình xuất hiện. Nếu để chúng thấy, đứa bé sẽ bị bắt đi mất, vĩnh viễn! Thế mà Viên Tân Toàn vẫn bị “đánh úp” vào một buổi sáng tháng 12/2005.
Lúc đó, khi ông bố 19 tuổi này đang bồng đứa con gái 52 ngày tuổi tại một trạm xe buýt, một nhóm hơn 5 “cán bộ” kế hoạch hóa xuất hiện, nhảy ra từ chiếc xe trắng, yêu cầu Viên trình giấy kết hôn. Viên không có. Anh và vợ đã kết hôn khi chưa đủ tuổi. Viên cũng chẳng có 6.000 tệ, lúc đó khoảng 745USD, để “nộp phạt”. Thế là Viên, nước mắt lăn dài, trở về nhà, trên tay chỉ còn cái bịch nilon đựng quần áo và vài hộp sữa. Đứa con gái nhỏ đã bị bắt đi.
Theo New York Times (4/8/2011), đứa con gái của Viên là một trong ít nhất 16 em đã bị viên chức kế hoạch hóa tại Long Hồi bắt đi từ năm 1999 đến cuối 2006. Nạn lộng hành của bọn cán bộ kế hoạch gia đình Long Hồi chỉ tạm kết thúc năm 2006, không phải bởi chính quyền ngăn chặn, mà từ một sự kiện. Đó là vụ một bé 8 tháng tuổi rơi xuống từ ban công tầng hai tại một trụ sở kế hoạch hóa gia đình, khi bọn cán bộ cố giật đứa bé khỏi tay mẹ nó! Vụ việc khiến dư luận phẫn nộ và bọn cán bộ đành phải “nới tay”.
Cuộc hội ngộ hiếm hoi khi đứa bé bị bắt được giải cứu trở về với bố mẹ
Tuy nhiên, tại một vùng nghèo và hẻo lánh như Long Hồi, tiếng nói người dân không đủ mạnh để giới chức hủ hóa chùn bước. Tháng 6/2011, một viên chức thanh tra tại Thiệu Dương - thành phố quản lý Long Hồi về mặt hành chính - nói với tờ Nhân Dân nhật báo rằng, tình trạng và những sự việc tại Long Hồi “thật ra không như cách mà báo chí miêu tả; chẳng có chuyện mua bán trẻ sơ sinh gì ở đây!”. Tuy nhiên, theo nhiều phụ huynh, thay vì truy tìm trẻ bị bắt cóc, chính quyền Long Hồi lại trừng phạt người nào dám nói công khai. Hai trong số những ông bố “lớn tiếng” nhất đã bị “bịt miệng” bằng 15 ngày tạm giam tại Thiệu Dương, với tội “gạ gẫm gái điếm tại một nhà thổ”.
Được thả vào tháng 7/2011, hai nạn nhân trên - Dương Lễ Băng và Chu Ánh Hà - đã kể nhiều tình tiết sự thật. Dương cho biết, trước khi bị bắt mình từng nhiều lần được chính quyền “nhắc nhở”. Trong khi đó, Chu thuật rằng chính tay bí thư đảng ủy địa phương đã cảnh báo anh việc phải ngưng “nhiều chuyện” với cánh nhà báo và không được kể gì vụ đứa con gái 3 tháng tuổi của mình bị bắt hồi tháng 3/2003. Nhiều báo cáo từng cho biết, trong nửa thập niên qua, viên chức kế hoạch hóa tại Long Hồi đã đánh cắp trẻ em, đánh đập phụ huynh, buộc phụ nữ phải cắt buồng trứng và thậm chí đập phá nhà dân.
Cho biết đứa con gái mình bị bắt vào tháng 5/2005, khi nó mới 9 tháng tuổi, Dương Lễ Băng kể thêm rằng, bọn cán bộ kế hoạch hóa đã phát hiện nhà Dương có trẻ sơ sinh khi chúng thấy quần áo trẻ con phơi ở sào ngoài sân. Khi chúng đến, bà của đứa bé hốt hoảng ẵm bé trốn trong chuồng lợn nhưng cuối cùng vẫn bị phát hiện! Bởi không có hôn thú nên Dương bị yêu cầu nộp phạt gần (tương đương) 1.000USD nếu muốn giữ lại con. Khi chống cự và phản đối, Dương bị một nhóm hơn 10 tên lao vào đánh hội đồng! Hồ Xã Liên là một trường hợp khác.
Năm 1998, bà sinh bé gái thứ hai. Dù theo luật được phép nuôi đứa con thứ hai nếu đứa đầu lòng là con gái, bà vẫn bị bọn cán bộ kế hoạch hóa kiếm chuyện. Khi chúng đến, bà sợ hãi không mở cửa. Thế là chúng đập vỡ cửa sổ và nhảy vào khuân đi cái truyền hình! Và khi sinh bé gái thứ ba, bà bị yêu cầu nộp phạt gần (tương đương) 5.000USD. Bà làm gì có tiền đóng phạt. Hậu quả, đứa con thứ ba bị ẵm đi tức thời!
Và Dương Thủy Anh là một trường hợp nữa. Theo lời kể nạn nhân, bọn cán bộ tại vùng này, huyện Trấn Viễn thuộc Quý Châu, thường xuyên bất ngờ xuống các làng quê để “điều tra công tác kế hoạch hóa”. Nhiệm vụ của chúng thật ra là… đi rình, xem nhà nào bắt đầu phơi quần áo trẻ sơ sinh. Một ngày đầu năm 2004, một tên “ăn cướp” như vậy đã đến gõ cửa nhà Dương Thủy Anh. “Đưa đứa bé ra đây!” - hắn ra lệnh. Dương khóc, nài nỉ xin đừng bắt đi đứa con gái (thứ tư) mới sinh được 4 tháng. Tên cán bộ không chỉ từ chối mà còn nói huỵch toẹt rằng hắn sẽ bán đứa bé cho một viện mồ côi!
Với vùng núi ở Trấn Viễn nơi dân chúng hầu hết là những người thuộc cộng đồng thiểu số quê mùa và ít học, bọn quan ở đây tha hồ tác oai tác quái. Thập niên 80-90 của thế kỷ trước, đám cán bộ kế hoạch hóa nơi này thường phạt những trường hợp vi phạm sinh hơn một con bằng cách “tịch thu” gia súc.
Tuy nhiên, từ năm 2003, khi Viện Phúc lợi xã hội Trấn Viễn được phép tham gia chương trình nhận con nuôi dành cho người nước ngoài, bọn cán bộ kế hoạch hóa bắt đầu ngưng trò bắt heo, bắt gà. Thay vào đó, chúng bắt trẻ em, hình thành nên một đường dây buôn bán trẻ, với sự hợp tác nhiệt tình của các viện mồ côi!
Ngọc Trí
Theo petrotimes.vn