Theo AP, ông Hao Truong đã bị ném xuống biển Đông sau khi hải tặc tấn công con thuyền chở các gia đình di cư tới Thái Lan vào tháng 12/1977. Ông cho hay mình lênh đênh trên biển khoảng 16 tiếng trước khi được một con thuyền đánh cá cứu sống.
Trong một trại tị nạn ở Thái Lan, nhiều tuần sau Truong mới hay tin vợ mình đã chết khi thi thể của bà trôi dạt vào bờ với một phụ nữ khác. Tuy nhiên, ông Truong tin rằng đứa con trai 7 tháng tuổi là Kham, vẫn còn sống và đang được ai đó nuôi nấng.
Năm 1978, ông Truong được một người chú sống ở Louisiana đưa sang Mỹ định cư. Trong một chuyến đi tới Thái Lan hồi tháng 6/2011 khi nghe tin Kham vẫn còn sống, một nhân viên xã hội đã giúp ông tìm được nơi ở của con trai. Đứa bé ngày nào giờ đã 34 tuổi, tên là Samart Khumkhaw, có 2 đứa con và đang sống ở tỉnh Surat Thani.
Ông Truong kể lại, trong 4 ngày gia đình mình bị cướp biển bắt giữ, bọn cướp biển dường như rất quý mến đứa con trai dễ thương của ông. “Đó là lý do tại sao ông ấy không bao giờ nghĩ rằng con mình sẽ bị giết hại”, người chị của ông Truong là bà Hong cho biết.
Trong khi số phận của bố mẹ đứa bé trở nên đen tối, thì Kham được bọn cướp biển trao cho một cặp vợ chồng trẻ ở Thái Lan có con gái vừa chết 2 ngày sau khi sinh. “Một người phụ nữ bí ẩn đã bảo cặp vợ chồng kia rằng, bà ta có một bé trai và đề nghị họ nuôi nấng nó. Người mẹ nuôi nhìn đứa bé và đồng ý nhận nuôi nó, mặc dù không biết đứa trẻ từ đâu đến”, bà Hong cho hay.
“Lúc này tôi cảm thấy quá sung sướng và hạnh phúc. Chúng tôi sẽ có một ngày lễ Tạ ơn tuyệt vời”, ông Truong mừng mừng tủi tủi phát biểu khi đứng cạnh con trai ở sân bay Rochester hôm thứ Hai (21/11). Trong khi đó, hàng chục người thân và bạn bè cầm cờ, bóng bay có chữ “Chào mừng trở về nhà” để chào mừng cuộc gặp gỡ xúc động sau 34 năm của 2 cha con.
“Khi tôi tìm thấy con trai ở Thái Lan, tôi đã sống cùng nó gần 3 tuần liền. Chẳng cần hỏi han điều gì, chúng tôi vẫn rất hiểu nhau như thể gặp từ rất lâu rồi”, ông Truong nghẹn ngào nói.
Anh Khumkhaw được người thân chào đón tại sân bay.
Thượng nghị sĩ Mỹ Charles Schumer là người giúp đỡ ông Truong làm visa cho người con trai một mình đến Mỹ gặp gỡ gia đình bố đẻ của mình. Trong 4 tháng ở Mỹ, Khumkhaw cũng dự định đi thăm bà nội đã 86 tuổi hiện đang sống ở Texas.
“Chúng tôi không muốn giữ nó ở lại để phải rời xa gia đình ở Thái Lan quá lâu”, ông Truong nói và cho biết thêm rằng, con trai mình hiểu mong ước của ông là được đưa anh tới Mỹ sinh sống.
Cuối năm 1978, ông Truong đến Rochester để gặp anh em của người vợ quá cố và ở lại đó. Ông sau đó tái hôn và có 4 đứa con với một người vợ khác. Ông làm công nhân cơ khí trong 30 năm, trước khi bị sa thải vào năm 2009. Hiện đã 54 tuổi, nhưng ông vẫn đang theo học một trường cao đẳng cộng đồng và lớp đào tạo thợ máy.
Bình An
Theo Infonet