Việt Nam  | 
English
   Trang chủ    Tin tức    Tin quốc tế
Tin quốc tế
Con gái tôi là người Việt Nam
timnguoithatlac.vn - 06/02/2013 Bạn đang nỗ lực tìm kiếm người thân bị thất lạc, thông tin liệt sĩ, hay chỉ đơn giản là người bạn mất liên lạc đã lâu???? Hãy đến với timnguoithatlac.vn của Bionet Việt Nam để được trợ giúp tốt nhất.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Nguyễn Thị Hạnh và cha nuôi. Ảnh: Ninh Bình

Năm 1990, tôi trở lại Việt Nam với tư cách là khách mời của tướng Kinh Chi, một vị tướng Quân đội nhân dân Việt Nam đã nghỉ hưu. Lần ấy, lịch trình làm việc của tôi bao gồm một chuyến thăm trại trẻ mồ côi cách Hà Nội không xa. Những đứa trẻ níu vào quần áo tôi và kéo tay tôi đi... Tôi muốn nhấc bổng tất cả những đứa trẻ trên tay và đem chúng về nhà. Lúc đó, tôi đã hỏi thăm thủ tục nhận con nuôi, nhưng tình hình chưa cho phép.

Trong những năm 90 của thế kỷ XX, tôi trở lại Việt Nam một vài lần nữa để làm việc cho một số dự án dịch thuật, học tiếng Việt và khám phá lại một đất nước mà chúng tôi từng bỏ bom để nó thành cát bụi. Sau mỗi chuyến trở lại Việt Nam, tôi cảm thấy thoải mái hơn. Việt Nam không phải là một cuộc chiến tranh nữa, mà là một đất nước trong tâm trí tôi. Khi Jean-vợ tôi-cùng tôi quyết định nhận nuôi bé Nguyễn Thị Hạnh, chúng tôi đã tìm hiểu về mẹ của Hạnh - bà Nguyễn Thị Vẻ ở làng Trung Lương, tỉnh Hà Nam. Bà bị bệnh và quá nghèo, không thể chăm sóc con gái... Bé Hạnh được chăm nuôi ở một trại trẻ mồ côi cách nhà chỉ vài cây số.

Thời gian đầu khi Hạnh về sống với chúng tôi ở Mỹ, chúng tôi đã cố gắng duy trì liên lạc giữa Hạnh và bà giám đốc của trại trẻ mồ côi-một người đàn bà bao dung tên là Vân. Vài lần chị Vân đã phải lặn lội mấy cây số đến Bình Lục và đưa mẹ của Hạnh đến văn phòng của chị, để hai mẹ con có thể nói chuyện điện thoại với nhau. Tôi đã cam kết với chị Vân rằng, tôi không bao giờ để Hạnh quên nó là ai, nguồn gốc của nó từ đâu...

Ba năm sau, mùa hè năm 1999, tôi bắt đầu lên kế hoạch trở lại Việt Nam. Jean và tôi lại thực hiện những nỗ lực mới nhằm tìm kiếm thông tin về mẹ của Hạnh. Gần một tháng sau, chúng tôi nhận được một gói bưu phẩm nhỏ, trong đó là những bản sao của một tờ thư điện dài, báo cáo về cuộc gặp gỡ của đại diện tổ chức môi giới con nuôi với mẹ của Hạnh, một số bức ảnh của bà và một lá thư của bà gửi cho Hạnh...

Tôi đọc to bức thư điện cho chính mình nghe. Một cảm giác giống như nỗi sợ hãi chiếm lĩnh trí óc tôi. Khi Jean về nhà, tôi đọc bức thư điện cho vợ nghe và thấy trong mắt vợ sự sợ hãi như tôi... Khi Hạnh đi học về, tôi trao bức thư cùng những bức ảnh của mẹ ruột nó. “Trời ơi! Đây là mẹ của con!”. Nó rời chúng tôi để đọc bức thư một mình. Sau đó, nó xuống nhà, đầy hưng phấn. Một sự lo lắng lạ lùng và mơ hồ bắt đầu bao phủ tôi. Bốn năm qua, Hạnh đã hòa nhập vào gia đình tôi. Tình cảm của con dành cho chúng tôi vượt xa tất cả những mong chờ của tôi. Nó đã thật sự trở thành một đứa con gái mà như thể chúng tôi đã rứt ruột sinh ra. Ý nghĩ về một khả năng nào đó nó ở lại Việt Nam làm tôi rùng mình. Mặc dù thế, tôi tự bắt mình phải đưa Hạnh về Việt Nam, bất chấp hậu quả thế nào...

Khi ở sân bay Nội Bài, khi đi trên xe về trung tâm Hà Nội và khi ăn tối cùng bạn bè, Hạnh miễn cưỡng không muốn nói tiếng Việt. Tôi động viên Hạnh rằng, tôi tin chắc tiếng Việt sẽ quay về với Hạnh. Nó trả lời “vâng”, nhưng giọng đầy vẻ hoài nghi. Tôi bắt đầu lo lắng rằng, tôi đã thất bại trong nỗ lực giúp con mình giữ gìn tiếng Việt. Không có ngôn ngữ, sẽ không có văn hóa. Và khi không có văn hóa, sẽ không có kỷ niệm...

Sáng hôm sau, Hạnh gọi tôi dậy sớm để ra phố mua quà cho mẹ của Hạnh. Khi trở về khách sạn, mọi người cũng bồn chồn như chúng tôi. Rồi tôi thấy xe của tổ chức môi giới con nuôi lượn vào. Người lái xe bước ra và chào chúng tôi. Tôi đẩy nhẹ con gái mình về phía chiếc xe và với đôi mắt, tôi bảo con hãy đi về phía mẹ của nó...

Mẹ của Hạnh là một phụ nữ nhỏ bé. Đôi mắt của bà rụt rè và lơ đãng tránh ánh mắt của tôi. Nhưng trong đôi mắt đó, tôi tìm thấy trí thông minh rạng rỡ mà tôi đã thấy trong mắt của con gái tôi khi lần đầu tiên nhìn nó ngồi xổm cạnh hồ cá ở trong trại trẻ mồ côi. Tôi bảo Hạnh đưa mẹ lên phòng. Ở đó, bà được xem những bức ảnh về cuộc sống của Hạnh ở Mỹ, một bộ phim quay cảnh Hạnh đang trượt băng và những món quà cho mẹ của Hạnh (sau này, khi mẹ của Hạnh mất, chúng tôi mới biết rằng, bà luôn nâng niu những món quà chúng tôi đã tặng và không sử dụng bất cứ thứ gì).

Tôi biết Hạnh và mẹ cần thời gian riêng. Tôi đi bộ một quãng ngắn đến phố Mai Hắc Đế. Khi tôi trở về khách sạn, tôi thấy Hạnh và mẹ đang ngồi ở lễ tân. Họ đang cầm tay nhau và mỉm cười, vẻ mặt rạng rỡ hạnh phúc. Tôi đến ngồi cạnh mẹ của Hạnh và chào bà bằng tiếng Việt. Tôi nghe bà nói với Hạnh rằng, tiếng Việt của tôi tốt. Tôi thấy bà có vẻ yên tâm hơn với tôi. Bà bảo với tôi rằng, bà rất vui khi thấy Hạnh mạnh khỏe, xinh đẹp. Bà nhờ tôi chuyển lời cảm ơn đến vợ tôi vì đã đón Hạnh về và đối xử với Hạnh như con gái của mình...

Đêm đó, Hạnh ngủ cùng giường với mẹ và tôi ngủ bên kia căn phòng khách sạn. Tôi nghe tiếng Hạnh và mẹ ríu rít. Tôi chợt nhận ra rằng, mẹ đã cho Hạnh tìm lại tiếng Việt của mình. Tôi cảm thấy rất vui vì điều đó, nhưng nó cũng làm cho tôi cảm thấy buồn, một nỗi buồn khó đặt tên. Tôi chìm vào giấc ngủ, được ru bằng tiếng nhạc của câu chuyện họ thì thầm trong bóng tối.

Sáng hôm sau, chúng tôi lên xe để về làng Trung Lương, nơi con gái tôi chào đời và nơi mẹ của nó vẫn sống ở đó. Trên chuyến hành trình dài, đầy ổ gà và tiếng xe ồn ã, tôi nghĩ về việc là một người cha tốt. Tôi chỉ muốn đem đến cho đứa con gái bé nhỏ này một cuộc sống có cơ hội tốt hơn khi tôi tách nó ra khỏi mẹ, khỏi làng quê và khỏi đất nước đang còn những khó khăn của nó. Và giờ đây, mọi thứ như hòa nhập lại cuộc sống của Hạnh...

Đoạn đường cuối dẫn đến làng Trung Lương chạy quanh những ruộng lúa. Những chú trâu to kềnh càng thỉnh thoảng lại ngáng đường chúng tôi. Bước ra khỏi xe, chúng tôi lập tức bị bao quanh bởi những người dân trong ngôi làng của con gái tôi. Một phần làng Trung Lương rất nghèo, không có nước máy và không có điện, nhưng đây là một ngôi làng có vẻ đẹp hiếm có. Những con người ở đây luôn cười thoải mái và rộng lượng, làm cho tôi lập tức cảm thấy như được về nhà.

Từng người trong số những khuôn mặt bao quanh chúng tôi cất tiếng gọi Hạnh. Họ hỏi Hạnh còn nhớ họ không? Họ đều cười vì đôi khi Hạnh không nhớ tên họ. Và họ mắng yêu Hạnh rằng, Hạnh đã đi quá lâu rồi. Họ thi nhau kể lại câu chuyện tuổi thơ của con gái tôi. Đầu tiên Hạnh ngượng ngùng giữa những con người thân quen, rồi nhập vào dòng chảy ngôn từ và những câu chuyện đang đổ về từ mọi hướng xung quanh...

Thời gian chia tay đã đến. Chúng tôi chụp ảnh kỷ niệm theo lễ nghi. Những cuộc chia tay ở Việt Nam không bao giờ kéo dài. Lịch sử đã dạy cho con người Việt Nam cách mà họ có thể chịu đựng mất mát và chia ly với những người họ yêu thương nhất. Hạnh đứng đối diện với mẹ, một lần nữa sự ngượng ngùng ngăn cách hai mẹ con. Nhiều người dân vây xung quanh họ. Tôi choàng tay qua vai hai mẹ con để kéo họ lại gần nhau. Nhiều người dân làng bày tỏ sự đồng tình một cách đáng yêu bằng những tiếng cười và tiếng vỗ tay. Vào lúc đó, Hạnh là con gái của tôi hơn bất kỳ lúc nào trước đó. Và hơn tất cả lúc nào, nó là con gái của một đất nước luôn luôn ở trong trái tim của nó...

Giáo sư Bruce Weigl, sinh năm 1949 tại Lorain, Ohio, từng tham chiến ở Việt Nam từ năm 1967 đến 1968. Trở về Mỹ, ông tìm đến văn chương như một sự cứu rỗi. Bruce Weigl nguyên là Chủ tịch Chương trình viết văn quốc gia, Chủ tịch Hội đồng thẩm định thơ của Giải thưởng Văn học Mỹ. Ông đã nhận được nhiều giải thưởng văn học. Tập thơ “Bài hát bom na-pan” viết về chiến tranh Việt Nam của ông đã được đề cử cho giải thưởng Pulitzer. Hiện nay, ông là Giáo sư ngành văn học, Trường Lorain County Community College, Ohio, Mỹ.

Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai (dịch và giới thiệu)

Theo qdnd.vn

Các tin khác
    Tìm được mẹ nhờ hình xăm  (19/10/2013)