Fu Ming'ai là một trong số hơn 1.400 trẻ em bị bắt cóc đã được một cơ sở dữ liệu ADN quốc gia Trung Quốc giúp đỡ tìm lại cha mẹ đẻ của mình. Cơ sở dữ liệu này được thành lập vào tháng 4/2009, khi Bộ Công An Trung Quốc phát động một cuộc truy quét nạn buôn bán người trên toàn quốc.
Bằng cách lấy mẫu máu của những đứa trẻ không rõ lai lịch và những người có con bị bắt cóc, rồi thử nghiệm DNA để xác định chính xác từng cá nhân và mối quan hệ họ hàng của họ, phương pháp này đang được công nhận là một trong các kỹ thuật xác định trẻ em bị bắt cóc hiệu quả nhất, Bộ Công An Trung Quốc cho biết.
Khi tới gia đình nuôi ở Thạch Gia Trang, thủ phủ tỉnh Hà Bắc, Fu được đặt tên là Liu Qiang. Năm nay anh đã 26 tuổi và đang làm việc trong một công ty phụ tùng ô tô ở Thiên Tân. Anh nhớ lại một ngày lên 4 tuổi, bị một người phun hóa chất vào mặt làm cho mắt anh không mở được, rồi bắt cóc đưa lên tàu.
Fu đã quyết định tìm lại cha mẹ đẻ của mình và để lại mẫu máu với cơ sở dữ liệu DNA trong tháng 7/2011. Một tháng trước đó, cha mẹ anh cũng để lại mẫu máu tại cơ sở, khi cảnh sát cho biết việc này có thể giúp họ tìm lại con trai đã mất tích. Kết quả Fu và cha mẹ đẻ đã đoàn tụ với nhau và về quê nhà ở tỉnh Hồ Nam.
Người sáng lập nhóm hỗ trợ tìm kiếm trẻ lạc Baby Back Home, ông Zhang Baoyan cho biết, tìm kiếm dựa trên cơ sở DNA sẽ chắc chắn và lâu bền hơn, vì những ký ức của trẻ về gia đình, quê hương sẽ mờ nhạt dần theo thời gian và hơn nữa lại bị bán ở phạm vi ngoài tỉnh. Bằng sự tuyên truyền, phổ biến phương pháp này có thể giúp các bậc cha mẹ ở những vùng sâu vùng xa tìm thấy con của mình.
Zhang cũng đề nghị chính phủ cần tiếp tục thắt chặt các biện pháp chống buôn bán trẻ em.
Quảng Văn (theo Chinadaily)
Theo baodatviet.vn