Ông Sung và Bates trong lần gặp đầu tiên
Tháng 9 này có một bộ phim đang ăn khách ở Hàn Quốc, “Cha tôi”, ngay tuần đầu đã thu hút 450.000 lượt người xem. Phim dựa trên một câu chuyện thật: Aaron Bates, 34 tuổi, một thanh niên Mỹ gốc Hàn, đại lý bán bảo hiểm ở bang Arizona, đi tìm cha ruột là Sung Nak Joo, 58 tuổi đang là một tử tù ở Hàn Quốc.
Hành trình về cội nguồn
Một ngày tuyết rơi tháng 3-1979, bé Do Jin Chul, 6 tuổi, đến Colorado làm con nuôi ông bà Graham và Rebecca Bates. Tuy không hề nhớ gì về bố mẹ ruột nhưng nhiều năm sau, Bates quyết đi tìm cội nguồn. Theo những thông tin anh thu thập được thì bố Sung và mẹ Do Jin Sook đều là trẻ mồ côi. Mẹ là một thợ may, cứu bố sau lần ông bị đánh gần chết trên đường phố Seoul, sau đó thành vợ chồng.
Năm 1996, sau khi rời trường trung học, Bates đi lính ở Hàn Quốc vì xem đó là cơ hội tìm kiếm thông tin về bố mẹ. Bates tìm được viện mồ côi cũ ở Gwangju (Nam Hàn Quốc), rồi xuất hiện trong một chương trình TV dành cho con nuôi gốc Hàn tìm kiếm bố mẹ ruột. Một tờ báo ở Gwangju viết bài về anh. Ông Sung, được chuyển về nhà tù Gwangju, đã trông thấy ảnh thời bé của Bates giống hệt bức ảnh ông có, nhưng ông không liên lạc với Bates do “xấu hổ”. Năm 1997, Bates trở về Mỹ, vẫn chưa có thông tin về bố mẹ ruột.
Tháng 1-2000, một bác sĩ gốc Hàn ở Chicago gọi điện cho bố mẹ nuôi của Bates, cho biết ông Sung đề nghị giúp tìm con. Tháng 7 năm ấy, Bates bay sang Hàn Quốc, biết bố đang là tử tù lại càng muốn gặp ông. Do báo chí địa phương chú ý chuyện anh, ban quản giáo nhà tù phải có ngoại lệ là cho phép tử tù gặp con tại phòng thăm nuôi. Bates được hướng dẫn quỳ dưới sàn lạy đấng sinh thành theo truyền thống Hàn Quốc và nói “Bố, con yêu bố” bằng tiếng Hàn.
Tình yêu chiến thắng tất cả
Bà Do qua đời chỉ vài tháng sau khi sinh Bates năm 1973. Lúc đó Sung đang đi lính, toan đào ngũ khi hay tin vợ chết nhưng bất thành. Sung bị kết án tử hình năm 1994 vì giết đứa con gái 14 tuổi của người bạn gái và một tuần sau giết luôn cô này. Ông khai rằng nổi điên khi người bạn gái đề nghị chia tay do ông “không một xu dính túi và chẳng đáng đàn ông”. Sung đang là tử tù chờ thi hành án lâu nhất Hàn Quốc, nếu nước này tái áp dụng hình phạt cao nhất này (lần cuối cùng hồi năm 1997), hẳn ông sẽ bị tử hình trước tiên.
Bates đã viết thư gửi Chính phủ Hàn Quốc cùng các luật sư ở Hàn Quốc và Mỹ, đề nghị họ giúp cứu bố anh. Bates còn đi tìm gia đình nạn nhân của bố để nhân danh bố xin lỗi họ nhưng không gặp. Anh đăng ký chính thức là con trai Sung, để có thể nhận tro cốt ông một khi ông bị tử hình. Mỗi năm anh đi thăm bố một lần. Trong tháng 9 này, bố mẹ nuôi cùng anh đến Hàn Quốc xem phim “Cha tôi” và thăm ông Sung. Phim có nhiều chi tiết hư cấu, một số blogger nói phim “tô hồng” cuộc đời một kẻ sát nhân nhưng Bates hy vọng khán giả sẽ hiểu được những điều tích cực trong phim: “Tình yêu chiến thắng tất cả, hãy học tha thứ và quên. Những vị phụ huynh hãy để con quý vị hạnh phúc. Những đứa con hãy làm vui lòng cha mẹ, vì cuộc đời này rất ngắn ngủi”.
Người Hàn Quốc chú trọng gìn giữ huyết thống nên rất miễn cưỡng nhận con người khác làm con nuôi. Theo báo Mỹ New York Times, đây là một trong những yếu tố khiến Hàn Quốc trở thành một trong những quốc gia “xuất khẩu con nuôi” hàng đầu thế giới. Mỗi năm có khoảng 2.000 trẻ rời Hàn Quốc làm con nuôi người nước ngoài, hơn một nửa đến Mỹ. Cũng chừng đó trẻ Hàn hồi hương tìm cội rễ.
Diên Phúc (Theo New York Times)
Theo sggp.org.vn