Thuật ngữ “bắt cóc” ban đầu ám chỉ việc trẻ bị bắt cóc trong các cuộc xâm lược. Qua nhiều năm, bắt cóc trở thành nguồn tiền dễ kiếm cho những kẻ bất chính. Vụ bắt cóc đòi tiền chuộc lần đầu tiên xảy ra vào thế kỷ thứ 19. Từ đó, những tên bắt cóc ngày càng manh động. Bọn chúng gây ra hàng trăm các vụ tra tấn và giết người man rợ.
Châu Âu là nơi xảy ra nhiều vụ bắt cóc nhất. Ngoài mục đích vì tiền chuộc còn vì lợi ích chính trị xã hội có thể dẫn đến những vụ bắt cóc cực kỳ tàn ác. Những vụ bắt cóc nổi tiếng trong lịch sử thế giới dưới đây đã tạo ra những thay đổi cơ bản về chức năng của những hệ thống thực thi luật pháp.
Cậu bé Charley Ross bị bắt cóc năm 1874
Charley Ross là nạn nhân của vụ bắt cóc đòi tiền chuộc xảy ra lần đầu tiên trong lịch sử. Vào ngày 1/7/1874, Charley (4 tuổi) khi đang chơi với anh trai Walter (5 tuổi) ở sân trước nhà tại Philadelphia (Mỹ) thì bắt gặp 2 người đàn ông lạ mặt. Bọn chúng dụ dỗ 2 cậu bé lên xe của mình với lời hứa sẽ mua cho kẹo và pháo hoa. Sau đó, 2 tên này để Walter lại tại một cửa hàng bán pháo hoa, còn Charley bị đưa đi mất. Từ nhiều địa điểm khác nhau, chúng gửi mảnh giấy đòi số tiền chuộc là 20.000 USD tới nhà của Charley. Khi Walter được tìm thấy và trở về với gia đình, cậu bé không thể nhớ gì về những kẻ đã bắt cóc hai anh em. Hai kẻ bị tình nghi là Bill Mosher và Joe Douglas đã bị bắt chết trong một vụ trộm khác khiến nỗ lực tìm kiếm Charley càng trở nên khó khăn. Gia đình Ross đã cầu cứu đến nhiều tổ chức cá nhân cũng như các cơ quan liên bang để tìm kiếm đứa con bị mất tích. Tuy nhiên, mặc dù nhiều nỗ lực tìm kiếm nhưng Charley vẫn bặt vô âm tín.
Cậu bé Charles Augustus Lindbergh Jr. bị bắt cóc năm 1932
Charles Augustus Lindbergh Jr.
Đây là vụ bắt cóc nổi tiếng nhất bởi độ phủ sóng dày đặc trên các phương tiện truyền thông và có sự can thiệp của nhiều công ty thám tử tư và cơ quan thám tử liên bang.
Charles Augustus Lindbergh Jr. - con trai của phi công Charles Lindbergh - mất tích khỏi nhà ở Hopewell, New Jersey, Mỹ vào hồi tháng 3/1932. Một mảnh giấy với số tiền chuộc là 50.000 USD được tìm thấy ở cửa sổ phòng bé, nơi bọn bắt cóc đã đột nhập vào nhà. Một vài mảnh giấy đòi tiền chuộc khác cũng bắt đầu được gửi tới gia đình Lindbergh tăng số tiền lên 75.000 USD sau khi những kẻ bắt có biết được thông tin cảnh sát và Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) vào cuộc điều tra.
Nỗ lực để đàm phán với những kẻ bắt cóc được đăng tải trên báo chí địa phương. Một hiệu trưởng đã về hưu là John F. Condon đã tình nguyện tới đàm phán trực tiếp với kẻ bắt cóc. John đã chấp nhận đưa tiền cho bọn chúng sau khi đảm bảo rằng bọn chúng đang giữ đứa trẻ. Ngược lại, bọn bắt cóc hướng dẫn John tới một chiếc thuyền bỏ hoang, nơi chúng giam giữ Charles. Tuy nhiên, không có chiếc thuyền nào như chúng đã nói và cậu bé Charles cũng không thấy đâu.
Hai tháng sau vụ bắt cóc, người ta mới tìm thấy thi thể đã bị phân hủy của Charles, cách nhà cậu bé hơn 8km. Khám nghiệm tử thi cho thấy, Charles đã bị đánh mạnh vào đầu và chết được hai tháng. Cảnh sát đã ráo riết truy lùng và bắt được kẻ bắt cóc là Bruno Richard Hauptmann. Hắn đã bị kết án tử hình vì tống tiền và giết người cấp độ 1. Vụ việc bé Charles bị bắt cóc đã buộc Chính phủ Liên bang phải đưa bản chất của tội phạm bắt cóc từ cấp địa địa phương lên tội phạm Liên bang.
Cậu bé Graeme Thorne bị bắt cóc năm 1960
Greame Thorne.
Vụ bắt cóc và thủ tiêu Greame Thorne tại Sydney, Australia là một ví dụ điển hình của việc làm thế nào mà các cuộc điều tra của cảnh sát và giám định pháp y có thể dẫn đến các hướng giải quyết khác nhau đối với hầu hết những bí mật trong các vụ giết người phức tạp. Graeme bị bắt để đòi tiền chuộc với số lượng lớn sau khi Bazil Thorne, cha của nạn nhân, trúng số tiền xổ số lên đến 100.000 bảng Anh. Bọn bắt cóc đã tìm tới nhà Bazil sau khi biết được số điện thoại và địa chỉ của người trúng giải được đăng trên báo.
Graeme đã bị bắt cóc ngay gần nhà khi đang chờ một quen của gia đình tới chở đến trường. Hai giờ sau khi con bị mất tích, Bazil nhận được điện thoại từ bọn bắt cóc đòi tiền chuộc. Ngay lúc đó, gia đình Bazil đã gọi điện thông báo cảnh sát. Liên tục các cuộc gọi đến từ bọn bắt cóc mà không hề xác nhận địa điểm nhận tiền, buộc cảnh sát tiến hành các cuộc điều tra trên diện rộng trong và quanh vùng Sydney. Tuy nhiên, 5 tuần sau thông báo bị mất tích, người ta đã phát hiện xác của Graeme trong một tấm chăn kẻ caro màu xanh, một phần cơ thể đang trong tình trạng phân hủy. Các mẫu xét nghiệm như mẫu thực vật và vữa tìm thấy trên thi thể Graeme và các vết cào xước của thú nuôi trên tấm chăn đã hướng cảnh sát đến một người đàn ông có tên Stephen Bradley.
Những mô tả về diện mạo của anh ta trùng khớp với một người đàn ông là mặt mà Bazil bất chợt nhìn thấy vào thời điểm bà trúng sổ xố và cũng nhìn thấy hắn lởn vởn ở khu vực gần nhà trước khi con trai bị bắt cóc. Stephen cúi đầu nhận tội sau khi bị tra tấn và bị kết án tù chung thân. Vụ bắt cóc và sát hại Graeme Thorne là nguồn gốc của việc đưa ra sự lựa chọn riêng tư cho những người chiến thắng xổ số, cũng như các cuộc cải cách trong các điều luật xét xử những kẻ bắt cóc trẻ em ở Australia.
Cô bé Kyoko Chan Cox bị bắt cóc năm 1971
Kyoko Chan Cox và mẹ.
Kyoko Chan Cox, con gái duy nhất nghệ sĩ người Mỹ gốc Nhật Yoko Ono - một nhạc sĩ, tác giả và nhà hoạt động vì hòa bình - đã bị bắt cóc bởi chính người cha của mình là Anthony Cox - một nhạc sĩ jazz, nhà sản xuất phim và trình diễn nghệ thuật và là người chồng thứ hai của Yoko.
Năm 1971, Anthony đã biến mất với Kyoko, khi đó Kyoko mới được 8 tuổi vì sợ Yoko sẽ tước đi quyền nuôi con của mình. Anthony và con gái sống ấn náu ở Houston, Texas. Tại đây, ông đã trở thành thành viên của một giáo phái huyền bí và che giấu nhân thân của con bằng cách đổi tên Kyoko thành Rosemary và hy vọng các thành viên trong giáo phái có thể giúp ông bảo vệ con gái từ Yoko và cảnh sát. Chẳng bao lâu sau đó, Anthony rời bỏ giáo phái và lại lo sợ cho sự an toàn của con gái khi con đang học ở California và tiếp tục đưa con đi trốn. Trong khi đó, Yoko cố gắng để tìm được con qua những bản nhạc của mình, cũng như sự giúp đỡ của các tổ chức bí mật. Mãi 23 năm sau khi Kyoko bị bắt cóc, cô mới được đoàn tụ với mẹ.
Cô bé Jaycee Lee Dugard bị bắt cóc năm 1991
Bị bắt cóc từ năm 1991 khi mới 11 tuổi, Jaycee Lee Dugard đã trải qua 18 năm bị giam cầm. Jaycee bị một cặp nam nữ bắt cóc khi đang đợi xe buýt để tới trường ở gần nhà mình ở South Lake Tahoe, California vào ngày 10/6/1991. Người duy nhất chứng kiến vụ bắt cóc là cha dượng của Jaycee – ông Carl Probyn đã cố gắng đuổi theo trong vô vọng. Kẻ bắt cóc không bị bắt giữ mặc dù có sự can thiệp của cảnh sát và nhiều tổ chức cá nhân. Mọi cố gắng tìm kiếm đều không đem lại kết quả khiến mọi người đều tin là Jaycee đã bị giết.
Manh mối bắt đầu được tìm thấy khi vào hôm 25/8/2009, tên tội phạm tình dục Phillip Craig Garrido, 58 tuổi, bị bắt gặp đi bộ tại khu cắm trại của Đại học California Berkeley cùng hai đứa trẻ. Vợ ông ta đi bên cạnh một phụ nữ tên là Allissa. Biểu hiện khác thường của Allissa khiến các nhân viên điều tra nghi ngờ. Cảnh sát đã tiến hành thẩm vấn từng thành viên trong gia đình Phillip. Phillip khai rằng hai đứa trẻ và Allissa là cháu gái mình, trong khi Allissa lại khai đang trốn trong nhà Phillip khỏi người chồng tàn bạo và hai đứa trẻ là con gái cô.
Sau quá trình bị thẩm vấn, Phillip thú nhận hãm hiếp Allissa và hai đứa trẻ đó là con của hai người. Một phát hiện ngạc nhiên là Allissa chính là Jaycee Dugard. Philip cùng với vợ Nancy đã đem Jaycee về nhà riêng tại Antioch (California) và giam cô bé tại một ngôi lều tạm ở trong khu vườn đằng sau nhà. Tuy nhiên, do là nạn nhân của “Hội chứng Stockholm” (thuật ngữ mô tả một trạng thái tâm lý, trong đó người bị bắt cóc lâu ngày chuyển từ sợ hãi và căm ghét sang thông cảm và quý mến chính kẻ bắt cóc mình) nên ban đầu cô từ chối hợp tác với cảnh sát. Nhưng cuối cùng, Jaycee, 29 tuổi, cũng được đoàn tụ với gia đình sau 18 năm xa cách.
Cậu bé Bobby Dunbar mất tích năm 1912
Bobby Dunbar đứng sau cảnh cửa xe.
Vụ mất tích và xuất hiện trở lại một các kỳ lạ của Bobby Dunbar cũng là một trường hợp đáng chú ý. Vào tháng 8/1912, Bobby biến mất khi đang đi câu cá cùng gia đình ở hồ Swayze, bang Louisiana. Sau 8 tháng, một cậu bé có vẻ ngoài giống với Booby được phát hiện đang ở cùng một người đàn ông tên là William Cantwell Walters. William khẳng định cậu bé đó là con của một phụ nữ có tên là Julia Anderson. Julia đã làm thuê cho gia đình William và giao con trai là Bruce cho anh ta chăm sóc.
Tầm ảnh hưởng của gia đình dòng họ Dunbar giàu có và thiếu bằng chứng cho lời khai của mình, William đã bị bắt. Ngoài ra, việc Julia thất bại trong việc khẳng định đó là con mình đã khiến gia đình Dunbar càng có niềm tin rằng cậu bé đó chính là đứa con thất lạc. Tuy nhiên, điều trớ trêu khác là cậu bé được cho là Bobby lại không nhận ra mẹ và em trai Alonzo của mình. Tuy nhiên, tòa vẫn giao cho gia đình Dunbar quyền chăm sóc cậu bé và kết tội William. Julia và William cùng với một số nhân chứng khác đến từ Poplarville, Mississippi không ngừng đấu tranh để khẳng định Bruce là con cháu mình. Vài năm sau đó, một nhân viên điều tra phát hiện ra rằng ADN của Bobby và em trai bé không trùng khớp. Điều này khiến nhiều người tự hỏi số phận của Bobby Dunbar thật sự hiện đang ra sao.
Cô bé Madeleine McCann bặt vô âm tín từ năm 2007
Madeleine McCann.
Cô bé 3 tuổi Madeleine McCann mất tích vào ngày 3/5/2007 là vụ việc gây nhiều chú ý bởi nó liên quan đến các lực lượng thực thi pháp luật từ nhiều quốc gia khác nhau và việc đưa tin toàn cầu của giới báo chí. Madeleine, quốc tịch Anh, mất tích tại khu nghỉ mát Pradia da Luz ở Algarve, Bồ Đào Nha khi đang cùng gia đình đi nghỉ tại đây. Cô bé được xác định đã biến mấy khỏi căn phòng khách sạn vào khoảng 22h khi ông bà McCann đi ăn tối với bạn bè ở quán bar gần đó. Cảnh sát đã có mặt tại hiện trường và thẩm vấn cha mẹ, bạn bè và nhân viên khách sạn. Một người bạn của gia đình là Jane Tanner cho biết đã nhìn thấy một người đàn ông đưa đứa trẻ đi lúc 21h20, tuy nhiên, không chắc là Madeleine. Vợ chồng McCann cũng được đưa vào danh sách nghi can của cảnh sát Bồ Đào Nha, nhưng đã bay về nước sau khi được chứng minh vô tội.
Trong nhiều tháng, cảnh sát Bồ Đào Nha phối hợp cùng cảnh sát Anh đã điều tra rộng khắp, tuy nhiên vẫn chưa có chút tung tích gì về Madeleine. Trong khi đó, cha mẹ nạn nhân bị chỉ trích nặng nề vì vô trách nhiệm. Nhiều giả thiết rằng vợ chồng McCann đã nhẫn tâm giết con gái và giấu cái xác đi, sau đó lừa gạt dư luận. Từ đó tới giờ, vẫn chưa có tung tích gì về Madeleine và số phận cô bé ra sao.
Ngoài các trường hợp được nêu ở trên, còn rất nhiều các vụ bắt cóc trẻ em khác trong lịch sử gây được nhiều sự chú ý về phương diện nào đó. Một số trường hợp này được giải quyết với kỹ năng và sự dũng cảm tuyệt vời của các cơ quan thực thi pháp luật nên đã giúp các trẻ em đoàn tụ được với gia đình, tuy nhiên vẫn còn những trường hợp chưa được giải quyết vì không có sự chỉ đạo kịp thời. Gia đình của những nạn nhân vẫn mong ngóng tin tức của những người thân yêu trở về với hy vọng một ngày nào đó họ được đoàn tụ.
Theo xaluan.com