Ông Meng Reakmay, 40 tuổi, quan chức chính phủ, nhìn thấy cha lần cuối vào năm 1977 khi một cán bộ khmer Đỏ bắt ông đi ngay tại nhà. Từ đó đến nay ông không có chút tin tức gì về người cha. Với ông Meng Reakmay, đi tìm sự thật về số phận người cha trong số 2 triệu người CPC bị Khmer Đỏ giết hại là một nghĩa vụ phải làm dù gặp muôn vàn khó khăn. Ông không giấu nổi sự xúc động: “Cả gia đình tôi vẫn sống trong sự đau khổ vì không có gì xác minh cha tôi còn sống hay đã chết”.
Giám đốc Trung tâm Lưu trữ hồ sơ quốc gia (DCCAM) Youk Chhang cho biết trong những năm qua, tháng nào cũng có mấy chục người tới trung tâm tìm hỏi tin tức người thân vì nơi đây cất giữ nhiều hồ sơ về bằng chứng tội diệt chủng trong thời kỳ 1975 – 1979. Trong nhiều tháng qua, tờ tạp chí hàng tháng của Trung tâm DCCAM số nào cũng dành đăng mấy chục tin tìm người thân mất tích dưới thời Pol Pot từ gần 3 thập kỷ nay.
Những thông tin về phiên tòa quốc tế xét xử tội phạm Khmer Đỏ sẽ được tổ chức cùng sự ra đời của mạng Internet càng thúc đẩy người dân CPC đổ xô tìm kiếm tin tức về người thân mất tích. Những người CPC di cư ra nước ngoài trong những năm 70 cũng đang liên lạc với Trung tâm DCCAM để tìm người thân ở trong nước, ai còn, ai mất. Đặc biệt, rất nhiều con nuôi CPC là những trẻ được thu gom vào các trại trẻ mồ côi trong những năm chiến tranh, đang sinh sống tại nước ngoài, đã và đang về thăm quê hương để tìm cội nguồn người thân và họ hàng. Tiếp xúc với những người con nuôi này tại Trung tâm DCCAM, giám đốc Youk đã tỏ lòng thông cảm với cảnh ngộ của họ. Ông nói: “Giúp họ tìm lại quá khứ là rất khó khăn. Bởi lẽ họ không biết cha mẹ đẻ là ai, cũng không biết nơi họ sinh ra ở đâu. Nỗi đau này khó có thể sớm được giải tỏa, nhưng nếu làm được sẽ khôi phục được công lý, một điều còn quan trọng hơn cả kết quả xét xử của tòa án quốc tế sắp tới. Cho dù người thân mà họ tìm kiếm đã chết, thậm chí dù họ chỉ nhìn thấy sự thật ghi trong tài liệu lưu trữ hoặc di ảnh người thân, cũng là điều an ủi”.
Ngourn Ry, một công chức nhà nước nhờ sự giúp đỡ của Trung tâm DCCAM, đã tới nhà tù Toul Sleng ở Phom Penh, nơi Khmer Đỏ giam giữ và sát hại khoảng 17.000 người vô tội, để tìm cha bị mất tích từ năm 1976. Tại đây, ông đọc thấy tên cha trong danh sách những nạn nhân bị Khmer Đỏ giết. Ông nói với các nhà báo: “Tôi chỉ biết khóc vì nỗi đau quá lớn. Bao nhiêu năm nay, tôi vẫn ngày đêm hy vọng cha tôi còn sống và sẽ có ngày trở về. Giờ đây, sự thật đau lòng đã rõ, niềm hy vọng không còn nữa”.
Nhà tù Toul Sleng hiện nay là nhà bảo tàng tội ác diệt chủng, thường xuyên tiếp đón người tìm kiếm sự thật về số phận người thân, nạn nhân của Khmer Đỏ. Bà Lach Vorleak Kalyan, trưởng phòng lưu trữ hồ sơ của nhà bảo tàng, nói: “Thế giới và nhân dân CPC ở trong nước cũng như ở nước ngoài mong muốn tòa án quốc tế sớm được tổ chức để người thân của nạn nhân chế độ diệt chủng được trả lại công lý và nhân dân các nước hiểu rõ được bộ mặt thật tàn bạo của chế độ Pol Pot. Qua phiên tòa, người dân CPC sẽ càng biết rõ quá khứ đau thương của dân tộc, hiểu được cái giá quá lớn của mỗi gia đình và cả đất nước phải trả cho cuộc sống hôm nay.
Trong bài viết về người cha là một cán bộ lãnh đạo của phong trào du kích bị Khmer Đỏ giết hại, đăng trong tạp chí của Trung tâm DCCAM số tháng 12-2004, ông Meng Reaksmey viết: “Tôi hy vọng tòa án quốc tế góp phần làm dịu nỗi đau của gia đình tôi và của nhiều gia đình khác nữa cùng chung cảnh ngộ”.
Đỗ Chuyên
(Theo AFP/ nld.com.vn)