Sau 41 năm xa cách, Lina lần đầu tiên được cha ôm vào lòng - Ảnh do nhân vật cung cấp
“Tôi đã tìm thấy cha. Tôi sững người, tay chân tê cóng lại và thậm chí không thốt lên được lời nào...”, chị Lina Tăng (bang North Carolina, Mỹ) nhớ lại lần nhận cú điện thoại đầy bất ngờ vào một ngày đầu tháng 10 qua.
Sau 41 năm khắc khoải, người phụ nữ mang thân phận “con lai” này cuối cùng đã tìm được cha ruột của mình trên đất Mỹ. Chị đã véo tay mình để biết chắc mình không mơ khi người đàn ông ở đầu dây bên kia thốt lên: “Lina à, là cha đây...”.
Quá khứ bơ vơ
Từ bé, Lina đã hài lòng với mớ thông tin ngắn gọn về bản thân: Sinh ngày 4-4-1969 tại Nha Trang với tên Tăng Hoàng Yên. Mẹ đơn thân lâm bồn và cha là một người Mỹ mà mình sẽ chẳng bao giờ được gặp.
Qua điện thoại gọi về từ Mỹ, Lina từ chối nói rõ về tuổi thơ luôn đi kèm hai chữ “con lai” đầy khốn khó của mình.
Chị chỉ chia sẻ đôi chút phiền muộn trong câu nói dang dở: “Tôi chỉ được sống cùng mẹ ruột tới năm 6 tuổi, sau đó bà đi thêm bước nữa và tôi phải dọn về ở cùng cha mẹ nuôi tại Cà Mau. Nhìn cảnh gia đình người khác đầm ấm trong khi mình đơn côi, tôi chạnh lòng lắm. Và là con nuôi thì chẳng bao giờ được đối xử như con ruột...”.
Sống trong sự thiếu thốn tình cảm do mẹ ruột lâu lâu mới tạt xuống thăm, cho quà bánh một lần... cô bé Yên vốn có thân hình nhỏ bé lại càng rụt rè, thu mình lại với xã hội hơn. Trong những khoảnh khắc cô đơn nhất, nỗi nhớ và khát khao được nằm trò chuyện trong vòng tay người cha ruột... lại trỗi dậy mãnh liệt hơn bao giờ hết.
“Trong lòng tôi giờ vui như ngày hội. Tôi và Joe đã kiểm tra thông tin của cả hai bên rất đầy đủ trước khi cung cấp thông tin của họ cho nhau. Dẫu đã biết trước đây là một câu chuyện có hậu, nhưng tôi vẫn rất xúc động khi nhìn thấy những tấm hình họ đoàn tụ trong những cái ôm, hôn đầy tình phụ tử”.
BRIAN HJORT
(người sáng lập trang web www.fatherfounded.org)
Cuộc điện thoại bất ngờ
Tháng 6-1994, Lina cùng chồng và đứa con trai 4 tuổi qua Mỹ định cư theo diện con lai. Chị theo nghề nail (làm móng), còn anh học cắt tóc và nhanh chóng thành thợ lành nghề. Cuộc sống dần ổn định, gia đình đầy ắp tiếng cười, nhất là khi chị sinh thêm đứa con gái.
“Tuy vậy, tôi luôn cảm thấy một khoảng trống hụt hẫng trong lòng. Khoảng trống ấy là dành cho cha”, chị trầm giọng kể.
Trong những lần về thăm quê nhà Việt Nam (năm 2000 và 2006), chị luôn cố dò hỏi thêm thông tin ở bất kỳ đâu, bất kỳ ai có “biết chút ít gì đó” nhưng cuối cùng vẫn vô vọng!
Đến một ngày cuối tháng 9-2010, nghe một người bạn thân (cũng là một người Mỹ lai) kể về trang web tìm kiếm người thân www.fatherfounded.org, chị đã liên lạc ngay với Brian Hjort (người sáng lập trang web, nhân vật từng được giới thiệu trên Tuổi Trẻ Xuân 2010).
Chị sốt sắng cung cấp tất cả những thông tin mình có cho Brian và Joe - cộng sự của trang web trên đang sống tại Mỹ.
“Dẫu hào hứng là vậy nhưng nói thật, niềm tin tìm được cha lúc ấy trong tôi chỉ là 0,1 phần trăm. Bởi tôi đã được mẹ cho không ít thông tin về ông trong quá trình tìm kiếm những năm qua nhưng đến giờ vẫn là số 0...”, chị nhớ lại.
Vậy mà thật bất ngờ, chỉ vài tuần sau chị nhận được điện thoại từ Joe báo đã tìm được người cần kiếm. “Họ tìm được hồ sơ hai người có cùng tuổi và cùng tên Steve W. Noe thông qua sự hỗ trợ của một người bạn đang làm trong lực lượng quân sự Mỹ, một người sống ở Florida và một ở Tennessee.
Sau cuộc điện thoại tới cả hai nơi, người đàn ông ở Tennesee đã xác nhận tất cả thông tin và nhất là cái tên đầy đủ của mẹ tôi, đó là những gì tôi biết”, chị Lina kể.
Dẫu đã được thông báo trước mọi chuyện, nhưng Lina vẫn không nén được xúc động vào ngày mà chị nhận được cú điện thoại từ cha ruột. Tất cả nỗi nhớ nhung, mong đợi như vỡ òa dẫu có thể một giây trước đó cả hai còn là những người hoàn toàn xa lạ với nhau...
Chỉ một ngày sau cú điện thoại, cha chị đã cùng vợ chạy xe một mạch bảy giờ liền từ Tennessee đến nhà chị ở North Carolina. “Cha tôi đã không bỏ rơi tôi, ông chỉ không biết mình có đứa con gái này ở trên đời ngày ông về lại Mỹ. Quả thật điều này đã trút được gánh nặng mà bao lâu nay vẫn khiến tôi trĩu lòng”.
Và chị ríu rít kể về cuộc đoàn tụ: “Cả nhà ngồi quây quần trên bộ ghế sofa. Hai đứa con không ngớt cười vui khi trò chuyện cùng ông bà ngoại mới. Và cái ôm hôn đầy nồng ấm từ người cha trước giờ chỉ thấy trong mơ đã khiến tôi như mất ngủ đêm ấy”.
Tâm sự với Tuổi Trẻ qua email, ông Steve W. Noe, cha của Lina, viết: “Tôi vô cùng bất ngờ và thật sự xúc động khi biết mình có một người con gốc Việt, và người con ấy đã dành phân nửa cuộc đời để tìm kiếm mình. Nhưng dĩ nhiên tôi cũng rất buồn vì mình đã quá vô tâm trong ngần ấy năm trời...”.
Ông kể trước khi sang Việt Nam, ông đã có vợ tại Mỹ. Mối tình với cô gái Việt sớm kết thúc khi ông về nước, và sáu tháng sau người vợ tại Mỹ cũng đâm đơn ly dị. Giờ đây, người đàn ông từng là trung tâm nỗi bi kịch cho cả hai gia đình ở hai nơi cách nhau nửa vòng trái đất mong muốn được gửi lời xin lỗi tận đáy lòng, và mong có thật nhiều cơ hội để bù đắp cho con.
“Người vợ hiện tại tỏ ra hạnh phúc không kém gì tôi khi biết được điều này, chính bà đã một mực năn nỉ tôi cho đi cùng đến nhà Lina vào đầu tháng 10 qua. Con gái của người vợ đầu cũng rất háo hức và cho biết sẽ tới thăm Lina trong hai tuần tới, dẫu chuyện trước đây của tôi ở VN từng làm hai mẹ con rất buồn và thất vọng” - ông cho biết.
CÔNG NHẬT
Theo m.tuoitre.vn