Cô Trista Goldberg giúp đỡ bác Nguyễn Thị Điệp ở quận Thủ Đức, TP.HCM tìm kiếm thông tin người thân trong chương trình gặp gỡ trẻ babylift tại báo Tuổi Trẻ ngày 6-4-2010 - Ảnh: Thuận Thắng
Một chiều Sài Gòn gay gắt nắng, ngồi đối diện chúng tôi ở đại sảnh khách sạn Intercontinental Asiana Saigon là một phụ nữ người Mỹ gốc Việt - Trista Goldberg. Đã mấy chục năm xa Việt Nam, Trista vẫn giữ mái tóc đen óng ả dài chấm vai và làn da vàng đặc trưng của người châu Á. Cô gọi ly cà phê sữa đá.
“Tôi ra đi khi còn quá nhỏ nên hầu như không nhớ được gì về tuổi thơ của mình lúc ở Việt Nam. Nhưng hương vị ngọt ngào đặc biệt của cà phê sữa đá là nỗi ám ảnh dịu dàng theo tôi suốt những tháng năm trưởng thành ở Mỹ” - Trista nói. Từ nhỏ, cà phê sữa đá là thức uống Trista rất thích trước khi cô rời Việt Nam trong chiến dịch babylift (tháng 4-1975). Lúc đó, Trista mới 4 tuổi.
Thật ra, trong chuyến bay ấy Trista đi cùng em trai. Cậu bé ấy cũng được một gia đình bà con của cha mẹ nuôi Trista nhận về. Họ lớn lên như hai chị em họ. Nhưng từ nhỏ Trista đã được cha mẹ nuôi cho biết họ là chị em ruột thịt.
Tuổi thơ của Trista trôi qua êm đềm trong một gia đình trung lưu ở Philadelphia (bang Pennsylvania).
“Khi tôi biết nhận thức, bố mẹ nuôi đã cho tôi biết mình là con nuôi, là người gốc Việt Nam. Bước vào thời trung học, tôi bắt đầu ý thức được sự khác biệt của bản thân, một người gốc châu Á, với những bạn bè người da trắng xung quanh. Nhưng suốt nhiều năm dài tôi chối bỏ nguồn cội. Tôi không muốn tìm hiểu gì về quê cha đất tổ. Tôi muốn hòa vào xã hội Mỹ. Tôi nghĩ mình là một người Mỹ, không có liên hệ gì với Việt Nam. Thậm chí tôi còn không bao giờ muốn nhắc đến hai chữ Việt Nam” - Trista thừa nhận.
“Không thể chối bỏ nguồn cội”
Năm 2001, lần đầu tiên Trista quay trở lại Việt Nam cùng chị gái. Cô bảo: “Đó là một chuyến đi làm tôi choáng ngợp vì cảm xúc. Có quá nhiều cảm xúc. Khi đặt chân xuống mảnh đất quê hương, tôi ngỡ ngàng nhớ lại những mẩu ký ức thời thơ bé. Đó là vị ngọt thơm của cà phê sữa đá mà mẹ tôi thường cho tôi uống, bởi khi còn rất nhỏ tôi đã thích uống cà phê sữa đá. Tôi nhớ tiếng nước chảy róc rách ở con mương gần nhà. Sau đó tôi còn tiếp tục trở lại Việt Nam nhiều lần nữa để gần hơn mảnh đất mình sinh ra”.
Năm 1999, Trista lập gia đình. Khi bắt đầu một cuộc sống mới, cô gái Mỹ gốc Việt ấy dần dần mong manh những trăn trở, day dứt về quá khứ, về nguồn gốc của mình. “Tôi đặt ra những câu hỏi về Việt Nam. Đó là một đất nước như thế nào? Tại sao tôi lại không sống ở nơi mình sinh ra?... Cùng thời điểm đó, em trai tôi đến gặp và nói nó cũng khao khát tìm hiểu quá khứ, muốn tìm lại cha mẹ ruột của hai chị em. Vậy là tôi bắt đầu cuộc tìm kiếm lại quá khứ mà tôi từng chạy trốn, né tránh.
Đồng thời khi đó tôi cũng đã trưởng thành, hiểu biết nhiều hơn. Tôi tìm hiểu thông tin về Việt Nam nhiều hơn nên không còn cảm thấy bối rối, băn khoăn về màu da, màu tóc của mình nữa. Tôi hiểu rằng mình không thể chối bỏ nguồn cội. Tôi muốn cho các con biết rằng mẹ nó là người Việt Nam” - Trista kể và khẳng định.
Khi còn ở Việt Nam, Trista từng được một gia đình nhận về nuôi. Một thời gian ngắn sau, cha mẹ nuôi người Việt của cô cũng di cư sang Mỹ. Cha mẹ nuôi người Mỹ và cha mẹ nuôi người Việt của Trista thường xuyên liên lạc với nhau. Một ngày, Trista đến gặp cha mẹ nuôi người Việt và đặt vấn đề muốn tìm lại cha mẹ ruột. Cha nuôi người Việt của cô liền gọi điện về Việt Nam nhờ một người em tìm giúp.
“Chú ấy đã tìm đến khu nhà cũ nơi cha mẹ ruột tôi ở. Nhưng họ đã ra đi. Cuối cùng, ông tìm được một người bạn gái cũ của anh trai cả của tôi và được biết gia đình tôi đã sang Mỹ từ năm 1990” - Trista kể.
Ký ức cà phê
Năm 2001. Sau nhiều tháng tìm kiếm, dò hỏi, cuối cùng Trista cũng biết cha mẹ ruột cùng gia đình đang ở Hawaii. Một cái kết có hậu sau 27 năm dài chia ly. “Tôi đã lấy hết can đảm để đến gặp họ. Lúc đầu tôi rất căng thẳng. Nhưng khi gặp lại tôi không hề cảm thấy có sự xa lạ. Có thể tình cảm ruột thịt luôn có một sợi dây gắn kết bí ẩn, bạn có thể cảm nhận dễ dàng” - Trista nói. Lúc đầu cô bỡ ngỡ bởi không nói được tiếng Việt và phải nhờ phiên dịch. Nhưng các anh chị em của cô đều nói được tiếng Anh. Họ tiếp xúc hằng ngày với nhau, dần dần cảm thấy gần nhau hơn.
Trista bảo: “Tôi đã trải qua những cung bậc cảm xúc khác nhau. Những câu hỏi về thân phận, về quá khứ của tôi dần dần được trả lời trong cuộc gặp gỡ chờ đợi sau 27 năm ấy. Tôi có cảm giác những mảnh ghép của cuộc đời mình đã được chắp nối lại. Tôi khám phá rất nhiều điều thú vị và có ý nghĩa, ví dụ như việc ngón chân cái của tôi có hình dạng đặc biệt giống hệt ngón chân của mẹ tôi. Điều đó khiến tôi vô cùng hạnh phúc và cảm thấy cuộc tìm kiếm của mình đã thật sự có ý nghĩa lớn lao”.
Kết nối nguồn cội
Trước khi tìm được cha mẹ ruột, Trista thường lên mạng Internet để kết nối, trò chuyện với các bạn từng là trẻ mồ côi Việt Nam được đưa ra nước ngoài, cùng chia sẻ những trải nghiệm, suy nghĩ của một người con nuôi gốc Việt... “Cuộc hội ngộ với gia đình đã thôi thúc tôi làm điều gì đó để giúp đỡ những người bạn có hoàn cảnh như mình. Trong quá trình đi tìm cha mẹ mình, nhiều lúc tôi cảm thấy hoảng hốt như đi giữa một hoang mạc mênh mông, không biết đi về đâu. Thông tin cho những người như chúng tôi quá mong manh” - Trista nói.
Đó là lý do năm 2003 cô quyết định thành lập Tổ chức phi lợi nhuận Operation Reunite (Chiến dịch hội ngộ). Website http://operationreunite.org là nơi các thành viên chia sẻ thông tin, hình ảnh, những câu chuyện... để giúp nhau tìm lại quá khứ, tìm lại cha mẹ ruột. Trang web còn là nơi các con nuôi tìm hiểu thông tin về đất nước, con người Việt Nam. Ban đầu họ dùng Skype để liên lạc với nhau, sau đó dùng Facebook. Đến nay, Operation Reunite đã thu hút hàng ngàn thành viên, trong đó có nhiều người từng là trẻ babylift và cả con nuôi gốc Việt thế hệ sau này. Hiện trang web có hơn 10.000 lượt truy cập mỗi tháng.
Operation Reunite thường tổ chức nhiều buổi gặp mặt ở các thành phố tại Mỹ, Anh, Canada, Úc... để các con nuôi gốc Việt gặp gỡ, trò chuyện và cùng trao đổi thông tin về quá khứ, gia đình, Việt Nam. Trista thẳng thắn: “Thật ra có không ít con nuôi không muốn tìm lại cha mẹ mình. Họ chỉ muốn có những người bạn đồng cảnh ngộ. Nhưng cũng có rất nhiều người thật sự khao khát muốn tìm lại cha mẹ ruột. Khi tôi chia sẻ câu chuyện của mình, rất nhiều người háo hức và tiếp thêm hi vọng”.
Năm 2005, Trista cùng chị gái về Việt Nam để tìm lại gia đình của một người con nuôi thế hệ thứ hai. Đây là trường hợp bị đưa khỏi Việt Nam từ năm 9 tuổi. Gia đình nhận nuôi cô bé đã nhờ Trista tìm giúp cha mẹ ruột của bé. Cô đến Đà Nẵng, mang theo giấy tờ gốc của cô bé. “Tôi đến các bệnh viện, ủy ban nhân dân huyện, cơ quan công an... dò hỏi với ngọn lửa quyết tâm hừng hực” - cô kể. Và chỉ trong một ngày Trista đã tìm thấy cha mẹ ruột của cô bé. Vài tháng sau họ đã đoàn tụ với nhau. “Trải nghiệm đó càng giúp tôi tin tưởng vào mục đích và hoạt động của Operation Reunite” - Trista khẳng định.
Hiện Operation Reunite đã xây dựng được một ngân hàng dữ liệu ADN. “Hồi mới gặp lại cha mẹ ruột, tôi phải thử ADN cho chắc. Sau đó trong nhiều cuộc trao đổi với các thành viên tổ chức, một số người cũng đề nghị nên thành lập một ngân hàng dữ liệu ADN để các con nuôi có thể tìm lại cha mẹ ruột chính xác nhất. Bởi không phải ai cũng có giấy tờ đầy đủ. Việc tìm cha mẹ qua giấy tờ cũ là chuyện rất khó khăn” - Trista cho biết.
Cô may mắn có mối quan hệ tốt với các chuyên gia của Công ty gen Family Tree DNA ở Houston, Texas. Công ty này đã giới thiệu cho Trista công nghệ xác định ADN mới nhất trên thị trường. Cô tin tưởng: “Với xét nghiệm ADN, cơ hội tìm lại gia đình của một người nước ngoài gốc Việt sẽ lớn hơn rất nhiều.
Tôi hi vọng sẽ gây được quỹ cho hoạt động xét nghiệm ADN, bởi mỗi lần xét nghiệm tốn khoảng 250 USD. Các con nuôi ở Mỹ có thể trang trải số tiền này, nhưng nhiều người ở Việt Nam muốn tìm lại con cái đã thất lạc trong chiến tranh sẽ không thể trả được”.
Đầu tháng 4-2010, Trista tổ chức một chuyến về Việt Nam cho khoảng 50 trẻ mồ côi người nước ngoài gốc Việt. “Tôi hi vọng chuyến đi sẽ là dịp tốt nhất để họ cảm nhận về Việt Nam và tìm kiếm được những mảnh ghép về cuộc đời mình để khép lại quá khứ”.
HIẾU TRUNG - MY LĂNG - MINH HUỲNH
Theo tuoitre.vn