Việt Nam  | 
English
   Trang chủ    Tin tức    Trường hợp đang tìm
Trường hợp đang tìm
Chàng trai 4 năm đi tìm gia đình cho “người dưng đã chết”
Timnguoithatlac.vn là dự án xã hội của Bionet Việt Nam, hỗ trợ tìm người thất lạc miễn phí ở các mảng: tìm người thân thất lạc (bao gồm: người đi lạc, người mất tích, babylift, người già đi lạc, người tâm thần đi lạc…), tìm thông tin liệt sỹ (tìm mộ liệt sỹ, tìm thân nhân liệt sỹ) và tìm bạn.

 

 

 

 

 

Phạm Văn Lương bên mộ người em kết nghĩa đã chết

 

Lương tự nhận mình có “duyên” với các vụ tai nạn giao thông và trở thành Lục Vân Tiên bất đắc dĩ cứu giúp người gặp nạn. Và có lẽ số phận đã luôn sắp đặt cho anh những tình huống oái oăm mà nếu là người bình thường thì chắc chắn đã bỏ cuộc...

Lẽ thường, người ta chỉ nhận người sống là anh em kết nghĩa chứ chưa bao giờ có tiền lệ kết nghĩa với một người đã chết. Vậy mà Phạm Văn Lương (SN 1984, tại Vĩnh Bảo, Hải Phòng) lại làm cái điều được cho là ngược đời này. Người em nuôi đặc biệt của Lương là một nạn nhân trong một vụ tai nạn giao thông được Lương vô tình gặp trên đường và đưa vào viện, bỏ công chăm sóc, rồi đứng tên lo đầy đủ các thủ tục chôn cất chu đáo khi không tìm được thân nhân.

Từ chuyện hoãn cưới và đặt tên cho người đã chết

Câu chuyện kỳ lạ và xúc động này bắt đầu vào một ngày cuối năm 2009. “Đến bây giờ, thi thoảng trong những giấc mơ mị giữa đêm khuya, tôi lại thấy mình quay lại quá khứ, thấy lại thời khắc người thanh niên đó nằm sõng soài trên đường Phạm Hùng, khắp người đầy máu, máu chảy tràn mặt, ướt đẫm áo nạn nhân. Tôi gần như phải thét lên khi thấy mọi người xung quanh chỉ đứng đó chỉ trỏ, bàn tán: “Trời ơi, sao không ai lao vào xem người ta có còn sống không?”. Tôi chạy đến, bấm huyệt nhân trung, đặt tay lên tim nạn nhân và thấy người này vẫn thở”.

Hết nâng lên lại đặt xuống chén trà đặc đã nguội, Lương nhớ lại: “Tôi bế thốc nạn nhân lên, gần như phải đứng chặn giữa đường để kêu gọi, hy vọng một chiếc ô tô nào đó sẽ dừng lại. Nhiều chiếc vòng tránh qua nhưng cũng có một chiếc taxi dừng lại. Lái xe phụ giúp tôi đưa nạn nhân đi cấp cứu tại Bệnh viện 198”. Trong túi quần nạn nhân thấy còn 55 nghìn đồng và một chùm chìa khóa, không có giấy tờ tùy thân. Vào đến viện, Lương mới lục đến túi mình thêm được chưa đến 200 nghìn đồng để làm thủ tục nhập viện.

Gần 10 ngày nạn nhân tai nạn giao thông này nằm viện, Lương túc trực bên cạnh, chạy đôn đáo lo các thủ tục giấy tờ nhập viện và điều trị. Hết tiền, Lương ăn cơm từ thiện bệnh viện hoặc gặm mỳ tôm sống. Ngay cả việc vệ sinh cá nhân hàng ngày cho nạn nhân, Lương cũng không ngần ngại. Chu đáo đến mức nhiều bác sĩ, bệnh nhân trong viện cứ ngỡ Lương là thân nhân của người bệnh.

Thời điểm bấy giờ, Lương đang tất bật chuẩn bị cho ngày cưới của mình nhưng nhìn khuôn mặt chàng thanh niên mới còn trẻ đã nằm mê man trên giường bệnh, thập tử nhất sinh anh thấy nhói lòng và quyết định gác mọi chuyện để tìm thân nhân cho người gặp nạn. Giây phút người thanh niên này qua đời, Lương là người duy nhất ở bên cạnh, sau đó cũng chỉ một mình Lương đứng lên thuê thầy pháp về cầu siêu và xe ô tô để lo mai táng chu đáo cho nạn nhân. Để hợp thức hóa việc chăm sóc phần mộ, Lương lên chùa nhờ các thầy làm lễ kết nghĩa anh em và lấy họ của mình đặt tên cho người em đặc biệt này là Phạm Văn Duy.

“Khi nạn nhân hấp hối, các bác sĩ nói với tôi rằng, “thôi, còn nước còn tát”, vào thủ thỉ với người ta, có thể một phần nghìn nào đó đánh thức nạn nhân. Tôi nghe lời, vào thủ thỉ với nạn nhân, nhận em làm em trai và xin hứa sẽ bằng mọi giá phải tìm được thân nhân cho em”, Lương nhớ lại.

Gần 4 năm trôi qua kể từ vụ tai nạn kinh hoàng ấy, Lương đã gọi hàng nghìn cuộc gọi ở khắp nơi để tìm manh mối nạn nhân, viết đơn lên khắp các cơ quan công an có thẩm quyền mong được giúp đỡ. Ngay cả việc nhờ đến các nhà ngoại cảm Lương cũng không ngần ngại. Lương bảo, ngày ấy cứ vác "con" xe máy cà tàng đi khắp Hải Dương, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình... cứ hễ có ai mách gì là đều thực hiện theo, chỉ mong có một chút manh mối dù nhỏ nhất về gia đình nạn nhân.

Điều khó khăn nhất trong hành trình đi tìm thân nhân cho người em đặc biệt của mình là nạn nhân không hề có bất cứ một giấy tờ tuy thân nào, ngày bị tai nạn khuôn mặt người thanh niên này cũng bị biến dạng và phù nề do va chạm nên tất cả những cố gắng của Lương đến giờ vẫn chỉ là con số 0 tròn trĩnh.

Dẫn chúng tôi đến khu A5, nghĩa trang Văn Điển (Hà Nội) để tìm hiểu thêm thông tin về nạn nhân xấu số này, Lương trầm ngâm bởi lời hứa tìm lại tên thật cho nạn nhân vẫn chưa thực hiện được. Ngôi mộ nằm lẫn với những với nấm mộ vô danh khác, nhưng thay vì phải đánh số thì có bia mộ đề tên, ngày mất, duy có dòng thông tin về ngày tháng năm sinh thì vẫn để trống. Lương bảo, ngày rằm, lễ tết anh đều đến đây nhang khói để người nằm dưới mộ không cảm thấy cô đơn và lạnh lẽo.

Người quản trang ở nghĩa trang Văn Điển mới đầu còn không tin khi chúng tôi tiết lộ thông tin về mối quan hệ thực sự giữa Lương và nấm mồ vô danh kia: “Trong hơn chục năm làm nghề này, tôi chưa gặp một trường hợp nào kỳ lạ như cậu ấy. Nhiều ngôi mộ ở đây có thân nhân tử tế mà mấy mươi năm chả thấy con cháu đến thắp cho một nén nhang. Còn Lương thì đến đây nhiều đến nỗi tất cả chúng tôi không ai là không nhớ mặt. Đúng là rất hiếm người chu đáo như cậu ấy - đặc biệt lại chu đáo với một người đã chết không thân nhân...”.

Chuyện lẽ phải, chuyện đạo lý…


Lý giải cho tất cả những hành động kỳ quặc của mình, Lương cho rằng đó là cái duyên mà cuộc sống sắp đặt. Hàng chục năm qua, Phạm Văn Lương còn được nhiều người biết đến như một anh hùng giữa xa lộ. Bởi hễ gặp ai bị tai nạn giao thông, dù ở đâu, làm gì anh cũng đều tận tình cứu giúp, đưa người bị nạn vào bệnh viện. Nhiều trường hợp, Lương bỏ tiền túi chữa trị hoặc cất công chăm sóc khi nạn nhân chưa tìm được thân nhân. Bây giờ nhẩm tính, Lương cũng không nhớ nổi mình đã cứu giúp bao nhiêu người trong hoàn cảnh thập tử nhất sinh. Nhiều người còn ví Lương là kẻ thù của thần chết, bởi nhiều trường hợp nếu không có Lương đưa đi cấp cứu kịp thời thì có lẽ không thể qua khỏi.

Điển hình là trường hợp của Quỳnh, bị tai nạn ở khu vực Cát Linh. Thời điểm vụ tai nạn xảy ra vào nửa đêm. Con phố vắng tanh vắng ngắt, Quỳnh say rượu nên tông trực diện vào cột đèn nằm bất tỉnh giữa đường, máu mũi chảy ra, người bị trầy xước và ướt đầm đìa máu. Một số người dừng lại, đứng xem nhưng không ai có ý định đưa nạn nhân đi cấp cứu, có việc đi ngang qua Lương không ngần ngại bắt xe và đưa người bị nạn vào bệnh viện. Gần một năm sau ra viện Quỳnh mới tìm được thông tin của Lương qua báo chí và nằng nặc nhận Lương làm anh trai.

Hay trường hợp của Chung (Kim Mã – Hà Nội) nếu không được Lương đưa đi cấp cứu kịp thời thì có lẽ là đã không thể qua khỏi. Đến giờ, Chung vẫn nhận Lương là anh em kết nghĩa, ân nhân của mình vì nếu không nhờ có hành động nghĩa hiệp của Lương thì có lẽ anh đã không thể qua khỏi.

Có những vụ tai nạn mà người gặp nạn bị biến dạng nặng nề, thậm chí là cánh tay chân bị nghiền nát đến nỗi người bình thường không ai dám nhìn, Lương cũng không ngần ngại xốc vác đưa đi cấp cứu.

Lương tâm sự: “Tôi thừa nhận, giúp đỡ người gặp rủi ro trong tai nạn giao thông cũng mang lại không ít phiền phức như người nhà nạn nhân truy hỏi, đôi khi còn bị nghi ngờ là người gây tai nạn. Nhưng tôi chỉ nghĩ đơn giản, cứu một mạng người là lẽ phải làm và đạo lý mà bất cứ ai nếu gặp trường hợp như tôi cũng sẽ sẵn sàng giúp đỡ...”.

Nỗi trăn trở khôn cùng của người anh kết nghĩa

Điều trăn trở lớn nhất với Lương hiện tại là thông qua báo chí có thể tìm được chút thông tin về người em nuôi bạc mệnh Phạm Văn Duy để phần nào thực hiện được lời hứa mà anh vẫn trăn trở và ám ảnh suốt bao nhiêu năm qua... Thứ nữa là anh mong các cơ quan chức năng có thẩm quyền, xác nhận về mặt pháp lý để anh có thể đứng tên lo các thủ tục mai táng theo đúng phong tục của Việt Nam.

“Sau khi Duy qua đời, thi thể em được bảo quản trong viện 19/8 để phục vụ công tác điều tra. Sau 13 ngày, do không tìm được người nhà nạn nhân nên tôi cùng cơ quan Công an huyện Từ Liêm đã đưa nạn nhân đi an táng tại khu 5A, nghĩa trang Văn Điển, số mộ 582. Khi đưa nạn nhân đi an táng, lúc đó do không biết về thủ tục an táng tại nghĩa trang nên tôi cũng như cơ quan Công an không làm thủ tục để được cấp thẻ mộ cho nạn nhân.

Tất cả những việc tôi giúp đỡ nạn nhân đều xuất phát từ tâm của tôi và cá nhân tôi tự đứng lên để làm. Những việc tôi đã làm đã được các bác sĩ khoa Hồi sức cấp cứu bệnh viện 19/8 chứng nhận; các cơ quan báo chí đưa tin, bài. Tới thời điểm bây giờ, sau bốn năm nạn nhân vẫn chưa có người nhà đến nhận. Vì vậy, tôi muốn xin được chuyển phần mộ của nạn nhân về địa phương nơi tôi sinh sống, ở đây có gia đình của tôi nên sẽ thuận tiện việc chăm lo phần mộ cho người đã khuất. Đây là việc làm lâu dài, bởi lẽ hiện tại tôi vẫn tiếp tục tìm kiếm người thân cho nạn nhân nhưng kết quả không khả quan.

Tôi đã đến Nhà Tang lễ Thành phố Hà Nội để xin làm thủ tục chuyển mộ và được Ban Tang lễ hướng dẫn về cơ quan Công an huyện Từ Liêm để xin quyết định được chuyển mộ.

Khi tôi tới Công an huyện Từ Liêm để gửi đơn thì được trả lời là: Bên Công an đã chuyển tất cả thủ tục sang bên Ban Tang lễ Thành phố Hà Nội và bên Tang lễ chịu trách nhiệm giải quyết. Bên cơ quan Công an, người trực tiếp điều tra vụ án, họ chỉ viết giấy chứng nhận sự việc của tôi và đóng dấu rồi hướng dẫn tôi chuyển đơn sang bên Ban Tang lễ Thành phố.

Một lần nữa tôi trở lại Ban Tang lễ Thành phố thì nhận được câu trả lời: Không có giấy quyết định của Công an thì không giải quyết”.
 
Đặc điểm nạn nhân trong vụ tai nạn giao thông mà anh Lương đang tìm thân nhân: Nam thanh niên tuổi từ 23-27. Cao 1m72, thể trạng người gầy, sống mũi thẳng; mặc áo sơ mi kẻ vàng đen, áo khoác vải bò màu đen, quần bò màu xanh.
 

Nạn nhân khi đang điều trị trong bệnh viện (Ảnh do anh Lương cung cấp)

Nạn nhân khi đang điều trị trong bệnh viện (Ảnh do anh Lương cung cấp)
 
Nạn nhân bị tai nạn giao thông vào ngày 20/12/2009 trên đường Phạm Hùng - Hà Nội. Ai biết thông tin về nạn nhân, xin báo về cơ quan CSĐT công an huyện Từ Liêm, SĐT: 0437642774; 0438373022 hoặc Phạm Văn Lương, ĐT: 0978663005.

Xuân Ngọc - Hà Trang

Theo dantri.com.vn

Các tin khác