"Chiến tranh tuy đã lùi xa, nhưng biết bao bà mẹ mất con, vợ mất chồng, con mất cha vẫn luôn có một nỗi niềm khắc khoải - đó là tìm được hài cốt người thân để đưa về quê nhà. Nỗi khát khao ấy cũng là trách nhiệm của mỗi người lính Ðội quy tập K71 chúng tôi nói riêng và những người lính làm nhiệm vụ quy tập liệt sĩ nói chung"- Thượng tá Lê Văn Mỹ, Chính trị viên Ðội K71 thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Tây Ninh tâm sự.
Trách nhiệm với nỗi niềm khắc khoải
13 năm qua, bước chân của họ đã in trên khắp các nẻo đường của năm tỉnh, thành phố nước bạn Cam-pu-chia: Kông-pông-chàm, Siêm-riệp, Bát-tam-boong, Óc-đo-miên-chay và Bân-tia-miên-chây. Ðội K71 có hơn 60 cán bộ, chiến sĩ, trong đó có 17 đảng viên với nhiệm vụ chủ yếu là tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ ở Cam-pu-chia về nước. Ðã bao lần cán bộ, chiến sĩ người thì ra quân hoặc chuyển công tác, người thì mới bổ sung, nhưng Chính trị viên Lê Văn Mỹ thì vẫn gắn bó với trách nhiệm của mình. Quê anh ở xã Gia Lộc, huyện Trảng Bàng (Tây Ninh). Tháng 2-1982 anh tham gia du kích xã, hai năm sau anh vào bộ đội, học Trường Quân chính của Bộ CHQS tỉnh rồi về công tác ở Ban CHQS huyện Trảng Bàng và Phòng Chính trị Bộ CHQS tỉnh.
Từ năm 2000, Chính trị viên, Bí thư Chi bộ Lê Văn Mỹ cùng anh em trong nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ ở Cam-pu-chia về nước. Ngày nối ngày, năm này qua năm khác, các anh đã tìm kiếm dọc ngang những cánh rừng còn hoang vắng, những phum, sóc xa xôi hẻo lánh ngay bên cạnh biên giới giáp Thái-lan. Ðịa bàn rộng và phức tạp, thi hài liệt sĩ lại chôn cất phân tán trong rừng sâu nên việc xác định vị trí mộ chính xác để tìm kiếm hết sức khó khăn, phức tạp. Bên cạnh đó, thời gian trôi qua đã quá lâu, gió mưa khắc nghiệt đã khiến các ngôi mộ không những bị xê dịch mà còn bị bào mòn, biến dạng đi rất nhiều so với sơ đồ mộ chí mà đồng đội đã cung cấp. Ðó là chưa kể nhiều ngôi mộ đã bị san phẳng hoặc bị cuốn trôi.
Thượng tá Mỹ chia sẻ: Trong quá trình tìm kiếm, phần lớn các nhân chứng, những người trực tiếp chôn cất hay chăm sóc các phần mộ đã già yếu, không đi lại được hoặc không còn nữa. Nếu không chạy đua với thời gian để đưa các liệt sĩ trở về thì sẽ không kịp, bởi chỉ chậm một chút thôi, có thể những manh mối ít ỏi nhất cũng sẽ không được tìm thấy. Khi đó, các liệt sĩ sẽ phải mãi mãi nằm lại nơi đất khách, quê người. Bởi vậy, mỗi cuộc hành trình, mỗi câu chuyện tìm người thân của từng gia đình đều đong đầy tình cảm thiêng liêng, sâu sắc của người sống dành cho người đã hy sinh, đầy hy vọng và cũng cả vô vọng.
Những kỷ niệm khó quên
Trong quá trình tìm kiếm, các anh luôn phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, nào là sốt rét, bom đạn sót lại, thiếu lương thực, có những lúc áo quần hàng tuần không được tắm giặt. Một trong những khó khăn luôn thường trực với các anh là thiếu nước sinh hoạt. Nếu thiếu gạo còn nhịn được một hai ngày rồi tìm mua, thiếu nước giữa cái nắng nóng nơi núi rừng thì thật khủng khiếp. Với người lính Ðội K71, nước suối luôn là người bạn đồng hành của họ, thế nhưng nhiều khu vực để tìm được một chút nước cũng hết sức khó khăn. Nhờ có tình đồng đội, đồng chí luôn là nguồn động viên họ vượt lên mọi khó khăn, gian khổ.
Có nhiều kỷ niệm mà anh em trong đội khó quên, như lần đi tìm mộ các liệt sĩ Ban Cơ yếu Chính phủ tại phum Tà-tuốt, huyện Mê-mốt, tỉnh Kông-pông-chàm. Sau khi xác định vị trí, anh em trong đội đã đào đi, đào lại tới 12 lần với hàng trăm khối đất nhưng vẫn không tìm thấy. Khu vực đào khá xa nhà dân, nước uống, lương thực đem theo đã hết mà không khí trong rừng thì oi bức, ngột ngạt. Trước tình hình ấy, Chính trị viên Lê Văn Mỹ cùng cấp ủy, chỉ huy đội động viên anh em kiên trì, không nản chí. Các anh chia ra hai bộ phận, một nửa tiếp tục đào tìm, một bộ phận khác đi vào các phum, sóc tìm dân xin giúp đỡ lương thực, nước uống và nắm thêm thông tin.
Như có các liệt sĩ mách bảo, các anh tìm gặp được một cụ già đã gần 90 tuổi nhưng còn khá minh mẫn. Ông nằm trên võng không đi lại được, chân sưng tấy do bị heo rừng cắn đã ba tháng nay. Anh em liền khám rồi băng bó lại vết thương, cho thuốc uống. Ông già cho biết, nơi đội đang đào tìm là khu vực Mỹ đã ném bom B52 năm 1971. Bộ đội Việt Nam chôn ở trong khu đất trồng mì, xe mô-tô cũng không vào được do đường rừng rất khó đi. Ðược anh em thuyết phục, ông vui vẻ nhận lời và nằm võng để anh em khiêng ông đến vị trí. Ði từ sáng sớm đến ba giờ chiều thì tới nơi như ông nói. Anh em phấn khởi đào quên cả mệt nhọc, đói khát và giờ giấc. Ðến 19 giờ, hài cốt thứ tám được đào lên, anh em xúc động thắp hương rồi lặng lẽ ôm nhau khóc.
Một kỷ niệm nữa ở phum Sô-ri-đa huyện Mê-lai tỉnh Bân-tia-miên-chây, các anh đã đào tìm được 13 hài cốt liệt sĩ. Ðây là khu vực mà người dân và chính quyền trước đây phần lớn là theo Khơ-me đỏ nên họ biết hài cốt nằm ở đâu nhưng không chỉ chỗ. Các anh đã cùng ăn, cùng ở với họ, trò chuyện, tổ chức khám, chữa bệnh, vệ sinh phum, sóc, cắt tóc cho đàn ông và trẻ em... Cảm phục nghĩa tình Bộ đội Việt Nam, họ không những đã chỉ đường mà còn lặn lội không kể mưa gió, đi xe máy hai, ba trăm km, thậm chí mang cả võng mắc nghỉ dọc đường để giúp các anh tìm được hài cốt liệt sĩ. Trước sự nhiệt thành của người dân, anh Mỹ đã đề nghị cấp trên khen thưởng kịp thời cho ba người trong chính quyền phum và hai người dân.
Suốt 13 năm qua, Ðội K71 đã vượt mọi khó khăn, gian khổ, kiên trì bới từng nắm đất để nhặt nhạnh phần ít ỏi hài cốt liệt sĩ còn lại, thậm chí chỉ là một vài vốc đất đen... Và họ, những người lính K71, vẫn đang lặng lẽ lên đường...
* Không biết bao nhiêu mồ hôi, công sức, máu và nước mắt của cán bộ, chiến sĩ Ðội K71 đã đổ xuống, "thấm mềm" những miền đất khô khốc ở nước bạn, mới đưa được 1.723 bộ hài cốt của các liệt sĩ về với gia đình, với Ðất Mẹ.
Bài và ảnh: LÊ QUÝ HOÀNG
Theo cand.com.vn