“Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh” – câu nói này càng thấm thía hơn với chúng tôi, những người hàng ngày tiếp nhận thông tin tìm người thất lạc từ khắp mọi miền đất nước gửi đến dự án.
Mỗi cá nhân, mỗi gia đình thất lạc người thân đều có những hoàn cảnh, thời gian, địa điểm, tâm tư, tình cảm riêng biệt. Nhưng tựu chung lại, dù trong hoàn cảnh, giai đoạn nào, tiếng gọi thôi thúc của tình ruột thị, của những con người chung một dòng máu luôn ngầm thúc giục con người ta hướng về cội nguồn, huyết thống chung. Thế mới thấm cái tình ruột thịt ấy thiêng liêng lắm, bởi “một giọt máu đào hơn ao nước lã”. Nhất là trong trường hợp những người bị thất lạc từ nhỏ, chỉ có chút gợi nhớ gì mang máng, thậm chí không còn nhớ gì về người thân. Hầu hết họ đều bày tỏ rằng: dù cuộc sống hiện nay của họ có thành đạt hay chưa, hạnh phúc hay không, nhưng tận sâu trong tâm thức họ, luôn có gì đó thiếu vắng, luôn có 1 tiếng gọi tìm về cội nguồn vang vọng và âm ỉ. Tiếng gọi đó lớn dần lên từng ngày, để 1 ngày nào đó thúc giục họ đứng lên liên lạc với chúng tôi với mong mỏi thiết tha tìm được gia đình, được đoàn tụ sau bao tháng ngày chia cách.
Những người con lớn lên khắc khoải từng ngày bởi thiếu thốn hơi ấm dòng sữa của mẹ, tình yêu qua lời dạy của cha, tiếng cười đùa của anh chị em họ hàng ruột thịt, liệu bao nhiêu ngày tháng ấy có được nhẹ nhàng? Thực sự, người không cùng hoàn cảnh khó có thể cảm nhận hết được những cảm giác họ đã phải trải qua. Họ có thể cố tình chối bỏ, có thể tạm quên đi, có thể hiển hiện sự mất mát thiếu thốn ấy ra bên ngoài hay cố tỏ ra mình rất ổn… tựu chung lại cũng chỉ là những cơ chế phòng vệ yếu ớt mà những đứa trẻ ngày ấy tạo ra để bảo vệ bản thân khi cảm thấy đơn độc, khó chia sẻ. Tận sâu trong đáy lòng họ, dù đã nhiều tuổi, vẫn thấy mình bơ vơ như đứa trẻ lạc mẹ ngày nào.
Xin nêu ra 1 vài trường hợp tiêu biểu mà nhân qua bài viết này, tôi mong muốn có thêm cơ hội để mọi người hiểu thêm và đồng cảm với những hoàn cảnh thất lạc người thân từ khi còn nhỏ, để hiểu hơn về họ - có thể là những người sống ngay cạnh bạn - đồng cảm với những niềm riêng họ đang phải trải qua, cùng giúp họ tìm ra phương cách truyền thông tin và biện pháp tìm kiếm tốt nhất.
Trường hợp của bác Hòa ở Đống Đa, Hà Nội là 1 ví dụ về hoàn cảnh thất lạc bởi nạn đói năm 1945. Bác sinh năm 1943, vì gia đình quá đói, mẹ bác phải để lại đứa con gái rứt ruột đẻ ra khi ấy mới 3 tuổi, cùng đôi quang gáng và túi cơm nắm khoai sọ cạnh cây đa làng Bồ Đề, Gia Lâm, Hà Nội mong có ai thương tình đem về nuôi giúp. Rồi đứa trẻ may mắn cũng được 1 người tốt bụng đi qua thấy thương đứa trẻ xinh xắn, bị bỏ lại nên nhận về nuôi. Bác còn nhớ mẹ bác thường mặc áo nâu gụ, dáng cao, hồi đó khoảng 22-24 tuổi. Bao năm qua, dù đã lớn lên, lấy chồng, sinh con và các con đều đã khôn lớn, thành đạt, nhưng nỗi khắc khoải về người mẹ thân yêu và gia đình vẫn luôn thường trực trong niềm mong mỏi của bác.
Trường hợp thứ 2 là bác Tỉnh, quê Thanh Hóa. Bác cũng thất lạc gia đình trong loạn lạc 1945 khi mới 3-4 tuổi. Theo thông tin được bố mẹ nuôi kể lại, hồi nhỏ bà rất gầy gò, mặc 1 chiếc áo hoa và biết 1 câu chửi miệng là "cật cật xư bố mày". Bác bị bắt cóc hoặc được nhặt nuôi ở thành phố Thanh Hóa và may mắn được nhận nuôi trong một gia đình nhà giáo tại đây. Bao năm, bác luôn có ý tìm lại gia đình nhưng không dám công khai sợ cha mẹ nuôi buồn lòng. Hiện cha mẹ nuôi đã mất, bác đang sống cùng con gái và con rể tại Duy Tiên, Hà Nam.
(Ảnh bác Hòa lúc 8 tuổi, chụp ở chợ quê)
Bác Hòa và bác Tỉnh đều đã lớn tuổi, song hi vọng tìm được gia đình, nguồn cội vẫn không hề nguôi ngoai. Tuổi cao, bác Hòa nhờ con trai còn bác Tỉnh cùng con rể lặn lội từ Hà Nam đến văn phòng Bionet Việt Nam xét nghiệm gửi mẫu ADN vào ngân hàng gen và cung cấp thông tin trên timnguoithatlac.vn nhờ giúp đỡ tìm lại gia đình. Đôi tay đã run run, đôi mắt đã không còn tươi trẻ nhưng vẫn ánh lên những hi vọng đau đáu tìm về cội nguồn. Những kí ức, những kỷ vật, những bức ảnh còn lưu giữ lại, bác trao cho chúng tôi như sợ 1 lúc nào đấy mình không còn khả năng lưu giữ được chúng nữa. Các bác trao lại như trao gửi niềm tin, mong mỏi nặng trĩu tháng ngày. “Bác đã sống từng này tuổi rồi, cũng không còn mong muốn gì nữa ngoài việc tìm lại gia đình và anh chị em họ hàng. Không biết mọi người đang sống ra sao, chỉ mong 1 lần được gặp lại, được nhìn thấy… là bác yên lòng rồi”.
(Ảnh bác Hòa 16 tuổi chụp cùng bạn hàng xóm)
Với sự hướng dẫn tận tình của nhân viên tư vấn Bionet và thành viên dự án hỗ trợ Tìm người thất lạc, 2 bác đều sử dụng phương pháp tìm người thất lạc qua ngân hàng gene BDDBank của Bionet Việt Nam và đăng hồ sơ tìm kiếm miễn phí trên timnguoithatlac.vn.
Ưu điểm của hệ thống kết hợp này là có thể tìm kiếm người thân 1 cách chính xác và hiệu quả mà không cần nhớ rõ thông tin, nhất là trong trường hợp của bác Hòa và bác Tỉnh. Tuy nhiên, phương pháp này cần có cả 2 chiều, các bác - người đi tìm và người bác cần tìm (có quan hệ huyết thống) cùng gửi ADN vào ngân hàng gene. Vì vậy, tuy ngân hàng gene do Bionet Việt Nam xây dựng có ưu điểm và hiệu quả lớn nhưng cũng cần dự kết hợp và ủng hộ của toàn xã hội để có thể phục vụ tốt nhất cho cộng đồng, nhất là những người đang mong muốn tìm người thân thất lạc.
“Vì sự đoàn tụ của gia đình Việt” – chúng tôi mong các bạn hãy cùng chung sức vì sứ mệnh cao cả này.