Bé Nguyễn Thị Thu Thảo (trái) và mẹ năm 2009 (ảnh do gia đình cung cấp).
Trưa chủ nhật 20-5, từ xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng (tỉnh Bình Dương), phải đi gần 100km, chị Võ Thị Hường đến Báo Đồng Nai nhờ đăng tin đứa con gái duy nhất của chị bỗng dưng biệt tăm hơn 18 tháng qua.
Với lá đơn cầu cứu mà nét chữ mờ nhòe vì khi viết, nước mắt khổ đau của người mẹ mất con liên tục rơi xuống. Gặp chúng tôi, chị Hường nghẹn ngào nói: “Suốt thời gian qua, không đêm nào tôi ngủ trọn giấc. Mỗi lần đặt lưng xuống giường là hình ảnh đứa con gái bé bỏng mới 14 tuổi (sinh năm 1998) của tôi lại hiện lên. Từ ngày không còn được gặp nó, tôi chẳng còn tâm trí nào để làm ăn, sinh sống nữa. Hơn 500 ngày rồi, tôi lặn lội không biết bao nhiêu quãng đường, kể cả ngang cùng, ngõ hẹp để tìm kiếm con, nhưng cái ngày đoàn tụ ấy sao mà xa vời quá...”. Nói đến đây, chị Hường ngừng lại, cả thân mình chùng xuống, mắt nhìn lơ đãng vào khoảng trống, khiến cơ thể của người phụ nữ 40 tuổi tiều tụy đến xót xa.
Ngày định mệnh đớn đau
Khi bé Nguyễn Thị Thu Thảo được 8 tuổi, người cha có cuộc sống mới, để lại đứa con nhỏ cho chị Hường nuôi. Quê Quảng Trị, gia đình dòng họ ở xa nên nhiều lúc gặp khó khăn, cô đơn chị chỉ biết khóc thầm. Nén nỗi đau về chuyện đời tư, chị Hường làm đủ mọi nghề, ai thuê cũng nhận hòng có đủ thu nhập nuôi con nhỏ. Bé Thảo lớn lên từng ngày trong vòng tay yêu thương của mẹ. Thảo học chỉ thuộc loại khá, nhưng bù lại rất chăm ngoan, thương mẹ. Năm 2009, khi ấy Thảo mới 11 tuổi nhưng đã ra dáng thiếu nữ, xinh đẹp, nết na. Ở vùng quê, ngay cạnh nhiều vườn cao su rộng lớn, vì luôn sợ Thảo bị kẻ xấu dụ dỗ, nên chị Hường lúc nào cũng nhắc nhở con cẩn thận trong giao tiếp. Ngay cả việc học của Thảo, chị Hường cũng theo sát và động viên con cố gắng học hành nên người.
Thảo dường như hiểu rõ tình cảnh của người mẹ đơn độc, nhiều năm ở vậy nuôi con nên em lúc nào cũng tỏ ra có hiếu. Tuy nhiên, chẳng ai ngờ được cái ngày định mệnh kia đã chia lìa hai mẹ con. Sáng 2-11-2010, Thảo mặc đồng phục của trường THPT Thanh An, huyện Dầu Tiếng để đi học hát. Đến giờ cơm trưa, đợi mãi không thấy Thảo về, chị Hường tất tả tới trường thì nơi đây vắng tanh, học sinh đã về hết. Hoảng hốt, chị Hường tìm hỏi tất cả nhà bạn bè, thầy cô của Thảo nhưng đều không thấy. Một ngày, một tuần rồi tháng tháng trôi nhanh, trong căn nhà nhỏ có người phụ nữ chờ con, hình bóng của bé gái yêu của chị Hường cứ ngày một xa mãi.
Chị Hường làm đơn báo con mình mất tích gửi các nơi, từ xã lên đến tỉnh đề nghị tìm giúp, nhưng chẳng có kết quả. Thời điểm Thảo ra đi một cách bí ẩn, chị Hường kiếm sống bằng nghề bán nước ven đường. Thế là sau đó, chị bỏ tất cả, tiến hành cuộc hành trình tìm con trong vô vọng. Từ một người không biết đi xe gắn máy, chị học thành thạo, rồi rong ruổi khắp nơi kêu cứu.
Bao giờ mẹ gặp lại con?
Ký ức về một quãng đời nuôi con một mình, chị Hường nhớ như in những lần Thảo đau ốm, nhà nghèo nhưng rồi mẹ con đều vượt qua. Thế nên khi Thảo đi rồi, người mẹ hoàn toàn sụp đổ. Thời gian đầu, không ít lần ra đường, thấy đứa trẻ nào cùng lứa với con mình, chị Hường muốn chạy lại ôm chặt để cho vơi đi những mất mát. Những khi nhớ con, chị đã muốn trầm mình dưới dòng sông, hoặc lao đầu vào dòng xe đông đúc để giải thoát nỗi đớn đau tột cùng của thân phận người mẹ mất con. Nhưng lần nào cũng vậy, hình ảnh bé Thảo với nụ cười xinh xắn lại ở trước mặt nên chị nén nỗi cùng quẫn để trở về thực tại.
Hàng ngàn km đã đi, chính là cuộc hành trình tìm con của chị Hường, bắt đầu từ Bình Dương về Quảng Trị và đến các địa phương khác nơi có anh em, họ hàng sinh sống. Riêng ở TP.Hồ Chí Minh, chị Hường đi về không dưới trăm lần để đến gõ cửa các cơ quan báo chí, công an và cả những trung tâm bảo trợ xã hội gửi đơn cầu cứu, kèm ảnh của Thảo, với hy vọng sớm gặp lại con. Song, thời gian cứ lẳng lặng qua đi mà tin tức về bé Thảo vẫn mờ mịt. Nói về linh cảm của người làm mẹ, chị Hường khẳng định, con chị không thể tự bỏ nhà đi. Bởi, Thảo không phải đứa trẻ hư hỏng. Trước khi bé Thảo mất tích ít ngày, do cảm thấy có điều gì đó rất khác thường nên chị Hường đã dặn dò con phải nhớ số điện thoại của mình, phòng khi gặp sự cố không may thì liên lạc. Không ngờ, “điềm gở” mà trực giác của người phụ nữ nhận biết lại là sự thật. Theo chị Hường, rất có thể bọn bắt cóc đã đem bé Thảo ra nước ngoài, vì trước đây đã có nhiều trường hợp tương tự xảy đến với trẻ em ở nhiều địa phương trên cả nước. Với niềm tin này, đã cho chị Hường thêm sức mạnh để tiếp tục cuộc lặn lội ra nước ngoài tìm con thời gian tới. Chị bảo, Trung Quốc rộng lớn, đông người nhưng ý chí của một người mẹ mất con, sẵn sàng làm tất cả để sớm có cuộc trùng phùng hạnh phúc.
Trước khi chia tay tôi, chị Hường lại khóc nấc. Chị nói với tôi nhưng như để nhắn nhủ với Thảo: “Con ơi, mẹ sẽ tiếp tục tìm kiếm con cho đến khi nào sức lực tàn lụi mới thôi!”. Hy vọng, với ý chí và nghị lực của người mẹ trên bước đường tìm dòng máu của mình, sẽ sớm được đền đáp. Trước tình cảnh bi đát của mẹ con chị Hường, chúng tôi rất mong nhận được sự quan tâm của bạn đọc gần xa trong việc chia sẻ, giúp đỡ hai mẹ con sớm được đoàn tụ. Mọi thông tin phản hồi, bạn đọc gọi về số điện thoại của chị Hường: 0164.6203900; hoặc Báo Đồng Nai: 0613.942427.
Đỗ Duy
Theo baodongnai.com.vn