Việt Nam  | 
English
   Trang chủ    Tin tức    Trường hợp đang tìm
Trường hợp đang tìm
Người tìm thân nhân của mộ liệt sĩ
Timnguoithatlac.vn là dự án xã hội của Bionet Việt Nam, hỗ trợ tìm người thất lạc miễn phí ở các mảng: tìm người thân thất lạc (bao gồm: người đi lạc, người bỏ nhà đi lạc, người mất tích, trẻ mồ côi, trẻ lang thang, người thất lạc cha mẹ từ lúc mới sinh, tìm người thất lạc ở Việt Nam, tìm người thân ở nước ngoài, người già đi lạc, người tâm thần đi lạc…), tìm thông tin liệt sỹ (tìm mộ liệt sỹ, tìm thân nhân liệt sỹ) và tìm bạn (tìm bạn đời, người yêu cũ, bạn học cũ, ân nhân, người quên đồ…).

 

Ngày nghỉ ở nhà nhưng chẳng bao giờ ông Quân bỏ bê nhiệm vụ - Ảnh: Mai Chi

 

Thời gian qua đã có rất nhiều người tình nguyện bỏ công sức, thời gian đi tìm mộ liệt sĩ cho gia đình các đồng đội hay người thân. Nhưng làng Mộc Bắc (Duy Tiên, Hà Nam) lại có một thương binh làm công việc ngược lại, là đi tìm thân nhân cho những nấm mộ liệt sĩ.

Dù có số điện thoại, nhưng chúng tôi phải liên tục hẹn mới được gặp ông Quân. Nhà ông cũng ba gian ngói đỏ, vườn chuối cây mít bình dị như bao người dân quê khác. Những thứ đáng giá trong nhà hầu như chẳng có gì, nhưng bằng khen, giấy khen và kỷ niệm chương... thì treo kín bốn bức tường.

Nhiệm vụ... không lương

Ông đang ngồi bên đống sổ sách, danh bạ điện thoại, ảnh, bản đồ, kính lúp... luôn mắt luôn tay tra cứu, nghe gọi điện thoại như mọi ngày ở nhà. Thấy chúng tôi, ông nói: “Hôm nay các cháu đến là may đó, chú mới vừa đi Hà Nội về nên nghỉ ở nhà, chứ mai chú lại lên đường”. Quả thật như lời ông nói, hai lần trước chúng tôi đến đều chỉ gặp được bà Kỳ - vợ ông. Biết mấy người trẻ đến gặp mình với mục đích gì rồi, nên ông chỉ ngay vào đống sổ sách và cho biết: “Việc này rất mất thời gian vì vô cùng phức tạp, người có tính nóng vội không làm được đâu các cháu à”.

"Trước có vài người cũng cảm thấy khó hiểu và cho là ông Quân không bình thường mới đạp xe lang thang, bỏ tiền túi tìm thân nhân liệt sĩ như vậy. Nhưng dần dần mọi người đã hiểu và cảm phục ông ấy. Thôn, xã biết chuyện ông ấy làm nhưng không có hỗ trợ gì ngoài những lời động viên. Ông ấy làm vậy đúng là khổ thật "

Ông Phạm Xuân Thức
(trưởng thôn Yên Từ)

Ông Quân sinh năm 1955 tại làng Mộc Bắc nằm ngay bên bờ sông Hồng. Vào năm 1970, còn đang đi học, khi có lệnh tổng động viên nhập ngũ, ông đã xung phong vào chiến trường, lúc đó mới 15 tuổi. Ông là quân của trung đoàn 88 Tu Vũ anh hùng trực thuộc sư đoàn 308, được mệnh danh như “Quả đấm thép” của Bộ Quốc phòng.

Ông rất tự hào về đơn vị mà mình đã đóng quân, chiến đấu trong những năm tháng tuổi trẻ. Năm 1986, ông rời quân ngũ về quê cày cuốc mưu sinh như bao nông dân khác. Chính vì niềm tự hào và tình cảm sâu sắc với đồng đội đã hi sinh nên năm 2007, khi được người chỉ huy cũ ở trung đoàn 88 giao nhiệm vụ tìm thân nhân cho mộ liệt sĩ, ông đã nhận lời ngay.

“Khi đó chú hoàn toàn có quyền từ chối nếu không muốn làm. Nhưng khi được người chỉ huy giao việc đặc biệt này, chú nhận lời ngay mà chẳng mảy may suy nghĩ. Chú coi đó là nhiệm vụ thời bình của mình”.

Một công việc chỉ xuất phát từ tấm lòng, không hề có bất cứ đồng lương, thưởng hay một thứ vật chất gì để động viên. Nhưng ông Quân nhắc đi nhắc lại với chúng tôi: “Khi chú đã nhận là phải làm hết sức, vừa tròn trách nhiệm mà cấp trên ủy thác, vừa không phụ lòng những liệt sĩ đã nằm lại chiến trường”.

Nhận nhiệm vụ rồi, ông lập tức thực hiện. Cho đến nay quỹ thời gian, tâm sức của ông gần như đã hiến dâng hết cho những nấm mộ liệt sĩ vẫn còn vô chủ, chưa có thân nhân đến nhận.

Trong tỉnh: xe đạp, ngoài tỉnh: ôtô

Chỉ tay về phía góc nhà, ông bảo chiếc xe đạp cào cào hôm nay cũng được nghỉ ngơi bởi chủ nhân của nó ở nhà. Chiếc xe cũ kỹ đã theo ông suốt sáu năm qua khi đi khắp các thôn, xã, huyện của tỉnh Hà Nam. Rất may tỉnh Hà Nam khá nhỏ bé nên nếu tính từ nhà ông ở Mộc Bắc đạp xe đến huyện xa nhất cũng chỉ 40-50km. Với một lão nông 58 tuổi có sức khỏe, được rèn luyện qua quân đội thì chuyện đó vẫn chiến đấu được. Ông nói: “Chú không biết đi xe máy. Giờ tuổi cũng sắp lục tuần rồi chẳng muốn tập xe nữa nên đành phải cọc cạnh với chiếc xe đạp này thôi”.

Nhưng nhiệm vụ của ông Quân đâu chỉ có đi trong tỉnh Hà Nam. Ông phải đi tìm thân nhân cho liệt sĩ thời chống Pháp, chống Mỹ ở sáu tỉnh miền Bắc, rồi các tỉnh miền Trung, Tây nguyên và miền Nam. Thậm chí có một số liệt sĩ hi sinh ở Campuchia và Lào ông cũng phải lên kế hoạch tìm kiếm người nhà của họ.

Hơn 3.000 nấm mộ liệt sĩ ở các tỉnh thành đã tìm được thân nhân sau những chuyến đi và các cuộc điện thoại của ông Quân. Đó là số mộ nằm lại các nghĩa trang dọc đất nước mà đã có người đến nhận sau những cuộc liên lạc của ông Quân.

Đặc biệt có hơn chục gia đình ở Hà Nam đã mang được hài cốt liệt sĩ về địa phương sau khi được ông Quân đưa ra thông tin giúp đỡ. Nếu tính cả các tỉnh miền Bắc thì ông đã giúp cả trăm gia đình mang được hài cốt liệt sĩ của chồng, cha, ông mình về với gia đình, quê hương...


Cho đến nay ông đã đi khắp hơn 200 nghĩa trang liệt sĩ trên cả nước. Ở tất cả những nơi đặt chân đến, ông đều ghi chép lại rất cẩn thận tên, tuổi, quê quán, thông tin liên quan đến liệt sĩ vào sổ để tìm cách liên lạc. Sau khi đã có thông tin của các phần mộ, ông bắt đầu đối chiếu với tài liệu do ban liên lạc của trung đoàn 88 cung cấp. Sau khi thống nhất mọi thông tin, ông bắt đầu tìm cách liên lạc với người thân của các liệt sĩ.

“Rất mệt mỏi, nhiều lúc như mình đang mò kim đáy bể bởi địa giới hành chính, tên gọi của các thôn, phường, xã, quận, huyện ở nhiều tỉnh thay đổi liên lục... nên tìm được người thân cho một ngôi mộ liệt sĩ là vô cùng vất vả, dù rằng đang sống trong thời đại công nghệ thông tin” - ông phân trần.

Như để minh chứng, ông đưa tôi xem danh bạ gồm hàng nghìn số điện thoại mà ông lưu trong sổ, ở những vỏ bao thuốc lá. Dù các hãng điện thoại thường xuyên khuyến mãi, nhưng trung bình ông Quân “đốt” 1-1,2 triệu đồng/tháng tiền điện thoại để liên lạc tìm thân nhân cho các liệt sĩ. Và đó tất nhiên là tiền túi. Ông phải gọi về các xã. Từ xã ông nhờ chính quyền địa phương tìm cho ra người ở thôn này, thôn kia có liệt sĩ mà chưa biết thông tin. Sau khi tìm thấy các gia đình bằng phương pháp trên rồi, ông lại phải thực hiện nhiều cuộc liên lạc khác với họ để trao đổi và xác minh lại thông tin cho chính xác.

“Đã có rất nhiều cuộc tìm kiếm bằng điện thoại theo phương pháp ấy thất bại bởi địa giới hành chính đã thay đổi, hoặc không thể liên lạc được vì đã thay số điện thoại. Với những trường hợp như thế chú phải mang theo bản đồ, đi đến tận nơi nếu ở Hà Nam. Còn với các tỉnh khác chú bắt ôtô” - ông tâm sự.

Với mức lương thương binh hơn triệu bạc một tháng may mắn lắm thì đủ cho ông trả tiền cước phí điện thoại. Còn những khoản khác như tàu xe, ăn uống ông lại phải nhờ vợ hoặc con cái. Ông nhìn sang bà xã và tâm sự: “Bà nhà chú lúc đầu cũng không thích chú làm việc này, vì nói thật với các cháu, việc gì mà phạm vào kinh tế gia đình thì ai chả xót”. Còn bản thân bà xã Nguyễn Thị Kỳ của ông thì nói: “Ông nhà tôi ngang lắm, đã làm việc gì thì cấm ai cản được. Ngày xưa hàng xóm họ còn bảo ông ấy gàn dở mới đi làm việc này. Nhưng giờ hiểu ra thì tôi và các cháu cũng như hàng xóm đều cảm thấy đó là việc nghĩa nên làm”.

Trăn trở và hạnh phúc

Ông biết giờ mình vẫn còn khỏe còn đi được, làm được, nhưng rồi sẽ già yếu và phải từ bỏ công việc. Ông như đang tận dụng từng giây để làm một việc nghĩa thiêng liêng. Bà Kỳ bảo rằng thậm chí có nhiều hôm ông không ăn cả cơm và ngủ rất ít. Ngồi tâm sự với chúng tôi một lúc mà ông nhắc đi nhắc lại rằng trong tay mình hiện vẫn còn hàng nghìn thông tin về các mộ liệt sĩ ở miền Trung, miền Nam mà không biết phải làm thế nào để liên lạc với gia đình, người thân của họ.

Suốt sáu năm qua ông ăn không ngon, ngủ chưa yên bởi nhiệm vụ vẫn chưa hoàn thành. Ông bảo việc này rất thiêng liêng, đó là niềm tự hào và cũng là hạnh phúc của ông. Mỗi khi có người tìm được mộ liệt sĩ của người thân, họ bật khóc trong sung sướng, còn ông cũng bật khóc bởi ông cho đó là hạnh phúc. Hạnh phúc với ông xuất hiện mỗi khi có ngôi mộ liệt sĩ nào đó tìm được thân nhân của mình.

HƯỜNG NGUYỄN

Theo tuoitre.vn

Các tin khác