Lá tràm xanh được tìm thấy trong hố đào hài cốt liệt sĩ ở độ sâu 0,8-1m. Trong khi tại khu vực này, tràm mới chỉ được trồng cách đây 7-8 năm.
Những ngày vừa qua, dư luận nhân dân trên địa bàn tỉnh Quảng Trị rất băn khoăn về tính xác thực trong một vụ tìm kiếm, quy tập 9 hài cốt liệt sĩ tại thôn Lâm Xuân, xã Gio Mai, huyện Gio Linh dưới sự hướng dẫn của một người được gọi là “Nhà ngoại cảm”. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã đến hiện trường tìm hiểu rõ vụ việc.
Làm việc với chúng tôi, Đại tá Hồ Thanh Tự, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị cho biết: Ngày 17-7-2013, Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị nhận Công văn số 2210/UBND-VX, của UBND tỉnh giao Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị chủ trì, phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, chi nhánh Quảng Trị (sau đây viết tắt là NHCS), UBND huyện Gio Linh, các cơ quan, ban ngành có liên quan tổ chức quy tập và an táng hài cốt liệt sĩ trên khu vực giáp ranh giữa thôn Lâm Xuân, xã Gio Mai và thôn Tân Minh, xã Gio Thành, huyện Gio Linh; thông tin do NHCS cung cấp. Bộ CHQS tỉnh đã nhanh chóng xây dựng kế hoạch tổ chức khảo sát, tìm kiếm; phối hợp với các cơ quan chức năng, các lực lượng thành lập Đoàn kiểm tra tiến hành xác minh thông tin; thống nhất kế hoạch tìm kiếm, quy tập; phân công trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị.
Tìm hiểu, chúng tôi được biết, ngày 15-7, NHCS có Công văn 512/NHCS-BC gửi UBND tỉnh Quảng Trị, nói rõ: “Theo chương trình tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, trong 2 ngày 25 và 26-7-2013, NHCS phối hợp với nhà tâm linh, ngoại cảm xác định và tổ chức tìm kiếm 9 hài cốt liệt sĩ có vị trí tại thôn Lâm Xuân, xã Gio Mai. Trong đó có 3 liệt sĩ có tên, đó là: Tạ Văn Tín, sinh năm 1946, hy sinh ngày 27-6-1969; Nguyễn Như Hồ, thuộc Trung đoàn 48, Sư đoàn 320, hy sinh ngày 25-5-1968, quê quán xã Chu Dương, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây (cũ); Hoàng Văn Thành, sinh năm 1942, tại xã Sơn Lâm, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang”.
Đại tá Trần Minh Thanh, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị, là người trực tiếp tham gia chỉ huy lực lượng tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ tại thôn Lâm Xuân cho biết: Xác định tính chất việc quy tập lần này theo phương pháp ngoại cảm, trước khi tiến hành, các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị và NHCS đã thống nhất phương pháp làm việc và phân công công việc một cách khoa học và chặt chẽ như sau: Bộ CHQS tỉnh trực tiếp chỉ đạo công tác phát hiện, tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ trên địa bàn; lực lượng quy tập gồm cán bộ, chiến sĩ Đội quy tập mộ liệt sĩ 584, Ban CHQS huyện Gio Linh, 30 chiến sĩ dân quân xã Gio Mai; ngoài lực lượng trên, tuyệt đối không ai được vào khu vực cất bốc, quy tập khi chưa được sự đồng ý của Bộ CHQS tỉnh. Sở Lao động-Thương binh và Xã hội theo dõi, phối hợp với Bộ CHQS tỉnh trong việc xác định hài cốt liệt sĩ; chủ trì lễ viếng, lễ truy điệu; tiếp nhận hài cốt liệt sĩ. NHCS đảm nhiệm công tác chuẩn bị các vật chất sử dụng trong quá trình quy tập, bảo đảm kinh phí phục vụ cho việc tìm kiếm, quy tập v.v.. Đại tá Trần Minh Thanh cũng cho biết thêm, Bộ CHQS tỉnh đã cử các lực lượng trinh sát, quân báo tích cực nắm thông tin địa bàn từ trước và trong quá trình quy tập, nhằm bảo đảm an ninh, an toàn trong thực hiện nhiệm vụ.
Ngày 25-7, công tác tìm kiếm hài cốt liệt sĩ bằng phương pháp ngoại cảm được tiến hành. Sau lễ cầu siêu, rất đông những người mặc áo đồng phục có ghi dòng chữ “Ngân hàng chính sách xã hội” và thân nhân liệt sĩ theo sự chỉ dẫn của một người tên Thủy (được gọi là “Nhà ngoại cảm”), đi về phía thôn Tân Minh, xã Gio Thành. Tại đây, một cô gái trong đoàn có biểu hiện “nhập đồng”, cử chỉ không bình thường và chỉ định 2 vị trí hài cốt liệt sĩ ở phía tây và phía đông nam một gốc tràm; vị trí thứ ba ở cách gốc tràm khoảng 3m về phía bắc. Ngay sau đó, tại các vị trí này, lực lượng của Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị đã tiến hành kiểm tra bom, mìn, vật liệu nổ, đóng cọc, khoanh vùng, yêu cầu những người không có nhiệm vụ rời khỏi khu vực nghi có hài cốt liệt sĩ. Tuy nhiên, quan sát bằng mắt thường cho thấy, tại đây, một số bụi cây cỏ dại đã khô do bị bới gốc, một số rễ cây tràm bị bật gốc lên trên mặt đất...
Để kiểm chứng, lực lượng đào tìm hài cốt đã thử đào bằng tay ở những khu vực sát cạnh vị trí nghi có hài cốt nhưng không thực hiện được do mặt đất cứng, rễ cây tràm chằng chịt. Tuy vậy, tại 3 vị trí nghi có hài cốt, thì việc đào tìm bằng tay rất dễ dàng. Biên bản do cơ quan chức năng lập tại hiện trường ghi rõ:
- Tại vị trí thứ nhất: Sử dụng đào bới bằng tay, thể tích 0,5x0,5x1,7m, phát hiện có rất nhiều rễ cây bị đứt từ trước, vết đứt đã khô; có 14 lá tràm còn tươi xanh nằm trong đất ở độ sâu khoảng 0,8-1m; nhiều mảnh xương không xác định số lượng và loại xương kích thước khoảng 0,1-0,5cm nằm lẫn với đất nâu vàng; một bi đông không có nắp, có ký hiệu “Hoàng Văn Thành F320-T-Q”.
- Tại vị trí thứ 2: Sử dụng đào bới bằng tay; diện tích khoảng 1m2, độ sâu 1m, có: 5 rễ cây to bị đứt từ trước, 4 lá keo tràm bị héo ở độ sâu 0,7m; nhiều mảnh xương nhỏ lẫn với đất nâu vàng; một bi đông có ký hiệu “Nguyễn Như Hổ D3-F320”, không có nắp.
- Tại vị trí thứ 3: Sử dụng đào bới bằng tay; diện tích 1m2, độ sâu 1m, có: 6 rễ cây to đã bị đứt từ trước, nhiều mảnh xương nhỏ; một bi đông có ký hiệu “Tạ-V-Tín TĐ QT”, không có nắp.
Căn cứ thực tế và kết quả tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ tại hiện trường, Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị đề nghị: “Khu vực này có thể đã bị đào bới từ trước. Đề nghị tạm dừng quy tập, giữ nguyên hiện trường, báo cáo lên trên”. Tuy nhiên, lãnh đạo NHCS có ý kiến: “Lập biên bản hiện trường, cho tiếp tục đào bới, tìm kiếm...”.
Với mong muốn thiết tha tìm kiếm được hài cốt liệt sĩ, đại diện các lực lượng đã thống nhất tiếp tục tìm kiếm, đào bới bằng dụng cụ. Kết thúc việc tìm kiếm, Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị kết luận: “Số mảnh xương cất bốc và các di vật tìm được tại các vị trí khai quật chưa đủ cơ sở để kết luận là hài cốt liệt sĩ”. Tuy nhiên, người được gọi là “nhà ngoại cảm” đã tự phân chia số mảnh xương tìm được trong hố đào thành 9 bộ “hài cốt liệt sĩ”. Ngày 26-7, 9 bộ “hài cốt liệt sĩ” này được bàn giao cho Ban quản lý Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9 để bảo quản, an táng.
Ngày 29-7, Đại tá Trần Minh Thanh cung cấp thêm thông tin cho chúng tôi: Căn cứ hồ sơ lưu trữ, liệt sĩ Tạ Văn Tín có khắc tên ở một chiếc bi đông tìm được trong hố đào, đã hy sinh tại cao điểm 420 thuộc địa bàn huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị chứ không phải ở đây.
Một phóng viên Đài Phát thanh-truyền hình Quảng Trị đã chứng kiến và ghi hình toàn bộ diễn tiến quá trình việc quy tập hài cốt liệt sĩ tại thôn Lâm Xuân, tâm sự với chúng tôi: “Trong thời gian qua, có rất nhiều đoàn quy tập hài cốt liệt sĩ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị bằng phương pháp ngoại cảm, được cho là có kết quả. Tuy nhiên, việc quan trọng tiếp theo là giám định bằng phương pháp phân tích ADN chưa được tiến hành nên chưa thể khẳng định tính xác thực”.
Các “di vật” ghi rõ tên liệt sĩ và rễ cây đã bị chặt đứt từ trước được tìm thấy trong các hố đào.
Về vụ việc trên, Đại tá Hồ Thanh Tự, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh cho rằng: “UBND tỉnh cần chỉ đạo cơ quan chức năng tiến hành điều tra, làm rõ những việc làm có nghi vấn; chỉ đạo lấy mẫu sinh phẩm giám định ADN. Hài cốt liệt sĩ dù tìm bằng phương pháp nào cũng phải tiến hành giám định ADN. Chừng nào có kết quả khẳng định chính xác hài cốt liệt sĩ mới tổ chức các nghi thức an táng vào nghĩa trang liệt sĩ”.
Chiều ngày 31-7, ông Phan Văn Linh, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị, cho biết: “Hiện nay, 9 bộ "hài cốt liệt sĩ" đã được đưa vào an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9. Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị đã yêu cầu NHCS với tư cách là đơn vị cung cấp thông tin, tổ chức tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ phối hợp với gia đình các thân nhân liệt sĩ tiến hành lấy mẫu đưa đi giám định ADN. Nếu kết quả giám định ADN đúng là hài cốt liệt sĩ đã có tên thì có thể kết luận 9 bộ "hài cốt liệt sĩ" là chính xác; còn nếu không đúng, có thể đưa các dữ liệu này vào ngân hàng gen để lưu trữ”.
Giải thích về việc tại sao chưa có kết luận chính thức của cơ quan chức năng về tính xác thực của 9 bộ "hài cốt liệt sĩ" nhưng vẫn được đưa vào an táng trong Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9, ông Linh khẳng định: “Cho dù có những dấu hiệu không bình thường và có tính nghi ngờ trong quá trình tìm kiếm và cất bốc, nhưng không thể chứng minh đó không phải là hài cốt liệt sĩ vì có nhiều di vật là vật dụng thường dùng của bộ đội ta. Tuy nhiên, việc giám định ADN là biện pháp quyết định để kết luận đó có phải là hài cốt liệt sĩ hay không”.
Người được gọi là "Nhà tâm linh, ngoại cảm" chỉ vị trí đào tìm hài cốt liệt sĩ ở thôn Lâm Xuân là ông Nguyễn Thanh Thủy, còn được gọi là “Cậu Thủy”, quê ở tỉnh Bắc Ninh.
Bài và ảnh: TRẦN HOÀI
Theo qdnd.vn
Bài liên quan: