Đất nước ta có khoảng 1,2 triệu liệt sỹ, trong đó gần một nửa chưa tìm được hài cốt, chủ yếu là liệt sỹ còn quá ít thông tin hoặc hoàn toàn không còn thông tin (liệt sỹ vô danh).
Vậy câu hỏi được đặt ra, vì sao trong suốt mấy chục năm qua, bao nhiêu con người cùng tìm kiếm hài cốt liệt sỹ nhưng con số chưa tìm được vẫn còn quá lớn? Chắc hẳn mọi người sẽ nghĩ đến câu trả lời ở nhiều khía cạnh lớn nhỏ khác nhau. Tuy nhiên, ở đây, chúng tôi chưa bàn đến vĩ mô như cơ chế hay Nhà nước mà đề cập đến vấn đề nhỏ hơn, điều mà chúng ta có thể tác động làm thay đổi được nhưng lại có ý nghĩa không hề nhỏ trong kết quả tìm kiếm thông tin liệt sỹ: đó là cách thức tìm kiếm và tâm lý tìm kiếm. Có thể 1 số người sẽ không đồng ý với ý kiến hay cách nhận xét này của riêng tôi, nhưng đây là những trăn trở đúc rút lại trong thời gian tham gia dự án Tìm người thất lạc, mảng trợ giúp tìm thông tin liệt sỹ (tìm mộ và thân nhân liệt sỹ) mà tôi muốn chia sẻ.
Về cách thức tìm kiếm: hiện nay cách thức lưu truyền và tìm kiếm của chúng ta còn tương đối nhỏ lẻ, tự phát, thiếu đồng bộ dẫn đến thông tin các LS không được trao đổi, lưu giữ tốt xảy ra trường hợp bị mất hay thất lạc thông tin. Điều này phần nhiều xảy ra khi các tài liệu ghi chép về danh sách LS, mộ chí không được lưu giữ, sao chép cẩn thận dẫn đến tình trạng thiếu hoặc bị mất. Thậm chí, 1 số tài liệu về thông tin liệt sỹ được nỗ lực giữ gìn để truyền lại qua chiến tranh khắc nghiệt lại bị ..sao chép sai thông tin! Những điều này khiến hàng nghìn mộ liệt sỹ thiếu thông tin hoặc tệ hơn, trở thành mộ liệt sỹ vô danh 1 cách đầy ấm ức.
Cách thức tìm kiếm mộ nhỏ lẻ cùng tâm lý tìm kiếm chỉ cần xong việc của mình cũng dẫn đến tình trạng nhiều cá nhân, gia đình lãng phí công sức, tiền của, bị lừa bịp, lợi dụng.
Xin kể 1 vài ví dụ cho những nhận xét trên.
Trường hợp về phong trào tìm kiếm mộ liệt sỹ theo phương pháp ngoại cảm đang thịnh hành hiện nay.
Tháng 7/2013, chị Dân – thân nhân liệt sỹ Dương liên lạc với dự án Tìm người thất lạc nhờ tìm giúp mộ liệt sỹ. Khi chúng tôi đề cập đến việc chị cung cấp thêm các giấy tờ liên quan như giấy báo tử, bản trích lục thông tin liệt sỹ, chị bày tỏ chị chỉ có bản photo bằng Tổ quốc ghi công. Chuyện rằng chị là thân nhân nhưng là cháu lại phận gái. Liệt sỹ không có con. Bố chị là anh trai liệt sỹ, sức khỏe yếu hay phải nằm 1 chỗ. Bác luôn mong ngóng tìm được hài cốt đứa em trai út ngày trước người mảnh khảnh nhưng xung phong đi bộ đội rồi bất ngờ hy sinh khi tuổi đời còn quá trẻ. Bác chỉ nhờ cậy được chị. Nhưng người anh họ, con bác trưởng đã nhất quyết tìm mộ liệt sỹ theo phương pháp ngoại cảm : nhà ngoại cảm đến NTLS Anh Sơn, Nghệ An tìm mộ bằng cách thắp hương rồi chỉ cho gia đình mộ nằm ở mộ này dãy này trong khu vực liệt sỹ vô danh. Không đồng ý với kết quả tìm kiếm theo phương pháp ngoại cảm, nhưng chị lại không đủ quyền để phản đối đưa việc mộ liệt sỹ vô danh đó về địa phương đặt vào chỗ bác chị. Chị không phải là người hưởng chế độ chính sách thân nhân liệt sỹ nên không có giấy tờ gốc. Chị và bác chỉ có thể nhờ đến các cựu chiến binh hay các cá nhân, tổ chức tìm giúp đúng mộ liệt sỹ để người nhà được thắp nén hương trên bia mộ và yên lòng những người đang trông ngóng.
Hay trường hợp bác Quang ở Hà Đông, Hà Nội là 1 cựu chiến binh tích cực tham gia tìm kiếm, đưa hài cốt đồng đội trở về với gia đình. Bác kể bác có gửi thư kèm sơ đồ mộ chí chi tiết cho 1 gia đình ở Hà Nam về phần mộ đồng đội mà nhóm bác trực tiếp chôn cất. Nhưng gia đình đã đem 1 ngôi mộ khác về địa phương bằng phương pháp ngoại cảm và nhất định không chịu thừa nhận ngôi mộ đơn vị chỉ kia là mộ liệt sỹ của gia đình. Bác trăn trở: hài cốt đồng đội thì nhất định phải đưa về rồi, không thể để các anh hưu quạnh trong đó mãi. Tháng sau, khi anh em cựu chiến binh quyên góp đủ tiền sang Lào đưa hài cốt đồng đội về, chắc hài cốt các anh phải để tạm tại NTLS nào đó mà không trở về được với gia đình liệt sỹ.
Một câu hỏi đau lòng: tại sao gia đình liệt sỹ đã tìm hài cốt liệt sỹ bằng nhiều cách nhưng nay lại nhất quyết giữ nắm đất tìm bằng phương pháp ngoại cảm mà từ chối hài cốt đồng đội liệt sỹ đưa về???
Một trường hợp khác về tâm lý tìm mộ: Cũng trong quá trình kiểm tra kết quả tìm kiếm bằng cách tự động so sánh đối chiếu hồ sơ trong cơ sở dữ liệu, chúng tôi tìm được phần mộ liệt sỹ Phạm Thế Chiến gần trùng khớp tại NTLS Trường Sơn (chỉ khác tên xã: Thụy Quỳnh – Thụy Trình). Nhưng khi liên lạc theo số điện thoại gia đình để lại, một câu chuyện nhiều khúc mắc khác được đặt ra. (ảnh)
Kết quả trùng hợp hồ sơ tìm mộ và tìm thân nhân LS Phạm Thế Chiến trên timnguoithatlac.vn
Chị Xinh, cháu của liệt sỹ bày tỏ: 2 năm trước, gia đình chị cũng được các cựu chiến binh trên đường đi tìm mộ đồng đội báo lại là có phần mộ liệt sỹ với thông tin gần trùng khớp với liệt sỹ Chiến tại NTLS Trường Sơn. Nhưng 1 gia đình xã bên cũng có liệt sỹ tên Chiến, đã nhận mộ phần này. Gia đình chị rất nghi ngờ vì khả năng 1 liệt sỹ khác cùng tên họ, năm sinh, ngày tháng hy sinh ở gần xã là khá hiếm. Hai gia đình đều cùng 1 nỗi đau mất con tranh cãi về 1 phần mộ. Gia đình bên chị Xinh đã đề nghị so sánh lại thông tin LS Chiến kia xem mức độ trùng khớp thông tin thế nào so với bia mộ nhưng không được gia đình và lãnh đạo xã bên đồng ý. Phương án xét nghiệm ADN sẽ cho ra kết quả chính xác nhất nhưng cũng không được chấp thuận, mộ liệt sỹ được canh giữ nghiêm ngặt. Gia đình chị bán tín bán nghi 2 năm qua không được làm sáng tỏ. Câu hỏi đó cứ quanh quẩn, ấm ức mãi trong lòng mỗi thành viên. Hai gia đình liệt sỹ đáng lẽ cảm thông trong nỗi đau chung giờ lại nhìn nhau bằng ánh mắt hằm hằm hình viên đạn…
Còn rất nhiều trường hợp đau lòng khác tôi chưa kể. Nhưng tự chung lại, các gia đình liệt sỹ đều mong ngóng thông tin, cái mong muốn tìm lại dù chỉ là hài cốt luôn đốt cháy tâm can. Điều này chúng tôi xin được chia sẻ...
Nhưng cũng mong các gia đình, nếu nhận mộ liệt sỹ, xin hãy chắc chắn trước khi nhận mộ, có thể dùng phương pháp xét nghiệm ADN – giám định hài cốt nếu cần thiết. Bởi vì, nếu cứ lấy tạm, mù quáng hoặc ôm đồm 1 hài cốt liệt sỹ nào ấy không phải liệt sỹ gia đình cần tìm thì gia đình thật sự của liệt sỹ ấy có cách nào tìm được hài cốt thân nhân? Hay trường hợp vì quá tin nhà ngoại cảm mà ngày ngày hương khói nắm đất, từ chối nhận hài cốt chính liệt sỹ của gia đình?
Hài cốt liệt sỹ thực sự của gia đình mình có phải lại bơ vơ không có người nhận?
Và các cá nhân, tổ chức đang gìn giữ, sao chép thông tin liệt sỹ, xin hãy thật cẩn trọng. Vì thông tin quý giá còn rất ít ỏi đó hầu như là cầu nối duy nhất có thể giúp nhiều gia đình sớm tìm được hài cốt thân nhân sau hàng chục năm trời sống trong mất mát và tìm kiếm.
Bionet Việt Nam - BQT website